8/7/14

Vì sao sởi vẫn bùng phát định kỳ trên toàn thế giới?

Ban sởi mất màu khi dùng ngón tay ấn lên.
Vắc xin sởi liều duy nhất dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi tạo miễn dịch bảo vệ ở 95% người tiêm. Vì virus sởi lây lan rất mạnh, 5% quần thể nhạy cảm cũng đủ dể duy trì các đợt bùng phát sởi định kỳ ở quần thể có tỷ lệ tiêm phòng cao. 












  • Các kháng thể của mẹ đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ dưới 1 tuổi khỏi mắc bệnh sởi, tuy nhiên chúng cũng có thể ảnh hưởng tới vắc xin từ virus sởi sống giảm độc lực (trẻ có thể không đáp ứng với vắc xin).
  • Liều vắc xin thứ hai, hiện được khuyến cáo cho tất cả học sinh tuổi đi học ở Mỹ, sẽ tạo miễn dịch cho khoảng 95% trong số 5% trẻ không đáp ứng với tiêm phòng lần thứ nhất. Biến thể nhẹ về kiểu gen của các chủng virus sởi lưu hành gần đây không ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ của vắc xin sởi sống giảm độc lực.
  • Những tuyên bố thiếu cơ sở cho rằng tiêm phòng sởi liên quan tới bệnh tự kỷ đã dẫn tới giảm tỷ lệ tiêm phòng, khiến sởi tái xuất hiện thời gian gần đây ở những nước mà tỷ lệ tiêm phòng sụt giảm dưới mức duy trì miễn dịch cộng đồng. 
  • Đối với các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, sự lan truyền dịch sởi có thể tái xuất hiện nếu miễn dịch với bệnh này giảm xuống dưới mức 93-95%. Vì vậy, những nỗ lực đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao trong dân chúng tại các nước phát triển và đang phát triển cần được duy trì.

Dịch tễ   

Sởi là một trong những bệnh nhiễm trùng lây lan mạnh nhất, với tỷ lệ nhiễm trùng thứ phát lên tới 90% khi tiếp xúc tại gia đình. Tuy được coi là bệnh của trẻ em, sởi có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. 

Sau khi vắc xin sởi hiệu quả được đưa vào sử dụng năm 1963, tỷ lệ bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, sởi vẫn là bệnh phổ biến ở một số vùng và chiếm tới gần 50% trong tổng số 1,6 triệu trẻ tử vong mỗi năm do các bệnh có thể tiêm phòng.Tỷ lệ nhiễm sởi trên toàn thế giới gia tăng, với các đợt dịch xuất hiện chủ yếu tại cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Tại Mỹ, mặc dù bệnh sởi đã được thanh toán vào năm 2000 và duy trì ít nhất tới năm 2011, các trường hợp riêng lẻ vẫn xuất hiện, chủ yếu do những vị khách từ nước ngoài mang tới. Trong năm 2013, số ca sởi ở Mỹ tăng gấp 3 lần so với trước đó, lên thành 175 trường hợp. Phần lớn xuất hiện ở trẻ em mà cha mẹ từ chối tiêm phòng sởi.

Triệu chứng

Bệnh khởi phát 7-14 ngày (trung bình 10-12 ngày) sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Biểu hiện đầu tiên thường là sốt cao (thường trên 40o C) và kéo dài 4-7 ngày. Các triệu chứng cảnh báo bao gồm khó chịu, chán ăn, và bộ 3 triệu chứng điển hình ‘viêm kết mạc, ho và sổ mũi’. Các biểu hiện khác gồm sợ ánh sáng, phù nề quanh mắt và đau cơ.

Ban trên niêm mạc (nội ban) 
  • Các đốm Koplik - những đốm màu xanh xám hay những ‘hạt cát’ trên nền đỏ - xuất hiện ở niêm mạc miệng, đối diện với răng hàm số 2.
  • Những đốm này thường xuất hiện 1-2 ngày trước khi nổi ban và kéo dài 3-5 ngày.
  • Đây là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh sởi nhưng không phải bao giờ cũng xuất hiện.
Các đốm Koplik trên niêm mạc miệng. 
  • Nói chung, ban xuất hiện khoảng 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
  • Có thể ngứa vừa phải.
  • Ban hồng dạng dát - sẩn bắt đầu xuất hiện ở mặt, tại đường chân tóc, hai bên cổ và sau tai.
  • Trong vòng 48 giờ, tổn thương hợp nhất thành các đám và mảng, lan từ đầu xuống thân và tứ chi, kể cả lòng bàn tay và lòng bàn chân. Đồng thời với việc lan tỏa, ban cũng thoái lui dần từ trên xuống dưới, bắt đầu từ  đầu và cổ.
  • Ban dày đặc nhất được nhận thấy ở phía trên vai, nơi các tổn thương dạng chấm hợp nhất.
  • Tổn thương cũng có thể có dạng chấm xuất huyết hay mảng xuất huyết.
  • Bệnh nhân có vẻ nặng nề nhất vào ngày đầu và ngày thứ hai của phát ban.
  • Ban trên da kéo dài 5-7 ngày rồi mờ dần thành các đám nám màu nâu đồng, sau đó da bị bong. 
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể không có biểu hiện nổi ban.
Ban sởi ở bé sơ sinh 25 ngày tuổi

Tiến triển lâm sàng
  • Trong sởi không biến chứng, thời kỳ từ khi có các dấu hiệu cảnh báo tới khi hết sốt và ban mất đi thường kéo dài 7-10 ngày.
  • Ho có thể là dấu hiệu xuất hiện cuối cùng.
Sởi biến đổi
  • Xuất hiện ở những người được tiêm immunoglobulin sau khi tiếp xúc với virus sởi.
  • Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài 21 ngày.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn.

