21/12/14

Hàn gắn vết thương vô hình cho trẻ bị bạo hành - Trẻ 12 đến 18 tuổi (Phần cuối)

Trẻ ở độ tuổi này thường thích dãi bày với bạn bè hơn, vì vậy cha mẹ có thể không phải là người đầu tiên trẻ tìm đến chia sẻ khi buồn bực. 







Bạn đừng nóng vội, hãy cân nhắc kỹ cách phản ứng với sự kiện và nhớ rằng con cần sự giúp đỡ của người cha người mẹ đủ sự bình tĩnh. Trẻ cũng có thể sợ rằng, là người lớn, bạn sẽ xem thường hoặc coi nhẹ cảm xúc của con. Điều tốt nhất bạn có thể làm là cởi mở, lắng nghe và tỏ cho con biết rằng bạn luôn bên con. 

- Hiểu hành vi của trẻ

Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo hành có thể:

  • Thường xuyên nói hoặc nghĩ về sự kiện bạo hành.
  • Nói rằng không hề có bạo hành.
  • Dùng bạo lực để đạt điều mình muốn.
  • Nổi loạn ở nhà hoặc ở trường.
  • Bỏ bễ, không quan tâm tới vẻ ngoài của mình.
  • Thường xuyên kêu mệt.
  • Không chịu tuân thủ các quy tắc.
  • Thường xuyên vắng nhà.
  • Không muốn ra khỏi nhà.
  • Sợ sệt khi nhớ về bạo hành.
  • Nằm mơ thấy ác mộng.
  • Khó tập trung khi học bài.
  • Làm những việc nguy hiểm (chạy xe tốc độ, nhảy từ chỗ rất cao xuống).
  • Hay tìm cách trả thù.
  • Thay đổi bạn hay người yêu một cách đột ngột.
  • Uống rượu, dùng ma túy.
  • Bắt đầu bỏ học.
  • Có ý nghĩ muốn chết hoặc tìm cách tự tử.
  • Vi phạm luật pháp, phá đồ đạc.

Trẻ thành niên có thể thấy bối rối khi phải nói về bạo lực đã xảy ra, nhưng lại không muốn cha mẹ biết mình lúng túng. Hãy giúp con cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn. Đừng ép con nói nếu con không muốn. Đừng làm nguôi cảm xúc của trẻ bằng cách nói “Con đừng lo” hoặc “Vui lên nào”. Cố gắng không phán xét hay đưa ra lời khuyên. Thay vào đó, hãy cho con biết là bạn ở đây để giúp con tìm ra giải pháp.

Trẻ thành niên có thể phản ứng như sau khi bạn tìm cách nói chuyện với con về bạo hành:
  • Phớt lờ bạn.
  • Đổi chủ đề (“Con đói rồi”).
  • Kết tội người bị bạo hành (ví dụ, trẻ có thể nói “Nếu bạn Nam tử tế hơn với Phương thì đã chẳng bị đánh” hay “Mấy đứa này toàn thích mua rắc rối”).
  • Chạy về phòng mình và đóng sập cửa lại.
  • Nói “Mẹ đừng lo” và tìm cách làm bạn vui lên.
  • Ngồi yên nghe, không nói gì.
  • Nói “Thế thì sao?”.

Bạn đừng nổi cáu nếu thấy con phản ứng không như mong đợi. Hãy thử một vài chiến thuật dưới đây. Nhớ rằng vết thương lòng cần thời gian để được hàn gắn và con cần sự kiên nhẫn của cha mẹ. 



Động viên trẻ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc 
  • Gặp riêng con và hỏi có chuyện gì không ổn. Mở đầu câu chuyện bằng “Bố thấy  con dạo này khang khác”, “Hình như con đang buồn” hoặc “Có chuyện gì làm con lo lắng à?”.
  • Động viên con nói về cảm xúc của mình và kể chuyện gì đã xảy ra.
  • Phản ứng bình tĩnh với những điều con nói.
  • Không phán xét.
  • Dùng lời lẽ của mình nhắc lại điều con nói hay điều con cảm nhận để tỏ rõ rằng bạn hiểu con. Ví dụ “Nghe có vẻ như con rất hận khi bố đánh con”.
  • Giúp con nhận dạng và đặt tên cho cảm xúc của mình. Ví dụ “Mẹ hiểu vì sao con lại giận giữ như vậy”.
  • Khen con đã cố gắng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc. Ví dụ “Bố rất vui khi con nói với bố chuyện này”.
  • Ủng hộ khi con nói với bạn về bạo hành. Đừng phản đối hay tìm cách làm nhẹ bớt cảm xúc của con.
  • Động viên con viết vào sổ nhật ký những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
  • Khuyến khích con nói chuyện với những người con tin tưởng, chẳng hạn với bạn thân, với thầy cô có uy tín.


- Giúp con cảm thấy an toàn và kiểm soát cảm xúc
  • Hết sức kiên nhẫn, chuẩn bị tinh thần cho các tình huống trẻ bị sao nhãng, quên làm bài tập về nhà hoặc nộp bài chậm.
  • Nếu có thể thì giải thích chân thật về những điều khiến con lo lắng.
  • Tìm hiểu điều gì khiến con cảm thấy bất an và giúp con lập kế hoạch đối phó nếu bạo lực lại xảy ra.
  • Giúp con duy trì các hoạt động mang lại cảm giác dễ chịu như nghe các bản nhạc yêu thích, chơi thể thao, ghi nhật ký.
  • Cho con tham gia các hoạt động thể chất vui nhộn và an toàn để giải tỏa căng thẳng. Chọn môn mà trẻ đã chơi giỏi hoặc thích chơi.
  • Đừng hứa hẹn điều bạn không thể thực hiện. Đừng nói “Từ nay con sẽ tuyệt đối an toàn”. Thay vào đó hãy nói “Bố con mình cùng lập kế hoạch để giữ an toàn tối đa cho con”.
  • Đề xuất những việc cụ thể trẻ có thể làm. Bạn có thể nói “Mẹ xin lỗi là chuyện này đã xảy ra với con. Con sẽ không cô đơn đâu. Nói cho mẹ con định giải quyết chuyện này thế nào?”.
  • Giúp con nghĩ cách để luôn bận rộn, chẳng hạn chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, vẽ tranh, chơi đàn…


BS Trần Thu Thủy