Cho con ăn là công việc hết sức quan trọng nhưng cũng đầy
thách thức. Hãy cùng tìm hiểu con đường tiến tới một chế độ ăn lành mạnh và đa
dạng của bé.
Sữa mẹ và sữa công thức
- Trong 4- 6 tháng đầu sau khi sinh, bé nhận đủ các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Nên cho trẻ bú mẹ trong suốt năm đầu đời.
- Nếu mẹ không thể cho con bú suốt 12 tháng thì có thể dùng sữa công thức thay thế.
- Việc cai sữa cần được thực hiện từ từ. Lúc đầu chỉ nên cai một bữa bú mỗi ngày, đợi 1 tuần hoặc hơn rồi mới cai tiếp bữa bú thứ hai. Với trẻ chỉ bú mẹ, làm quen với bú bình hay cốc có nắp cũng cần được thực hiện từ từ. Quá trình luyện tập có thể kéo dài, nhiều bé cần vài ngày tới vài tuần để hiểu cách hút từ bình hay uống từ cốc.
- Nếu bắt đầu cai sữa khi bé đã gần 1 tuổi, hãy bỏ qua việc tập bú bình mà chuyển ngay sang tập uống từ cốc có nắp. Nghiên cứu cho thấy trẻ trên 12 tháng có thói quen uống sữa từ cốc thường không bị dùng quá nhiều sữa như trẻ bú bình.
- Trước khi cho bé uống sữa từ cốc có nắp, hãy tập cho bé uống nước hoặc chút nước quả pha loãng từ cốc này.
Trớ sau khi ăn
Trớ thức ăn là chuyện phổ biến ở trẻ nhỏ. Hiện tượng
này là vô hại nếu không khiến bé có vẻ đau đớn và không ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Phần lớn trẻ sẽ hết trớ lúc ngoài 12 tháng. Nếu bé hay trớ sau khi ăn, hãy thử:
- Cho trẻ bú ít một và tăng số lần bú.
- Giữ bé thẳng người khi bú
- Bế bé thẳng người khoảng 30 phút sau khi ăn, không đặt bé nằm ngay.
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu bé thường xuyên trớ và:
- Ưỡn cong lưng hoặc có biểu hiện đau đớn trong khi bú
- Khóc hoặc không chịu bú hết cữ sữa.
- Chậm phát triển về thể lực hoặc tinh thần.
Ăn dặm
Bé có thể bắt đầu ăn dặm khi được 6 tháng tuổi. Ăn dặm
mở ra những lựa chọn phong phú về loại hình thực phẩm và độ đặc loãng đa dạng.
Lê Mai (theo About Kids Health)