Chẩn đoán

Tuy việc chẩn đoán sởi thường dựa vào lâm sàng, xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng và việc kiểm xoát dịch. Các xét nghiệm xác nhận bệnh sởi gồm:
  • Xác định hiệu giá kháng thể IgM hay IgG đặc hiệu cho bệnh sởi.
  • Phân lập virus
  • Đánh giá phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR).
Hiệu giá kháng thể IgM đặc hiệu 
  • Lấy máu vào ngày thứ ba của ban hay bất kỳ ngày nào sau đó, cho tới 1 tháng sau khởi phát.  
  • Ở phần lớn cá thể, hiệu giá IgM dương tính trong 30-60 ngày sau khi phát bệnh, nhưng ở một số người, kết quả có thể âm tính chỉ 4 tuần sau khởi phát.
  • Kết quả dương tính giả có thể xuất hiện ở bệnh nhân bị bệnh thấp khớp, nhiễm parvovirus B19 hay bệnh tăng bạch cầu đa nhân nhiễm trùng.
Hiệu giá kháng thể IgG đặc hiệu
  • Kháng thể IgG tăng hơn 4 lần giữa giai đoạn cấp tính và giai đoạn phục hồi sẽ giúp xác nhận bệnh sởi.   
  • Mẫu bệnh phẩm huyết thanh giai đoạn cấp tính được lấy vào ngày thứ 7 sau phát ban.
  • Mẫu bệnh phẩm giai đoạn phục hồi được lấy 10-14 ngày sau mẫu cấp tính.
  • Hai mẫu này cần được kiểm tra song song để đối chứng.
Phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR)
  • Giúp nhanh chóng xác nhận chẩn đoán sởi.
  • Có thể lấy mẫu bệnh phẩm máu, họng, mũi họng hay nước tiểu.
  • Mẫu bệnh phẩm phải được lấy ngay sau tiếp xúc lần đầu với trường hợp nghi sởi.

Xử trí
  • Điều trị bệnh sởi chủ yếu là chăm sóc hỗ trợ:
  • Cung cấp đủ nước và bù nước bị mất qua tiêu chảy hoặc nôn.
  • Truyền tĩnh mạch nếu có mất nước nặng.
  • Bổ sung vitamin A: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bổ sung vitamin A đường uống cho tất cả trẻ em được chẩn đoán nhiễm sởi, dựa theo tuổi:
           Sơ sinh - 6 tháng: 50.000 đơn vị quốc tế (IU)/ngày X 2 lần (cách nhau 24 giờ)
           6 - 11 tháng:  100.000 IU/ngày X 2 lần (cách nhau 24 giờ)
           Trên 1 tuổi:     200.000 IU/ngày X 2 lần (cách nhau 24 giờ)
           Trẻ có biểu hiện thiếu vitamin A: 2 liều đầu tương ứng với tuổi, sau đó bổ sung liều thứ 3 theo tuổi sau 2-4 tuần.
      Bổ sung vitamin A trong giai đoạn sởi cấp tính làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh và tử vong. 

Biến chứng
  • Phần lớn biến chứng là do virus sởi ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể chủ, kích thích các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn hay bội nhiễm vi khuẩn. Kết quả là viêm phổi (do chính virus sởi, vi khuẩn lao, các vi khuẩn khác) là biến chứng phổ biến nhất. Tràn dịch màng phổi, phì đại hạch rốn phổi, gan lách to, tăng cảm và dị cảm cũng có thể  được ghi nhận. 
  • Biến chứng sởi thường xuất hiện nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 20 tuổi, tỷ lệ biến chứng tăng nếu có rối loạn miễn dịch, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và tiêm chủng không đầy đủ. Nguy cơ nhiễm trùng nặng hoặc bội nhiễm là rất cao ở người bị suy giảm miễn dịch.
  • Các biến chứng nhiễm trùng gồm: viêm tai giữa, viêm phổi kẽ, viêm phế quản phổi, viêm thanh-khí-phế quản, viêm não tủy, tiêu chảy, viêm xoang, viêm lợi, viêm gan không triệu chứng, viêm hạch, viêm giác mạc có thể gây mù.
  • Trong 0,1% trường hợp, sởi gây ra viêm não cấp, dẫn tới tổn thương não vĩnh viễn và gây tử vong ở khoảng 10% bệnh nhân.
  • Biến chứng sởi ở phụ nữ có thai gồm: viêm phổi, viêm gan, viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp, sảy thai, sinh non. 


 BS Trần Thu Thủy (theo Medscape)