9/5/17

Nhiễm Herpes đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai

Herpes môi 
Sống hết cuộc đời mà không gặp virus herpes là chuyện không thể, sớm hay muộn tất cả chúng ta đều nhiễm herpes. Nhưng nhiễm herpes trong thời gian mang thai là điều vô cùng nguy hiểm. Nguy cơ sinh con bị dị tật trầm trọng là vô cùng lớn. Bác sĩ Komarovskiy E.O., chuyên gia hàng đầu về nhi khoa tại Ukraina đã giải đáp các thắc mắc về vấn đề này. 




BS Komarovskiy:

Herpes có ở tất cả mọi người, sau độ tuổi 4-5, hầu như cơ thể nào cũng có virus herpes simplex. Trong cùng một gia đình, có bé thường xuyên bị nhiễm trùng herpes nhưng có bé lại không có biểu hiện bệnh này. Khả năng chống chọi bệnh phụ thuộc vào đặc điểm di truyền của hệ miễn dịch ở từng cá thể. Khi hệ miễn dịch của cơ thể phải bận rộn đối phó với các tình huống bất thường (một đợt nhiễm trùng, sốt, chấn thương, stress , ánh sáng mặt trời chói chang...), virus herpes đang 'ngủ yên' sẽ bừng tỉnh. Herpes miệng thường liên quan tới thay đổi miễn dịch cục bộ, chẳng hạn niêm mạc môi bị khô quá. Trái lại, khi cơ thể khỏe mạnh, tâm trạng vui vẻ, hệ miễn dịch đủ khả năng xử lý các đợt tấn công của virus.

Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu phát hiện kháng thể kháng herpes trong máu nhưng lâm sàng không có biểu hiện gì thì có cần điều trị không ?

Đáp: Đây là một trong những lỗi phổ biến nhất. Kháng thế kháng virus herpes hầu như có thể tìm thấy ở tất cả mọi người. Nếu tìm thấy kháng thể nhưng không có biểu hiện lâm sàng thì hoàn toàn không cần điều trị. Phát hiện kháng thể ở phụ nữ đang có thai hoặc chuẩn bị có thai đồng nghĩa với việc cơ thể đã có kinh nghiệm đối phó với virus herpes, đã biết cách tạo sức đề kháng. Kháng thể này bảo vệ cả mẹ và em bé tương lai. Vì vậy, cần vui mừng vì chuyện này.

Hỏi: Có thể chữa khỏi hẳn bệnh do virus herpes gây ra không?

Đáp: Virus herpes sống trong một số tế bào của hệ thần kinh, chúng sống yên ổn ở đó và thường xuyên kiểm soát tình trạng miễn dịch của cơ thể. Virus ngó ra, nếu hệ miễn dịch ổn thì lại rút lui. Nhưng nếu thấy hệ miễn dịch đang yếu thì chúng sẽ bắt đầu nhân lên, gây ra các triệu chứng bệnh. Đáp lại, cơ thể sản sinh lượng kháng thể bổ sung. Virus bị trung hòa một phần. Nhưng trong các tế bào thần kinh, kho virus sẽ còn lại vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là không có cách gì tống khứ hoàn toàn virus herpes ra khỏi cơ thể. 

Virus không làm chết các tế bào, chúng sống hòa bình ở đó và định kỳ cấp tính hóa. Vì vậy không thuốc nào tiêu diệt hết được virus herpes. Có thể áp dụng các biện pháp giúp các đợt nhiễm virus cấp tính xuất hiện thưa hơn, nhẹ hơn, mau khỏi hơn, nhưng khoa học hiện nay chưa có cách nào loại bỏ chúng hoàn toàn.

Virus thủy đậu -Zona bên trong tế bào.
Hỏi: Những mụn rộp nhìn thấy trên môi có xuất hiện bên trong cơ thể hay không?

Đáp: Không, trong cơ thể không xuất hiện các mụn rộp loại này. Vị trí yêu thích của virus herpes là ranh giới giữa da bình thường và môi, chúng thích sinh sôi nảy nở ở đó, còn mức độ sinh sôi nảy nở lại phụ thuộc hệ miễn dịch của chúng ta.

Hỏi: Có vacxin phòng bệnh herpes hay không?

