19/7/14

Nôn trớ ở trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị trớ một chút sữa trong và sau khi bú. Có bé thỉnh thoảng mới trớ nhưng cũng có bé trớ trong tất cả các lần ăn. Sữa trào ra miệng bé một cách dễ dàng, đôi khi có kèm theo tiếng ợ hơi.





1.Trớ 

Trớ, còn được gọi là trào ngược dạ dày thực quản, xuất hiện khi cơ vòng thực quản đóng không kín. Hiện tượng này thường giảm khi bé lớn lên, và nói chung sẽ mất hoàn toàn khi bé 1 tuổi.  

Cách khắc phục

Có thể giảm bớt lượng sữa trớ ra bằng cách:
 
  • Cho bé ăn trước khi bị đói quá mức.  
  • Với trẻ bú bình, nên cho bú ít hơn một chút vì cho bú quá nhiều sẽ khiến tình trạng trớ trở nên tồi tệ hơn. Không nên để bé bú cạn bình sữa.
  • Chọn loại núm vú có lỗ không lớn quá, không nhỏ quá. Lỗ lớn quá khiến sữa chảy quá nhanh, trong khi lỗ nhỏ quá khiến bé nuốt phải nhiều không khí.
  • Giữ yên tĩnh khi cho bé bú, tránh các trò khiến bé sao nhãng.  
  • Nới rộng tã bỉm để tránh tạo áp lực lên bụng của trẻ, lưu ý không chèn ép bụng của bé.
  • Cho bé ợ hơi vài lần trong suốt cữ bú để loại bỏ một phần không khí trong dạ dày. Đừng bắt bé ngừng bú để kích thích ợ hơi, hãy chờ khi bé nghỉ giữa chừng để làm việc này.
  • Bế bé ở tư thế thẳng đứng sau mỗi lần bú.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trớ thường là hiện tượng vô hại nhưng cũng có thể gây rắc rối nếu khiến bé tụt cân, gây nghẹt thở hoặc làm tổn thương thực quản do axit trào ngược. Nếu bé có một trong các biểu hiện sau thì cần đưa đi khám bác sĩ:
  • Xuất hiện các tia máu đỏ trong chất nôn
  • Nghẹn hoặc ngạt thở do trớ  
  • Tím tái do trớ  
  • Sụt cân  
  • Nôn hoặc nôn vọt  

Tư thế ngủ của trẻ

Các bác sĩ khuyên bạn nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ bởi tư thế này làm giảm nguy cơ đột tử sơ sinh. Cha mẹ có con hay bị trớ thường lo lắng khi đặt bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngạt không hề gia tăng ở trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ.  

2. Nôn
 
Nôn mạnh hơn so với trớ, và lượng sữa trào ra cũng nhiều hơn, không còn là vài thìa sữa đọng trong dạ dày nữa. Nôn có thể là biểu hiện của nhiễm trùng virus ở dạ dày, phản ứng với đồ ăn hay các rắc rối khác ở dạ dày-ruột.

Xử trí
 
Nếu bé nôn khi ăn thì điều đầu tiên cần làm là cho ăn với lượng nhỏ hơn. Trẻ bú mẹ cần giảm thời lượng mỗi cữ bú và tăng số lần bú mỗi ngày. Có thể phải thay thế tạm thời sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng dung dịch điện giải Oresol. 

Cho bé uống dung dịch điện giải trong 8 tiếng sau khi ngừng nôn. 
  • Uống lượng nhỏ và thường xuyên: khoảng 5 ml (một thìa cà phê) Oresol mỗi 5 phút, tương đương 60ml/h. 
  • Nếu sau 4 giờ bé không nôn thêm, hãy tăng gấp đôi lượng Oresol mỗi giờ. 
  • Nếu lúc này bé vẫn nôn thì hãy để dạ dày được nghỉ trong 1 giờ rồi lại bắt đầu cho uống với lượng nhỏ hơn.    
Khi nào cần đi khám bác sĩ ?

Ở trẻ bị nhiễm trùng do virus, nôn thường đi kèm tiêu chảy. Sự xuất hiện của dịch mật xanh trong chất nôn có thể là dấu hiệu của tắc ruột, cần được xử lý cấp cứu.
Đưa bé đi khám bác sĩ ngay nếu:
  • Nôn quá nhiều
  • Nôn ra dịch mật xanh hoặc máu
  • Nôn kèm tiêu chảy.

Liên hệ ngay với bác sĩ nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện mất nước như môi khô, da khô, tiểu tiện ít (thay tã dưới 6 lần mỗi ngày), mắt trũng, thóp trũng.

3. Nôn vọt 

Nôn vọt là hiện tượng chất nôn trào mạnh ra ngoài miệng trẻ. Nếu bé có biểu hiện nôn vọt, nên liên hệ sớm với bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của hẹp phì đại môn vị, dạng bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. 


Môn vị là phần dạ dạy nối liền với tá tràng. Hẹp môn vị xuất hiện khi lớp cơ môn vị dày lên, làm lòng môn vị hẹp lại, ngăn không cho thức ăn và dịch vị trong dạ dày đi vào ruột non. Bệnh cần được xử lý bằng phẫu thuật. 

Lê Mai (theo About Kids Health)