26/4/17

Tổ công tác Hoa Kỳ: Cần đánh giá lại khuyến cáo cho con bú mẹ hoàn toàn những ngày đầu sau sinh


AFP - Tổng quan các bằng chứng khoa học về nuôi con bằng sữa mẹ của Tổ công tác Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) cho thấy một số lời khuyên lâu năm cần được đánh giá lại, trong đó có khuyến cáo không cho trẻ dùng núm vú giả và lời khuyên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong những ngày đầu sau khi sinh. Báo cáo đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới JAMA (Tạp chí của Hội Y khoa Hoa Kỳ) ngày 25/10/2016.




Báo cáo cập nhật 2016 của USPSTF, một hội đồng độc lập của các chuyên gia Mỹ, nêu rõ những can thiệp mang tính cá nhân nhằm giúp phụ nữ có thai và các bà mẹ mới sinh trong việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn tiếp tục được khuyến cáo, nhưng các chính sách mang tính hệ thống hoặc được triển khai trên quy mô bệnh viện có xu hướng mang lại ít lợi ích.

Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ bao gồm cung cấp nguồn dinh dưỡng tối ưu và kích hoạt hệ miễn dịch của trẻ, đồng thời giúp người mẹ gắn bó với con và đẩy nhanh việc giảm cân của mẹ sau khi sinh.

“Có bằng chứng thuyết phục cho thấy cho con bú mang lại lợi ích sức khỏe quan trọng cho trẻ và bằng chứng thỏa đáng cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích sức khỏe vừa phải cho bà mẹ”, báo cáo nêu rõ. 

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ cho con bú ít nhất trong suốt năm đầu đời nếu có điều kiện, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cho trẻ bú tới 2 tuổi hoặc lâu hơn. 

Tại Mỹ, gần một nửa các bà mẹ ngừng cho con bú khi được 6 tháng. Tuy rằng có tới 80% trẻ được bú mẹ tại những thời điểm nhất định đầu đời nhưng chỉ 22% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Điều này cho thấy phụ nữ đã gặp trở ngại trong việc duy trì cho con bú mẹ. 

Mặc dù cho con bú là quá trình tự nhiên nhưng việc bắt đầu cho bé bú có thể phức tạp, và các bé thường cần được giúp học cách nắm bắt vú và bú mẹ. Đối với một số bà mẹ, nhu cầu quay trở lại làm việc có thể khiến họ không thể tiếp tục cho con bú. Một số bà mẹ khác không có khả năng về thể chất hoặc có thể thích chọn lựa sự thuận tiện của sữa công thức.

Cách tiếp cận với từng cá nhân có tác dụng tốt nhất

Để cập nhật báo cáo trước đó được đưa ra năm 2008, trong đó cũng khuyến cáo hỗ trợ các bà mẹ cho con bú, USPSTF đã thực hiện nghiên cứu tổng quan thực chứng từ hàng chục nghiên cứu, cả mới và cũ, về hiệu quả của các loại can thiệp khác nhau tới việc người mẹ cho con bú và thời gian cho con bú.

Các chuyên gia nhận thấy rằng can thiệp hiệu quả nhất là hỗ trợ trực tiếp 1-1 cho người mẹ bởi các nhân viên đã qua tập huấn, đặc biệt là nếu được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm. Trong khi đó, chính sách trên quy mô bệnh viện được thiết kế để khuyến khích mẹ cho con bú bằng cách áp dụng các bước thiết lập sẵn không tạo được hiệu quả đáng kể trong cải thiện tình hình nuôi con bằng sữa mẹ.

Một số chính sách đang được thực hiện thậm chí có tiềm năng gây hại, bài xã luận đi kèm trong tạp chí JAMA do các bác sĩ Valerie Flaherman và Isabelle Von Kohorn viết, cảnh báo. 

Ví dụ, bước thứ 9 trong Sáng kiến Bệnh viện Thân thiện với Bé của WHO hối thúc cha mẹ không cho bé ngậm núm vú giả, dựa trên lập luận rằng núm vú giả có thể ảnh hưởng tới việc bú mẹ. Tuy nhiên, tổng quan thực chứng ‘cho thấy tránh dùng núm vú giả không liên quan tới kết cục của việc cho con bú”. Vì núm vú giả được khuyến cáo như một cách để giúp giảm Hội chứng đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ nhỏ tại Mỹ, “việc tư vấn thường lệ không cho trẻ dùng núm vú giả có thể có vấn đề về đạo đức” – bài xã luận viết tiếp.