Đáp: Đây là một vấn đề lớn, y học đã nghiên cứu về vấn đề này trong nhiều năm, đã có vacxin chống lại một vài loại virus herpes. Được biết nhiều nhất là vacxin phòng thủy đậu. Vacxin này rất hiệu quả, đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của một số nước có điều kiện vì giá thành khá cao. Y học vẫn cố gắng tạo các vacxin chống herpes typ 1 và typ 2. Đã có những thử nghiệm cho thấy hiệu quả với herpes sinh dục, nhưng chưa phổ biến rộng. Chắc chắn rằng việc đưa vào sử dụng vacxin chống herpes simplex sẽ không còn là câu chuyện quá xa xôi. Y học đang trên ngưỡng cửa chế tạo các vacxin loại này.




Herpes môi, herpes sinh dục, thủy đậu, zona, hồng ban, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn… Tất cả các căn bệnh này đều do một họ virus có tên là herpes gây ra. 

Virus herpes rất đa dạng. Khoa học hiện đã xác định được 8 loại gây bệnh ở người:
  1. Virus Herpes simplex typ 1: gây herpes môi
  2. Virus Herpes simplex typ 2: gây herpes sinh dục
  3. Virus thủy đậu – zona (herpes typ 3): gây thủy đậu và bệnh zona  
  4. Virus Epstein-Barr (herpes typ 4): gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
  5. Cytomegalovirus (CMV) (herpes typ 5): gây nhiễm cytomegalovirus
  6. Virus herpes người typ 6: Một phần nhỏ virus này gây bệnh hồng ban (roseola), với sốt cao trong 3-5 ngày, hết sốt và nổi ban đỏ dát sần, ban xuất hiện ở thân rồi lan dần ra xung quanh (mặt và chi).
  7. Virus herpes người typ 7 (HHV-7) gây nhiễm ở hầu hết trẻ lên 3 tuổi và tồn tại rất lâu, một số nhỏ gây bệnh hồng ban (roseola)
  8. Virus herpes gây u sarcom Kaposi (typ 8)




    Hỏi: Thưa bác sĩ, con trai tôi được chẩn đoán nhiễm virus Eipstein Barr mạn tính, có thể tiến hành tiêm chủng cho cháu trong giai đoạn này được không?

    Đáp: Nếu con bạn từng mắc bệnh có tên bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, do virus Eipstein Barr gây ra, thì mãi mãi sẽ tìm thấy trong máu của bé kháng thể đối với virus này. Đợt nhiễm Eipstein Barrr cấp tính chỉ kéo dài 3 tuần, nhưng cả cuộc đời kháng thể sẽ còn lại trong máu, được gọi là 'Epstein Barr mạn tính'. Vì vậy việc phát hiện kháng thể không phải là chống chỉ định với tiêm chủng. Tất nhiên, không nên tiêm cho bé trong vòng 1-2 tháng đầu sau bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng cấp tính, còn muộn hơn thì có thể được.
    Virus Eipstein Barr

    Hỏi: Nên điều trị các nốt phồng rộp thế nào?

    Đáp: Chính là với virus herpes chúng ta khá may mắn. Hiện có khoảng dưới 10 loại thuốc chống virus, rất may là có thuốc cho virus herpes, đó là Acyclovir, có khả năng ức chế sự nhân chia của virus herpes. Nhưng cũng giống như các thuốc chống virus herpes khác, thuốc này không có hoạt tính khi virus nằm yên, virus càng hoạt động mạnh bao nhiêu thì thuốc càng có tác dụng bấy nhiêu.




    Nếu bệnh nhân có biểu hiện ngứa điển hình, xuất hiệm mụn rộp đầu tiên, nghĩa là virus đang hoạt động rất mạnh, thì giai đoạn này dùng thuốc dạng uống rất hiệu quả. Thường thì 3 ngày sau khi nổi mụn rộp, thuốc không còn tác dụng nữa.

    Có thể dùng thuốc chống virus herpes cho người thường xuyên nổi mụn rộ, các đợt nổi mụn rộp ngày càng mau hơn. Những người này nên có sẵn thuốc trong tay, và bắt đầu dùng thuốc ngay khi xuất hiện triệu chứng ngứa điển hình.
    Cũng có thể điều trị tại chỗ bằng kem Acyclovir, nhưng thuốc uống có tác dụng tốt hơn vì tạo được nồng độ thuốc trong tế bào cao hơn.

    Nói chung việc điều trị nhiễm virus herpes là việc làm khó khăn, lâu dài và tốn kém nhưng có thể làm được. Nếu bạn bị nổi mụn rộp 3 tháng một lần, mỗi đợt kéo dài 3 ngày rồi tự mất đi và không có rắc rối gì khác thì tốt nhất là nên chịu đựng. Nhưng nếu bệnh có xu hướng nặng lên, các đợt bệnh mau hơn thì cần đi khám bác sĩ để được đánh giá tình trạng hệ miễn dịch và điều trị.

