16/1/15

Co thắt tâm vị ở trẻ nhỏ có thể bị nhầm với dị dạng đường thở

Một năm trở lại đây, cháu Hoàng Duy Phúc (5 tuổi, ở Quảng Ninh) bị nôn nhiều và chỉ nôn lúc ngủ, có ngày nôn tới 16 lần. Kèm theo nôn, cháu còn nuốt nghẹn thức ăn đặc và lỏng, thỉnh thoảng vùng cổ bị sưng nhưng lại tự xẹp xuống. Cháu Phúc được Bệnh viện tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương  ngày 29/12 với chẩn đoán dị dạng đường thở.







Cháu Phúc vào viện trong tình trạng nôn nhiều, nuốt nghẹn, thực quản giãn to, thể trạng suy dinh dưỡng nặng (5 tuổi, 13kg). Kết quả thăm khám, chụp X-quang và soi dạ dày bằng ống mềm cho thấy trẻ bị co thắt tâm vị. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật bằng cách mổ cơ tâm vị, tạo van chống trào ngược dạ dày – thực quản.

Phim chụp X quang với chất cản quang của cháu Phúc:
Dấu hiệu mỏ chim: Cơ thắt dưới thực quản không giãn được (1),
đoạn trên thực quản bị giãn to ra (2). 

TS Phạm Duy Hiền, phó trưởng khoa Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, cho biết: “Đây là phẫu thuật tương đối dễ dàng ở người lớn nhưng rất khó khăn ở trẻ nhỏ do cơ dạ dày và thực quản của trẻ rất mỏng, nguy cơ thủng niêm mạc thực quản và dạ dày trong mổ lớn, nếu mở cơ không hết dễ dẫn đến tái phát. Sau ca mổ ngày 9/1, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định, có thể ăn uống bình thường”.

Cũng theo TS Hiền, co thắt tâm vị là một rối loạn vận động nguyên phát của thực quản, đặc trưng bởi tình trạng không giãn của cơ thắt dưới thực quản và không có nhu động thực quản. Bệnh lý này khá hiếm gặp ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như: viêm loét thực quản, sẹo xơ gây chít hẹp thực quản thậm chí tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X, do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản, hay do suy dinh dưỡng ở giai đoạn muộn.

Cơ thắt dưới thực quản nằm giữa thực quản và dạ dày. 


Bệnh co thắt tâm vị nguy hiểm ở chỗ thời gian đầu bệnh thường diễn biến thầm lặng, triệu chứng nghèo nàn nên rất khó xác định lúc bệnh khởi phát. Hầu hết bệnh nhân thường đến khám khi thực quản đã giãn rất to. Do đó, các bậc phụ huynh khi thấy con mình có các triệu chứng như: nôn ọe, nuốt khó, nuốt nghẹn, đau tức lồng ngực, đau vùng sau xương ức (nhất là sau khi ăn), cần đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Khánh Chi


*Tên bệnh nhi đã được thay đổi