Lời khuyên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong những ngày đầu đời có thể gây hại cho một số trẻ 

Một vấn đề gây tranh cãi khác là lời khuyên - nằm trong bước thứ 6 của kế hoạch của WHO – rằng các bà mẹ mới sinh không nên cho con dùng sữa công thức trong những ngày đầu đời, mà chỉ nên cho con bú mẹ, trừ trường hợp có chỉ định về y tế. Lời khuyên này chẳng những không chứng tỏ lợi ích cho thực hành nuôi con bằng sữa mẹ mà còn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tăng bilirubin máu, mất nước và tái nhập viện ở trẻ nhỏ trong tuần đầu đời vì không phải lúc nào sữa mẹ cũng về ngay, mà có thể phải chờ 4 đến 7 ngày.

“Mặc dù những tình trạng này thường là nhẹ và có thể được giải quyết nhanh chóng, tần suất của chúng là cao, 1% tới 2% trẻ sơ sinh ở Mỹ phải nhập viện lại trong tuần đầu sau khi sinh, và nguy cơ tăng gần như gấp đôi đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn”, bài xã luận của JAMA nêu rõ.

Cuối cùng, các khuyến cáo lâu năm cho rằng trẻ em chỉ nên bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể cần được xem xét lại, vì các nghiên cứu gần đây cho thấy một số bé có thể được lợi từ việc bổ sung một lượng nhỏ thực phẩm có tính dị ứng cao như lạc được xay hay nghiền nhỏ lúc 4 đến 6 tháng tuổi. 

Bài xã luận của JAMA kêu gọi các chuyên gia y tế thực hiện đánh giá đơn lẻ và có cách tiếp cận phù hợp với từng cá nhân để giúp các bà mẹ thỏa mãn nhu cầu cho con bú của riêng mình.

“Một cách tiếp cận duy nhất, không linh hoạt, là không hiệu quả trong việc cải thiện thời gian cho con bú của quần thể”.

Trong tạp chí JAMA ngày 25/10/2016, các bác sĩ nhi khoa Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất nước và tăng bilirubin máu ở trẻ sơ sinh không được ăn đủ vì bú mẹ hoàn toàn. Sau đây là trích đoạn bài xã luận của các tác giả Thạc sĩ Y tế cộng đồng, bác sĩ Valerie Flaherman và Tiến sĩ, bác sĩ Isabelle Von Kohorn đăng trong số báo này. 

“Lĩnh vực gây tranh cãi thứ hai liên quan tới việc sử dụng các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Việc khuyên các bà mẹ không cho bé dùng bất kỳ đồ ăn hay thức uống nào ngoài sữa mẹ trong giai đoạn sơ sinh là bước thứ 6 của Sáng kiến Bệnh viện Thân thiện với Bé và một trong các can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu thường được áp dụng nhiều nhất để hỗ trợ việc cho con bú mẹ. 

Ba thử nghiệm ngẫu nhiên đã được thực hiện với chủ đích nghiên cứu tính hiệu quả của lời khuyên không cho trẻ sơ sinh dùng bất kỳ đồ ăn thức uống gì ngoài sữa mẹ. Không thử nghiệm nào cho thấy lợi ích của lời khuyên này đối với thời gian mẹ cho con bú. Các nghiên cứu nói trên không được đưa vào báo cáo tổng quan thực chứng của USPSTF. Các tác giả đã đưa vào báo cáo một số nghiên cứu tìm hiểu tính hiệu quả của các can thiệp đa thành phần, bao hàm cả lời khuyên nói trên. Những nghiên cứu này cũng không cho thấy lợi ích của các can thiệp đối với thời gian mẹ cho con bú.

