8/7/14

Điều trị viêm tai ở trẻ em

Nghiên cứu mới cho thấy 80% nhiễm trùng tai không biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày không cần kháng sinh. Trường hợp cần điều trị kháng sinh, liệu trình được khuyến cáo kéo dài 7 ngày.  







Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng tai bao gồm điều trị chứng đau tai, chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và theo dõi sau điều trị. 

1. GIẢM ĐAU 

o   Acetaminophen (hay paracetamol) hoặc ibuprofen là thuốc giảm đau hiệu quả cho chứng đau tai. Có thể sử dụng cùng lúc cả hai thuốc này nếu một thuốc tỏ ra không hiệu quả.

o   Chườm ấm dùng khăn ấm ấp vào tai.

o   Dầu oliu ấm, dầu thực vật ấm  nhỏ vài giọt các loại dầu trên vào tai. CHÚ Ý KHÔNG ĐỂ DẦU QUÁ NÓNG.

o   CHÚ Ý – nếu thấy dịch hay mủ chảy ra từ tai, TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC NHỎ CÁC LOẠI DẦU NÊU TRÊN VÀO TAI.


2. KHÁNG SINH – liệu trình kháng sinh 7 ngày là khuyến cáo đang được áp dụng, trừ khi bác sĩ của bạn cảm thấy cần kéo dài thời gian hơn. Sau đây là một số hướng dẫn cơ bản về các kháng sinh thường dùng:

o   Amoxicillin – đây là lựa chọn số 1 được phần lớn bác sĩ tại các nước phát triển sử dụng. Tại các quốc gia này việc sử dụng kháng sinh được kiểm soát chặt chẽ, vì vậy amoxicillin vẫn hiệu quả trong đa số trường hợp nhiễm trùng tai. Thuốc có giá thành không cao, vị dễ uống và dễ hấp thu bởi đường tiêu hóa.




o   Azithromycin, Augmentin (amoxicillin+clavulinate)tăng gấp đôi liều Amoxicillin, Cefuroxime – đây là các lựa chọn thứ hai và thứ ba  
o   Augmentin ES (kết hợp Augmentin và amoxicillin) tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng tai tái phát.




o   Uống đủ số ngày chỉ định  kể cả nếu bé đã cảm thấy dễ chịu hơn sau 2 hay 3 ngày điều trị kháng sinh, tốt nhất là cho bé uống đủ ít nhất 7 ngày để đảm bảo là nhiễm trùng sẽ không quay trở lại.

Trường hợp có rách màng nhĩ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai gồm kháng sinh và hydrocortisone, giúp ống tai lành tốt hơn. 

   Tránh hiện tượng kháng kháng sinh

“Thưa bác sĩ, amoxicillin không có tác dụng với con tôi, và thật khó cho cháu uống 3 lần mỗi ngày! Xin bác sĩ cho cháu loại thuốc chỉ uống 1 lần mỗi ngày và 5 ngày là xong có được không ạ?”

Hãy thận trọng khi làm điều này. Việc thường xuyên dùng kháng sinh mạnh hơn, thuận tiện hơn có thể khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng tai ở con bạn kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh, khiến những đợt nhiễm trùng tai tiếp theo rất khó điều trị. 

Kể cả nếu amoxicillin không có tác dụng một hay hai lần trước, vẫn có khả năng vi khuẩn gây nhiễm trùng lần này là loại khác và vẫn nhạy cảm với amoxicillin, nhất là nếu hai lần nhiễm trùng tai cách nhau hơn 2 tháng. Hiện đã có loại amoxicillin dùng 2 lần một ngày trong vòng 7 ngày.

Khi nào cần sử dụng kháng sinh mạnh?

Tốt nhất là bắt đầu bằng amoxicillin đơn thuần. Có thể dùng kháng sinh mạnh trong các trường hợp sau:
  • Nếu triệu chứng sốt và quấy khóc không cải thiện sau 48-72 giờ điều trị kháng sinh, bé có thể cần kháng sinh mạnh hơn.
  • Nếu amoxicillin không có tác dụng trong 2 hoặc 3 lần điều trị trước đó thì những lần sau có thể dùng kháng sinh mạnh ngay.
  • Nếu bé đã dùng amoxicillin trong vòng 6 tuần trước đó, và lại bị đợt nhiễm trùng tai khác, nhiều khả năng vi khuẩn này kháng amoxicillin và cần dùng kháng sinh mạnh hơn.
  • Nếu bé dị ứng với amoxicillin
  • Nếu bệnh vẫn dai dẳng sau một đợt điều trị amoxicillin
  • Chú ý – kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng tai, chúng không giúp điều trị virus gây các biểu hiện cảm. Vì vậy đừng mong đợi triệu chứng chảy nước mũi và ho cải thiện trong vòng 3-14 ngày. 

Có nhất thiết phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tai không?

Không, không nhất thiết phải dùng kháng sinh, nhưng chúng sẽ có ích vì các lý do sau:
  • Thuốc kháng sinh giúp bé dễ chịu nhanh hơn nhờ loại bỏ vi khuẩn, do đó giảm sốt và đau tai sớm hơn. Trẻ thường cảm thấy dễ chịu hơn sau 1 hay 2 ngày dùng kháng sinh.
  • Nếu để nhiễm trùng tai tự lành, bé thường phải chịu sốt và đau trong 4-7 ngày.
  • Kháng sinh giúp phòng ngừa tình trạng viêm lan tới não và xương quanh tai, tuy biến chứng này rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
  • Nghiên cứu mới cho thấy 80% nhiễm trùng tai không biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày không cần kháng sinh. Tại các nước phát triển, một số cha mẹ chọn cách không dùng kháng sinh cho con, chỉ dùng các thuốc hạ nhiệt giảm đau dạng thuốc nhỏ tai gây tê Auralgan và thuốc uống ibuprofen hay acetaminophen.
Tác dụng phụ của kháng sinh
  • Tiêu chảy
  • Ban do nấm ở vùng mang tã 
  • Nấm ở miệng
  • Nôn
  • Phát ban 
Diễn biến điều trị 
  • Nhiễm trùng: kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm sốt và đau sau vài ngày.
  • Dịch ở tai giữa sẽ mất đi sau 3 ngày tới 3 tháng! Dịch này từ từ thoát qua vòi Eustache xuống mũi. Dùng nhiều đợt kháng sinh liên tiếp không giúp đẩy nhanh quá trình thoát dịch vì sau một đợt kháng sinh, dịch trong tai thường không nhiễm khuẩn nữa. Chứng dị ứng hay nghẹt mũi mạn tính có thể làm tắc vòi Eustache, ngăn cản dịch thoát khỏi tai. Thính lực của trẻ có thể giảm cho tới khi dịch thoát hết ra ngoài, hiện tượng này chỉ là tạm thời.
  • Triệu chứng chảy nước mũi, thường do virus cảm gây ra chứ không phải do vi khuẩn, có thể kéo dài 3-14 ngày.

3. THEO DÕI SAU ĐIỀU TRỊ 

Phần lớn bác sĩ sẽ chỉ định khám lại trong vòng 1-4 tuần sau nhiễm trùng tai. Mục đích của việc khám lại là để kiểm tra:
  • Đã hết nhiễm trùng chưa? 
  • Dịch trong tai đã thoát hết ra ngoài chưa?
  • Nếu bé lại xuất hiện nhiễm trùng tai thì đó là đợt nhiễm trùng mới hay vẫn là diễn biến tiếp theo của đợt cũ (điều này giúp đưa ra lựa chọn kháng sinh phù hợp). 
CHÚ Ý: tránh điều trị quá mức bằng cách lặp đi lặp lại các đợt kháng sinh. Trong lần khám lại, bác sĩ có thể vẫn thấy dịch trong tai, nhưng nếu màng nhĩ không đỏ và không phồng, trẻ hoạt động bình thường thì không cần dùng thêm một đợt kháng sinh nữa. 


DỊCH TAI MẠN TÍNH

Như đã nói ở trên, đôi khi phải mất 1 đến 2 tháng dịch mới thoát hết ra khỏi khoang tai giữa. Trong giai đoạn này, trẻ có thể nghe không rõ. Điều này không nguy hiểm và không gây mất thính lực vĩnh viễn. 

Thông thường dịch thoát hết khỏi tai giữa sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dịch nằm lại lâu hơn, chẳng hạn như khi chức năng vòi Eustache bị rối loạn. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng xoang mạn tính, dị ứng mũi và cảm thường xuyên. Dịch nằm lại trong tai hơn 3-4 tháng có thể đặc lại và trở nên dính, còn được gọi là ‘tai keo dính’. Trường hợp này cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Bé có thể bị chậm nói nếu khó nghe kéo dài trong 2 năm đầu đời, khi phát triển ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Ảnh hưởng này mang tính tạm thời nhưng nếu diễn ra quá lâu thì phát triển ngôn ngữ có thể bị chậm nhiều.