Cha mẹ có thể nghĩ rằng bé chỉ bắt đầu trò chuyện khi đã
lớn. Thực tế cho thấy, ngay từ thưở mới lọt lòng, bé yêu của bạn đã giao tiếp
cùng cha mẹ thông qua tiếng khóc, mắt nhìn và lắng nghe. Việc cha mẹ tích cực trò chuyện với bé
không chỉ nuôi dưỡng tiềm năng ngôn ngữ của con mà còn tạo ra sợ dây gắn kết
thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Khóc: Ngôn ngữ đầu tiên của bé
Từ khoảnh khắc bé được sinh ra, bé đã cố gắng sử dụng loại
ngôn ngữ phổ thông nhất để truyền đến cha mẹ thông điệp về mong muốn và cảm xúc
của mình. Đó chính là tiếng khóc.
Khóc chính là cách để bé báo cho cha mẹ biết bé đang muốn
gì: âu yếm con đi, con muốn được yên, con quá đói, con vẫn chưa đói, con quá mệt,
con vẫn chưa mệt, con thấy lạnh, con thấy nóng. Có đôi lúc, bé có thể tự nhiên
khóc mà chẳng có một lý do rõ rệt nào cả.
Cha mẹ cần hiểu bé yêu không khóc để làm nũng mẹ bởi trẻ
sơ sinh còn quá non nớt để biết điều này. Chính vì thế, việc cha mẹ đáp ứng
ngay khi bé khóc không phải là cách có thể làm hư con.
Dần dần, cha mẹ sẽ sớm nhận ra bé yêu khóc vì rất nhiều
lý do, phụ thuộc và những gì con cần và mức độ khẩn cấp của nhu cầu này.
Nên bắt đầu trò chuyện với con thế nào?
Ngoài biểu hiện khóc, bé có thể giao tiếp bằng mắt với
cha mẹ, lắng nghe từng lời hay chú ý từng âm thanh từ cha mẹ. Bé còn có thể
nhìn chằm chằm vào khuôn mặt người đối diện và quan sát cử động miệng của họ.
Lắng nghe và quan sát khi cha mẹ trò chuyện với bé giúp
bé nhận biết những điều cơ bản trong giao tiếp. Thực tế, bé còn có thể hiểu rất
nhiều điều về từ ngữ và lời nói từ thưở lọt lòng.
Ở giai đoạn 7-8 tuần tuổi, bé yêu đã khám phá ra một điều
kỳ diệu- là giọng nó. Bé bắt đầu ầu ơ theo cha mẹ với những âm thanh thủ thỉ
đơn giản.
Khi con lớn hơn, con biết tạo ra nhiều tiếng động hơn, biết
cười và hươ chân, tay. Lúc này, con đã có nhu cầu được trò chuyện và muốn chia
sẻ với bạn nhiều mẩu thông tin nhỏ thú vị. Nếu cha mẹ kiên nhẫn lắng nghe và
đáp lại những âm thanh thủ thỉ của bé thì bé còn có thể bập bẹ nhiều hơn.
Những trò chơi giúp đẩy mạnh tương tác
Nhiều cha mẹ cho rằng việc phải trò chuyện với một đứa trẻ
còn chưa biết nói là một điều ngốc nghếch. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có thể trò
chuyện với con về những điều bạn thấy và những điều bạn làm thì điều đó thực sự
có ích cho sự phát triển của trẻ. Mục
đích của hành động này là nuôi dưỡng cảm giác gần gũi, yêu thương giữa cha mẹ
và bé yêu. Cha mẹ càng tích cực trò chuyện cùng bé thì việc này càng diễn ra
đơn giản. Những tiếng u ơ và các động thái phản hồi đáng yêu của con trẻ sẽ là
phần thưởng xứng đáng dành cho các bậc cha mẹ.
Sau đây là một số gợi ý:
Trò chơi giả giọng em bé: Bé yêu sẽ thích thú quan sát
đôi mắt bạn hấp háy và khuôn miệng cử động để phát âm các từ.
Kể cho bé những việc
bạn đang làm. Ví dụ. “ Bố mẹ chuẩn bị cho bé đi tắm nhé. Con có thích không nào? Hãy nói bằng bất
kỳ ngôn ngữ nào hoặc chuyển ngôn ngữ. Điều này giúp bé học cách nhận biết về từ
và câu nói.
Hát các bài hát và đọc thơ vần điệu: Đây là một cách vui
vẻ để kích thích sự phát triển ngôn ngữ của bé. Hoạt động này có thể diễn ra mọi
lúc, mọi nơi trong ô tô, trong khi tắm, khi đi ngủ thậm chí ngay cả khi bạn có
hát lạc điệu. Con sẽ yêu thích âm điệu của
các từ ngữ và được vỗ về bằng giọng nói của bạn.
Đọc sách và truyện cho bé ngay từ lúc sơ sinh. Sau một
vài tuần, bé yêu sẽ hiểu đó là khoảng thời gian yên tĩnh mà bé và cha mẹ được ở
bên nhau. Bé cũng bắt đầu nhận biết được từ ngữ và học cách lắng nghe người
khác nói. Nếu bé khóc khi bạn đang đọc, bạn có thể thử lại sau đó.
Lắng nghe những âm thanh bập bẹ đầu tiên của bé và đáp lại.
Hãy dành một khoảng trống khi đến lượt bé. Bài tập này giúp bé học về các kiểu
hội thoại. Nếu bé không đáp lời hoặc tỏ ra không hứng thú, hãy thử vào những lần
sau. Hãy kiên nhẫn chờ bé hứng thú và bạn sẽ hiểu mình cần làm gì.
Gọi tên các đồ chơi xung quanh bé. Ví dụ “ Con nhìn này,
đây là đôi tất. Bố mẹ chuẩn bị đi tất vào chân con này”.
Trường hợp nào đáng phải lo lắng?
Tất cả các em bé đều có tốc độ phát triển khác nhau. Nhiều
bé có thể giao tiếp bằng mắt và tạo ra âm thanh từ sớm, nhưng một số khác thì
phải đến 3 tháng tuổi mới bắt đầu các kỹ năng này. Nếu bé nhà bạn không giống
như các trẻ khác thì bạn cũng không nhất thiết phải lo lắng.
Nhưng đôi khi chậm trễ trong các kỹ năng giao tiếp cũng
có thể là dấu hiệu của những rối loạn phát triển nghiêm trọng hơn, bao gồm chậm
phát triển ngôn ngữ, nghe kém, chậm phát triển trí tuệ hoặc rối loạn phổ tự kỷ.
Lê Mai (theo Raising
children)