Sự thiếu vắng hiệu quả được chứng minh của việc cho con bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn sơ sinh là quan trọng, vì cho con bú mẹ hoàn toàn giai đoạn sơ sinh không phải là không tiềm ẩn những mối hại. Ví dụ, thời điểm sữa bắt đầu về nhiều ở các bà mẹ là rất khác nhau. Với những bà mẹ có ít sữa non và sữa chỉ về nhiều sau 4-7 ngày, việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong vài ngày đầu liên quan tới sự gia tăng nguy cơ tăng bilirubin máu, mất nước và tái nhập viện. Mặc dù các điều kiện này thường là nhẹ và được giải quyết nhanh chóng, tần suất của chúng lại cao, 1% tới 2% trẻ sơ sinh ở Mỹ phải nhập viện lại trong tuần đầu sau sinh, và nguy cơ gần như tăng gấp đôi đối với những bé bú mẹ hoàn toàn.

Nếu việc tư vấn không cho trẻ dùng thức ăn hay đồ uống nào khác ngoài sữa mẹ không phải là phương pháp hiệu quả trong hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, có thể tránh được tỷ lệ bệnh tật tiềm ẩn mà không làm ảnh hưởng tới thời gian mẹ cho con bú.

Kết hợp với các khuyến cáo mới ủng hộ việc đưa thực phẩm có tính dị ứng cao vào chế độ ăn của một số trẻ độ tuổi 4 đến 6 tháng, các số liệu này nhấn mạnh rằng việc đánh giá lâm sàng từng cá thể có thể sẽ có giá trị hơn so với các quy tắc cứng rắn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu”.

Nguồn: http://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/2571222




Thành lập năm 1984, USPSTF là một hội đồng độc lập và tự nguyện của các chuyên gia có uy tín của Hoa Kỳ trong Y học dự phòng và Y học thực chứng. Tổ chức này hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe của tất cả người dân Mỹ dựa trên các khuyến cáo thực chứng (dựa trên bằng chứng) về các dịch vụ phòng bệnh lâm sàng như công tác sàng lọc, các dịch vụ tư vấn và thuốc phòng bệnh. 

Các chuyên gia của tổ chức đến từ các lĩnh vực Y học dự phòng và Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các khuyến cáo của các chuyên gia dựa trên nghiên cứu tổng quan nghiêm ngặt các bằng chứng bình duyệt (peer-reviewed) đã có và nhằm mục đích giúp các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu và bệnh nhân cùng nhau quyết định liệu một biện pháp dự phòng có là cần thiết cho người bệnh hay không.

Nguồn: uspreventiveservicestaskforce.org

Báo cáo của USPSTF trên tạp chí JAMA: 
http://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2571248



Sáng kiến Bệnh viện thân thiện với bé được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra năm 1991, sau Tuyên bố Innocenti 1990. Đây là nỗ lực trên quy mô toàn cầu nhằm áp dụng các thực hành vì mục đích bảo vệ, tuyên truyền và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện đã có 152 quốc gia trên toàn thế giới hưởng ứng sáng kiến này. Sáng kiến đã tạo được ảnh hưởng đo lường được và có bằng chứng, làm tăng khả năng trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời.

Nguồn: who.int




10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công

Nền tảng của Sáng kiến Bệnh viện thân thiện với bé được WHO/UNICEF khởi xướng năm 1991.

*Có một bản quy định về nuôi con bằng sữa mẹ và thường xuyên phổ biến tới tất cả các nhân viên y tế.

*Đào tạo cho tất cả những nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện bản quy định trên.

*Giáo dục trước sinh về lợi ích và cách nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai.

*Giúp các bà mẹ cho con bú sớm trong một giờ đầu sau sinh.

*Hướng dẫn cho bà mẹ cách cho con bú và cách duy trì nguồn sữa khi phải xa con.

*Không cho trẻ sơ sinh ăn uống bất kỳ thứ gì ngoài sữa mẹ khi không có chỉ định của bác sĩ.

*Cho trẻ được nằm cạnh mẹ cả ngày đêm.

*Khuyến khích cho trẻ bú theo yêu cầu.

*Không cho trẻ bú bình và ngậm đầu vú giả.

*Tăng cường thành lập và duy trì các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu cho bà mẹ khi xuất viện.




BS Trần Thu Thủy (theo AFP)