    Hỏi: Herpes ở phụ nữ có thai có nguy hiểm không và ảnh hưởng thế nào tới em bé và điều trị thế nào?

    Đáp: Bệnh herpes sinh dục đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai.

    Nếu thai phụ đã có các biểu hiện nhiễm trùng herpes sinh dục từ trước khi có thai thì không lo ngại vì đã có kháng thể, em bé không gặp nguy hiểm gì, nguy cơ nếu có cũng không cao hơn 1%. Nhưng nếu người mẹ trước đó chưa từng bị herpes sinh dục và xuất hiện triệu chứng bệnh trong thời gian có thai, thì vô cùng nguy hiểm.

    Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh trầm trọng lên tới 100%.Tuổi thai càng lớn thì nguy cơ càng giảm. Tuy nhiên, nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối của thai kỳ cũng dẫn tới nguy cơ cao bị viêm não do herpes. Trong trường hợp tốt nhất trẻ bị bệnh này cũng có nguy cơ tàn tật lên tới 90%. Vì vậy nhiễm bệnh trong thời kỳ có thai đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi những quyết định hết sức nghiêm túc và điều trị đặc biệt tích cực. 

    Mối đe dọa thứ hai liên quan tới cuộc đẻ. Nếu người mẹ có bị nhiễm herpes sinh dục, nhưng tới khi sinh mọi thứ đã ổn, không có mụn rộp, thì có thể sinh thường, nếu có mụn rộp thì cần mổ đẻ.

    Hỏi: Có mối liên hệ gì giữa herpes và bệnh zona không?

    Đáp: Sau khi bị thủy đậu, virus herpes typ 3 (virus thủy đậu -zona) nằm lại suốt đời trong cơ thể chúng ta. Đôi khi ở một số người, virus ‘tỉnh giấc’, gây bệnh mang tên zona, thực chất đó là bệnh thủy đậu tái phát. Bệnh thường cũng xuất hiện khi có sự giảm sút mạnh của hệ miễn dịch. Nếu một người chưa từng bị thủy đậu thì không thể bị bệnh zona.

    Hỏi: Tôi cũng từng bị vài đợt herpes môi, và có thể cảm nhận bệnh sẽ xuất hiện. Có cần áp dụng các biện pháp gì để bảo vệ gia đình không?

    Đáp: Không cần điều trị dự phòng, bệnh xuất hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của các thành viên trong gia đình tại thời điểm đó.

    Hỏi: Tại sao phải lấy máu xét nghiệm herpes ở phụ nữ có thai?

    Đáp: Nếu xét nghiệm máu phát hiện kháng thể chống herpes thì bạn có thể yên tâm. Trường hợp không tìm thấy kháng thể thì bà mẹ phải hết sức cẩn thận, cần tránh tiếp xúc với những người có mụn ở môi. Nếu trước đó không có kháng thể nhưng sau chúng lại xuất hiện thì cần điều trị ngay, vì cơ thể mẹ không có kinh nghiệm với virus này và điều đó đặc biệt nguy hiểm cho thai. Nếu điều trị kịp thời thì có cơ hội mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

    Hỏi: Có thể dùng thuốc chống herpes để điều trị bệnh thủy đậu không?

    Đáp: Aciclovir được dùng tốt nhất trong điều trị virus herpes typ 1 và 2, thuốc có tác dụng cả với virus thủy đậu, Epstein Barr, CMV nhưng kém hơn nhiều. Có những thuốc đặc hiệu với CMV nhưng chúng rất đắt.

    Tất nhiên bác sĩ không chỉ định dùng thuốc Aciclovir cho tất cả trẻ em bị thủy đậu. Về nguyên tắc thủy đậu tự khỏi, và không cần điều trị đặc biệt, nhưng nếu mụn rộp nổi nhiều, nếu sốt cao, nếu người bệnh ở độ tuổi nguy hiểm, chẳng hạn ở trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, người lớn thì cần điều trị bằng các thuốc chống herpes và chúng tỏ ra có hiệu quả.

    Với mỗi loại herpes lại có phác đồ điều trị riêng, với liều lượng và thời gian điều trị khác nhau, bệnh nhân không thể tự điều trị. Cần tự chăm sóc hệ miễn dịch của mình và đi khám bác sĩ kịp thời. 


    BS Trần Thu Thủy (theo Dr Komarovskiy