Duy trì cho bé bú sữa mẹ, tránh không cho bé ăn ở tư thế nằm, giữ cho mũi sạch, kiểm soát tình trạng dị ứng, tránh khói thuốc lá... có thể giúp phòng ngừa, hay ít nhất là giúp bé ít bị nhiễm trùng tai hơn hoặc nếu bị thì cũng nhẹ hơn. Trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần dùng kháng sinh dự phòng, tiêm chủng hoặc đặt ống thông khí ở tai.
DỰ PHÒNG NHIỄM TRÙNG TAI KHÔNG DÙNG THUỐC
2. Chọn nhà trẻ, trường mẫu giáo – việc cho trẻ tiếp xúc liên tục với các trẻ khác làm tăng nguy cơ bé bị cảm, và sau đó là nhiễm trùng tai. Nhà trẻ hay trường mẫu giáo đông học sinh là nơi vi trùng lan truyền. Nếu có thể thì bố trí cho bé đi học ở trường có số học sinh nhỏ, điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh.
3. Kiểm soát dị ứng – nếu bạn nghĩ dị ứng góp phần khiến bé bị chảy nước mũi và sau đó là nhiễm trùng tai thì nên áp dụng các biện pháp làm giảm tình trạng dị ứng của trẻ.
4. Cho bé bú ở tư thế dựng cao – cho bé bú ở tư thế nằm có thể khiến sữa kích thích vòi Eustach, góp phần gây nhiễm trùng tai.
6. Tránh khói thuốc lá – có bằng chứng rõ ràng rằng khói thuốc kích thích đường mũi của trẻ, dẫn tới rối loạn chức năng vòi Eustache.
7. Ăn nhiều rau quả tươi – điều này làm tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, giúp chiến đấu với nhiễm trùng.
DỰ PHÒNG NHIỄM TRÙNG TAI MẠN TÍNH HAY THƯỜNG XUYÊN BẰNG THUỐC
Với các bé bị nhiễm trùng tai thường xuyên, các biện pháp dự phòng nêu trên có thể là chưa đủ. Bác sĩ có thể chỉ định dự phòng bằng thuốc kháng sinh.
Hiện chưa có sự thống nhất về thời điểm bắt đầu dùng thuốc dự phòng. Một số bác sĩ cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc dự phòng nếu bé bị hơn 3 lần nhiễm trùng tai trong vòng 6 tháng hay hơn 4 đợt trong một năm. Một số bác sĩ tỏ ra dè dặt hơn và chỉ định dùng thuốc muộn hơn. Một số yếu tố như giảm thính lực và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ cũng có thể đòi hỏi việc điều trị quyết liệt hơn.
Có 3 cách phòng ngừa bằng thuốc:
1. Kháng sinh phòng bệnh – dùng amoxicillin hay các kháng sinh tương tự, 1 lần mỗi ngày.
Có 2 cách thực hiện:
- Điều trị hàng ngày liên tục trong vòng vài tháng, chẳng hạn qua hết mùa đông.
- Bắt đầu điều trị kháng sinh hàng ngày khi có những biểu hiện đầu tiên của chứng cảm, sau đó tiếp tục dùng trong 7-10 ngày. Cách này thường được ưa chuộng hơn.
Ưu điểm của việc dùng kháng sinh dự phòng là có thể tránh dùng các thuốc kháng sinh mạnh hơn. Nhược điểm là bé phải dùng kháng sinh thường xuyên hơn và điều này có thể góp phần gây kháng kháng sinh.
2. Tiêm phòng
Vacxin Prevnar đã được đưa vào sử dụng từ năm 2000. Trẻ được dùng 4 liều trong vòng 2 năm đầu. Với trẻ từ 15 tháng tuổi trở lên, chỉ cần dùng 1 liều là đủ. Vacxin này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do phế cầu gây ra. Vi khuẩn này gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não và nhiễm trùng tai.
Prevnar giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai theo hai cách:
- Giảm số lần nhiễm trùng tai – tác dụng tối thiểu. Các nghiên cứu cho thấy mũi tiêm này chỉ giảm được 10-20% số lần nhiễm trùng tai.
- Giảm nhiễm trùng tai do phế cầu kháng thuốc – giá trị rất lớn. Vacxin làm giảm đáng kể số lần nhiễm trùng tai do phế cầu kháng các thuốc kháng sinh thông thường.
3. Ống thông khí ở tai – đó là những chiếc ống nhỏ xíu mà bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đặt vào màng nhĩ, khi trẻ được gây mê. Ống thường được lưu lại 6 tháng tới hơn 1 năm.
Ống thông khí đặt ở màng nhĩ.
Mục tiêu của việc đặt ống:
- Dẫn lưu dịch tai mạn tính có thể biến thành ‘tai keo dính’.
- Tạo điều kiện cho dịch ở tai giữa thoát ra ngoài khi bắt đầu tích tụ trong đợt cảm. Điều này có thể giúp ngăn ngừa một đợt nhiễm trùng tai.
- Phòng ngừa rối loạn phát triển ngôn ngữ và thính lực nhờ tránh chứng khó nghe kéo dài nhiều tháng do dịch tai giữa.
- Giúp phòng ngừa các biến chứng hiếm gặp của mất thính lực mạn tính do nhiễm trùng tai tái phát.
NHỮNG BẤT ĐỒNG LIÊN QUAN TỚI ỐNG THÔNG KHÍ Ở TAI
Mặc dù ống thông khí tai đóng vai trò nhất định trong điều trị nhiễm trùng tai tái phát nhưng vẫn có một số lo ngại về việc sử dụng thiết bị này:
- Một số bác sĩ có thể khuyến cáo trẻ dùng ống thông khí quá sớm, trước khi sử dụng hết các biện pháp phòng ngừa khác, hoặc trước khi đủ thời gian để tai tự làm sạch không cần can thiệp ngoại khoa.
- Với bất kỳ can thiệp ngoại khoa nào cũng có nguy cơ (dù là tối thiểu) đối với việc gây mê.
- Ống thường để lại một vết sẹo nhỏ chiếm khoảng 1/6 màng nhĩ, vết sẹo này là vĩnh viễn. Sẹo không để lại hậu quả lâu dài nhưng cũng chưa thể chắc chắn về điều này. Bệnh nhiễm trùng tai tái phát có đặt ống hay không đặt ống đều có thể gây nên sẹo.
- Ống tai không đảm bảo ngăn ngừa 100% nhiễm trùng tai. Khi đặt ống, một số trẻ vẫn bị nhiều đợt nhiễm trùng tai như trước, thậm chí còn thường xuyên hơn, nhưng dịch thoát ra ngoài ngay lập tức.
TÓM LẠI, NẾU ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐÚNG CÁCH, ỐNG TAI MANG LẠI HIỆU QUẢ TỐT TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM TRÙNG TAI TÁI PHÁT.
Nhiều bé được lợi từ việc đặt ống tai. Cha mẹ cho biết bé trở thành con người hoàn toàn khác: Không còn nhiễm trùng tai, thính lực được cải thiện, không còn những đêm dài mất ngủ vì con khóc và không còn những đợt kháng sinh dài bất tận nữa.
Chỉ định đặt ống thông khí ở tai:
- Dịch tai mạn tính kéo dài hơn 4-6 tháng;
- Hoặc >3 đợt nhiễm trùng tai trong vòng 6 tháng hay >5 đợt trong 1 năm.
BS Trần Thu Thủy
Điều trị viêm tai ở trẻ em