21/9/15

Cách chăm sóc bầu vú thời kỳ cho con bú

Trong suốt thời gian cho con bú, các mẹ cần chăm sóc cẩn thận hai bầu vú, nhất là phần núm vú. Điều này có lợi cho cả mẹ và con. Hãy kiểm tra núm vú sau mỗi cữ bú. Nếu thấy có vết nứt hay trầy xước thì cần xử lý sớm để mọi chuyện không trở nên tồi tệ hơn.  









Chăm sóc bầu vú và núm vú bình thường 
  • Chỉ nên vệ sinh bầu vú bằng nước sạch. Tránh bôi trực tiếp xà phòng hay nước tắm lên núm vú, các hóa chất này có thể làm mất các chất nhầy tự nhiên của da, khiến núm vú trở nên khô và nứt nẻ. Không nên chà xát mạnh vùng núm vú khi tắm rửa.
  • Luôn rửa sạch tay trước khi chạm vào vú.
  • Thay tấm lót sữa thường xuyên để núm vú được khô ráo. Núm vú ẩm ướt là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển và khiến da bị phân hủy. Không nên dùng các tấm lót sữa có lớp lót nylon vì dễ gây ẩm ướt.
  • Sau mỗi cữ bú, mẹ có thể vắt một chút sữa lên núm vú và quầng sẫm xung quanh núm để bảo vệ da. Sữa có tác dụng làm ẩm da và tạo rào cản chống nhiễm trùng. Đợi núm vú khô rồi mới mặc áo nịt ngực.
Chăm sóc bầu vú cương cứng

Đối với bầu vú bị cương cứng, mẹ có thể tiến hành chườm lạnh hoặc chườm nóng. Hãy thử nghiệm cả hai và chọn phương pháp phù hợp hơn với bạn.
  • Chườm lạnh: Đặt túi chườm lạnh trên bầu vú trong vài phút, điều này giúp làm giảm tình trạng phù nề. Mẹ có thể dùng túi chườm lạnh bọc trong khăn, túi hạt đậu đông lạnh, hay một chiếc khăn ướt ướp lạnh. Chú ý: nên hạn chế thời gian chườm ở mức vài phút để tránh làm tổn thương da.
  • Chườm ấm: Tắm vòi sen với nước ấm hoặc đặt khăn ấm lên bầu vú trong vài phút cho tới khi sữa bắt đầu xuống. Mẹ cũng có thể sử dụng túi chườm nóng hay chai nước nóng bọc trong khăn vải.
Sau khi chườm, hãy nhẹ nhàng xoa bóp bầu vú và vắt một chút sữa cho tới khi vùng xung quanh núm vú trở nên mềm mại. Cho bé bú đến khi vú không còn cứng nữa.

Mẹ cần tìm trợ giúp y tế nếu:
  • Không thể làm mềm bầu vú hoặc gặp khó khăn khi cho con bú.
  • Xuất hiện vùng nóng đỏ đau ở bầu vú.
  • Sốt
  • Cảm thấy khó ở.
BS Trần Thu Thủy