6/1/15

Không tuân thủ điều trị- Sai lầm thường gặp của cha mẹ có con hen

Trẻ mắc hen phải nhập viện cấp cứu
 do gia đình ngừng thuốc dự phòng.
Thực hành tuân thủ điều trị là một điểm yếu trong điều trị hen phế quản nói chung và hen phế quản ở trẻ em nói riêng. Tại khoa Miễn dịch-Dị Ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, 60% các trường hợp gia đình sau một thời gian điều trị dự phòng cho con, thấy sức khỏe trẻ ổn định là tự động bỏ thuốc, không đưa con tái khám định kỳ. 











Đây là sai lầm thường gặp ở các bậc phụ huynh khiến tình trạng hen của trẻ càng trở nên trầm trọng. Nhiều trường phải nhập viện cấp cứu do cha mẹ đột ngột ngừng dự phòng.

Bé Minh, con trai chị Thu (Yên Bái) năm nay mới 7 tuổi nhưng đã có tiền sử 5 năm sống chung với bệnh hen. Thời gian đầu mới điều trị cho con, chị Thu tuân thủ rất nghiêm ngặt lời căn dặn của bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc được 6 tháng, phần vì thấy con trai đã ăn ngon, ngủ tốt, phần vì công việc bận rộn, nên chị quên hẳn việc phải đưa Minh đến tái khám định kỳ. Gần đây, khi thời tiết giao mùa, thấy con trai tái phát tình trạng ho, khò khè mỗi đêm, thể trạng lúc nào cũng lờ đờ mệt mỏi vì mất ngủ chị mới đưa con trở lại phòng khám.

Chị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng suýt mất con vì sai lầm này. Bé Sóc nhà chị được chẩn đoán mắc hen và được chỉ định dùng thuốc dự phòng ít nhất trong 6 tháng. Nhưng mới được hơn 2 tháng, thấy bệnh bé đỡ hẳn nên bà ngoại xót cháu nhất định không cho dùng thêm thuốc. Lại nghe người bạn mách trong thuốc hen có chứa corticoid, dùng lâu dài có thể khiến mặt bị phù, thay đổi nội tiết và liệt kê một loạt các tác dụng phụ nên chị Hà ngưng hẳn việc dự phòng.Tuần trước, đang ở cơ quan, chị hốt hoảng khi được cô giáo của bé gọi điện thông báo Sóc phải đi cấp cứu. Nhìn con gái bé bỏng vật vã, tím tái, đờ đẫn trong cơn hen chị Hà không ngừng tự trách bản thân mình “Nếu không được đưa vào bệnh viện kịp thời, có lẽ mình đã mất con rồi”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thu Hương chuyên khoa Miễn dịch-Dị Ứng-Khớp, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, hen là một bệnh viêm mạn tính đường thở. Ngay cả khi trẻ không có triệu chứng bệnh thì tình trạng viêm nhiễm vẫn diễn ra âm thầm. Nếu không được kiểm soát hen triệt để, trẻ mắc hen với những tổn thương phổi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chức năng phổi suy giảm đến mức không thể phục hồi.

Bác sĩ Hương cho biết, việc dự phòng hen không đúng cách vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị lại khiến chi phí chăm sóc cho bệnh nhân hen tăng vọt, đặc biệt là khi trẻ phải nhập viện cấp cứu. Nhiều gia đình điều trị dự phòng nhưng không đều đặn vì cho rằng không cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều gia đình lo ngại tác dụng phụ của thuốc hen nếu  trẻ phải điều trị kéo dài.

“Các gia đình không hiểu rằng mỗi lần con lên cơn, lượng thuốc bé phải dùng sẽ tăng gấp nhiều lần thuốc dự phòng. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc đường uống hoặc đường tiêm để xử trí trẻ lên cơn hen cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ hơn” bác sĩ Lê Thu Hương chia sẻ.

Các bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch-Dị Ứng-Khớp khẳng định, hen là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường nếu có lối sống lành mạnh và  được điều trị đúng cách. Dự phòng hen đều đặn giúp trẻ mắc hen không tái cơn, có thể học tập, vui chơi như các bạn.

Dự phòng hen giúp trẻ duy trì chức năng phổi tốt, hạn chế tình trạng trẻ tái cơn cũng như chịu đựng tác dụng phụ của thuốc từ đó tiết kiệm công sức và chi phí điều trị bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý:

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích thích  
- Tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt là vắc xin cúm
- Tuân thủ đúng kế hoạch điều trị do bác sĩ chuyên khoa tư vấn
- Sử dụng đúng thuốc được kê đơn, xịt thuốc đúng phương pháp
- Tái khám bác sĩ đều đặn để được đánh giá mức độ kiểm soát hen, chức năng phổi, tình trạng viêm, chỉnh thuốc theo tiến triển bệnh.

Lê Mai