26/8/14

Nhiễm trùng huyết trẻ em và tiến bộ trong xét nghiệm chẩn đoán

Nhiễm trùng huyết ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng-nhiễm độc toàn thân nặng, có nguy cơ tử vong nhanh do sốc và suy cơ quan. Với mỗi giờ chậm điều trị kháng sinh, khả năng sống sót của bệnh nhân giảm 8%. Vì vậy, việc xác định chính xác và nhanh chóng tác nhân gây bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.




Nhiễm trùng huyết xuất hiện khi vi khuẩn và các độc tố của chúng xâm nhập liên tục vào máu, xuất phát từ một ổ nhiễm khuẩn khởi điểm. Trong giai đoạn sớm, các biểu hiện lâm sàng thường không rõ ràng, nhưng các dấu hiệu nặng sẽ nhanh chóng xuất hiện, có thể có biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao. Nhiễm trùng huyết làm tăng chi phí điều trị và thời gian nằm viện của bệnh nhân, đồng thời làm xuất hiện những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện.

Tuy đã có nhiều tiến bộ trong hiểu biết cơ chế bệnh và phương pháp chẩn đoán điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tử vong vì nhiễm trùng huyết trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tử vong do bệnh lý này tương đương với tử vong do nhồi máu cơ tim cấp và cao hơn nhiều so với AIDS và ung thư vú.

Dùng kháng sinh sớm ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả điều trị nhiễm trùng huyết. Với mỗi giờ chậm điều trị kháng sinh, khả năng sống sót của bệnh nhân giảm 8%. Việc phát hiện nhanh các tác nhân gây nhiễm trùng giúp bác sĩ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời về lựa chọn kháng sinh, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.  

Các kỹ thuật chẩn đoán

Cấy máu là phương pháp phổ biến và vẫn được coi là 'tiêu chuẩn vàng' trong xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết như vi khuẩn và nấm. Thông thường, cấy máu được thực hiện trước khi bắt đầu điều trị kháng sinh. Tuy nhiên phương pháp này thường có độ nhạy thấp nếu bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh trước đó hoặc vi khuẩn phát triển chậm, có sự tạp nhiễm.

Để khắc phục nhược điểm này, các nhà khoa học trên thế giới đã đưa vào sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử Real-time PCR đa mồi, đảm bảo độ nhậy cao hơn, thời gian cho kết quả ngắn hơn. Kỹ thuật này giúp phát hiện cùng lúc nhiều tác nhân gây bệnh, có thể cho kết quả dương tính ở các bệnh nhân có kết quả âm tính trong cấy máu do đã sử dụng kháng sinh trước đó.

Hiện tại phương pháp chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết tại hầu hết các bệnh viện trong nước chủ yếu dựa vào cấy máu truyền thống. Kỹ thuật này đòi hỏi thời gian chờ đợi kéo dài và hiệu quả không cao ở nhóm bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước khi đến bệnh viện.  

Nhằm tìm ra phương pháp tối ưu để điều trị kịp thời cho bệnh nhi nhiễm trùng huyết, năm 2012, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành nghiên cứu so sánh hiệu quả của hai phương pháp nêu trên trong chẩn đoán căn nguyên gây nhiễm trùng huyết ở trẻ em 1 tháng tới 15 tuổi, nằm tại Khoa Điều trị tích cực của Viện. Kết quả cho thấy Real time PCR giúp phát hiện vi khuẩn gây bệnh ở 43,3% trường hợp, so với tỷ lệ 3,3% khi áp dụng phương pháp cấy máu. Trong số các tác nhân gây nhiễm trùng huyết, hay gặp nhất là Klebsiella pneumoni (23,3%). Ngoài ra còn phát hiện các vi khuẩn khác và nấm như tụ cầu vàng, Enterobacter cloacae, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, nấm Candida…với tỷ lệ thấp hơn nhiều. 


Thao tác trên máy Real-Time Septifast
 tại Bệnh viện Nhi trung ương. 

Ứng dụng kỹ thuật Real-time PCR tại Bệnh viện Nhi trung ương thời gian qua cho thấy phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ em nhiễm trùng huyết điều trị tại bệnh viện. Điều này đặc biệt ý nghĩa với nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, độ tuổi mà quyết định sử dụng và lựa chọn kháng sinh hợp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Kỹ thuật Real-time PCR

Real-time PCR là kỹ thuật PCR mà kết quả nhân bản DNA đích trong ống nghiệm thành hàng tỷ bản sao được hiển thị ngay sau mỗi chu kỳ nhiệt của phản ứng. Người làm xét nghiệm không cần thực hiện các thao tác phát hiện sản phẩm nhân bản (chẳng hạn điện di sản phẩm PCR trên gel agarose) như trong phương pháp PCR cổ điển. Real-time PCR được ứng dụng rộng rãi để phát hiện và định lượng các tác nhân gây bệnh ở người như virus, vi khuẩn, nấm phục vụ cho chẩn đoán và theo dõi điều trị. Tại Việt Nam, Real-time PCR đã được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đại học TP HCM, Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, Trung tâm Medlatec ...


TS Phùng Bích Thủy 
Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm