17/12/14

Cách chăm sóc và vệ sinh cho bé gái

Nhiễm lạnh phần kín ở bé gái nguy hiểm hơn ở bé trai, vậy mà trên thực tế các bé trai lại bảo vệ phần này tích cực hơn nhiều so với các bé gái. Việc để bé gái ngồi trên nền lạnh, nhất là ghế đá, có thể dẫn tới nhiễm lạnh cục bộ cơ quan sinh dục, khiến mạch máu tử cung và buồng trứng co lại. Sự giảm đột ngột tuần hoàn máu ở những cơ quan này có thể dẫn tới quá trình viêm trong một thời gian rất dài.  









Bác sĩ Komarovskiy E.O. - chuyên gia hàng đầu về nhi khoa tại Ukraina chia sẻ một số kinh nghiệm liên quan tới vấn đề chăm sóc và vệ sinh cho bé gái. 

Bàn chân người đã được tính toán để có thể tiếp xúc với lạnh. Nghĩa là con người có thể đi chân đất, thậm chí trên mặt đất rất lạnh. Trong trường hợp này các mạch máu của da bàn chân co lại và chúng ta không bị mất nhiệt. Nếu được chạy chân đất từ khi còn nhỏ thì bé có thể đi chân đất phần lớn thời gian của năm. Nhưng dù có cố gắng ngồi trên nền lạnh nhiều tới đâu, mạch máu ở mông vẫn không thể phản ứng với cái lạnh. Vì vậy các bà mẹ không cần ngăn con đi chân đất, mà cần ngăn bé mặc phong phanh ngồi trên nền lạnh. 

Vệ sinh phần kín 

Khi vệ sinh phần kín, tốt nhất là dùng nước từ vòi, với nhiệt độ cơ thể (34 -37 0C). Có thể dạy cho bé 3-4 tuổi vệ sinh bằng vòi nước, nhưng nếu dùng chậu vào gáo thì phải đợi muộn hơn. 



Sử dụng xà phòng để vệ sinh phần kín cho bé là vấn đề rất được quan tâm, nhất là với những bà mẹ đã từng bị viêm bộ phận này. Tất cả mọi người đều có thói quen đổ lỗi cho vệ sinh kém khi ai đó bị bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Nếu một bà mẹ đưa con gái tới khám bác sĩ phụ khoa và phát hiện chứng viêm thì 100% là tất cả những người xung quanh đều cho rằng bà mẹ có lỗi. Và khi cảm thấy mình có lỗi, bà mẹ sẽ yêu cầu con gái rửa ráy sau mỗi lần đi tiểu. 

Con người là động vật duy nhất dùng xà phòng để vệ sinh cơ thể. Các con thú chỉ dùng lưỡi để tự vệ sinh cơ thể mà thôi. Việc sử dụng xà phòng một cách thường xuyên gây nhiều rắc rối hơn so với không sử dụng chúng. Nếu có dùng xà phòng thì tối đa cũng chỉ nên dùng 1 lần mỗi ngày. Rất nhiều chuyên gia về vệ sinh cho rằng vệ sinh phần kín ở bé gái bằng xà phòng chỉ cần thực hiện 2 lần, tối đa là 3 lần mỗi tuần. Chỉ nên rửa bằng nước ấm chảy từ vòi, sau mỗi lần đi đồng và trước khi đi ngủ. Nếu không có nước, và chỉ trong trường hợp không có nước, có thể làm vệ sinh bằng khăn giấy ướt.

Có sự hiểu nhầm lớn liên quan tới các dung dịch làm vệ sinh vùng kín. Các dung dịch này được phân loại rõ ràng cho từng lứa tuổi: cho trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn… Vì vậy khi mua nước vệ sinh, các bà mẹ cần kiểm tra thật kỹ độ tuổi thích hợp có thể sử dụng dung dịch này.

Yêu cầu đối với xà phòng cho bé gái rất nghiêm ngặt: không có thuốc màu, không có hương vị, độ Ph tương thích. Và để không bao giờ nhầm lẫn, tốt nhất là chọn mua loại xà phòng nước dành cho trẻ dưới 1 tuổi, vì trong tất cả các sản phẩm thì loại dành cho trẻ dưới 1 tuổi chịu sự kiểm tra hết sức ngặt nghèo về tiêu chuẩn chất lượng.

Khi rửa mặt, tất cả chúng ta đều hiểu rằng xà phòng tiếp xúc với da là chuyện bình thường, còn tiếp xúc với niêm mạc là không bình thường. Khi rửa mặt bằng xà phòng, chúng ta không rửa cả niêm mạc miệng. Mọi người đều cố gắng để xà phòng không rơi vào mắt. Khi dùng xà phòng để vệ sinh cho bé gái nguyên tắc cũng đúng như vậy, không được để xà phòng rơi vào niêm mạc. Tất cả những gì nằm sâu hơn môi lớn đều là niêm mạc. Vì vậy chỉ được dùng xà phòng để làm vệ sinh bề mặt vùng kín cho đến môi lớn, tuyệt đối không được đi xa hơn. Khi bé gái được rửa ráy quá nhiều, khi bà mẹ quan tâm quá sát sao tới việc vệ sinh phần kín cho con, rắc rối xuất hiện nhiều hơn và thường xuyên hơn so với khi bà mẹ không quan tâm tới điều này.

Hỏi: Đến độ tuổi nào thì cần làm vệ sinh thật cẩn thận cho bé gái, và từ độ tuổi nào các bé có thể tự làm việc này?

Đáp: Bắt đầu từ độ tuổi nào bé gái có thể tự vệ sinh phần kín hoàn toàn phụ thuộc vào những nỗ lực của cha mẹ. Tôi có cảm giác rằng có thể dạy bé tự vệ sinh từ thời điểm bỏ bỉm. Nhân tiện xin bàn về vấn đề bỉm. Kể từ khi có bỉm, các rắc rối giảm đi rất nhiều, vì rắc rối lớn nhất là khi phân lỏng rơi vào âm đạo, dẫn tới nhiễm trùng. Kể từ khi có bỉm thì những vấn đề này giảm hẳn, tất nhiên là với điều kiện cha mẹ phải thay bỉm thường xuyên.

Tôi cho rằng bé gái sau khi thôi dùng bỉm, nhất là ở độ 4-5 tuổi, hoàn toàn có thể học làm vệ sinh, không cần dậy bé sớm hơn. Không nên ép trẻ, tốt nhất là dành thêm một hai năm theo dõi để biết chắc là mọi chuyện đều ổn, tránh rắc rối về sau. 

Hỏi:  Xin bác sĩ cho biết về hiện tượng dính môi bé ở trẻ, làm thế nào để phòng ngừa và độ tuổi nào hiện tượng này sẽ hết.

Đáp: Dính môi bé là hiện tượng hai môi bé bộ phận sinh dục của trẻ gái dính vào nhau, chỉ còn một khoảng trống nhỏ. Hoạt động của niêm mạc cơ quan sinh dục phụ thuộc vào nồng độ hoóc môn hóc môn sinh dục trong máu. Nồng độ hoóc môn sinh dục nữ estrogen trong máu ở các bé gái rất thấp, điều này khiến cho các niêm mạc thường xuyên tiếp xúc với nhau sẽ dính vào nhau. Hiện tượng này thường không xảy ra ở trẻ trong 6 tháng đầu đời, vì bé vẫn có estrogen của nhận được từ mẹ trong thời kỳ có thai. Vấn đề xuất hiện và đạt đỉnh cao khi bé được 1-3 tuổi, nhiều nhất là từ 1 đến 2 tuổi. 


Các sách giáo khoa y học nói rằng dính môi bé xuất hiện ở 1,5-3% bé gái, nhưng trên thực tế, tại một số bệnh viện Ukraina, tỷ lệ này lên tới 30-50%. Điều này có nghĩa là nếu cố gắng tìm thì có thể phát hiện dính môi bé ở tất cả các bé gái dưới 2 tuổi. Cần hiểu rằng dính môi bé không phải bệnh lý, đây là đặc điểm sinh học của trẻ ở độ tuổi này. Đôi khi, trường hợp này rất hiếm, dính môi bé nặng tới mức gây dính gần như toàn bộ hai môi nhỏ và cản trở dòng nước tiểu. Nước tiểu đọng lại ở âm đạo, dẫn tới viêm, khi đó cần điều trị. 

Điều quan trọng là nếu bé không có điều gì bất ổn, không có rắc rối khi đi tiểu, không có biểu hiện ngứa, đỏ, không có xuất tiết lạ, thì không cần làm gì. Ở tuổi vị thành niên, ngay khi cơ thể sản sinh estrogen, 80% trường hợp dính sẽ hoàn toàn biến mất, không để lại dấu vết gì; 20% trường hợp còn lại cần điều trị trong vòng 2 tuần bằng một loại kem. Tôi xin nhắc lại là khi phát hiện dính môi bé, không nên tiến hành tách chúng bằng dụng cụ hay bằng ngón tay. Nếu cần điều trị thì phải bắt đầu bằng một loại kem bôi, và chỉ khi kem này không hiệu quả mới áp dụng việc tách cơ học. Cần dùng thuốc gây tê tại chỗ cho bé trước khi tách.

Hỏi: Vậy phải điều trị dính môi nhỏ thế nào? 

Đáp: Nếu chỉ có dính môi bé và không có gì khác bất thường thì không cần làm gì. Chỉ điều trị khi có thêm các biểu hiện khác như có chất xuất tiết, hiện tượng đỏ, ngứa, đau khi đi tiểu - biểu hiện của quá trình viêm. 

Việc điều trị được thực hiện bằng các loại kem đặc biệt chứa estrogen. Theo hướng dẫn của bác sĩ, người mẹ sẽ bôi kem dọc theo đường giữa, nơi hai môi bé dính vào nhau, 2 lần mỗi ngày trong vòng 2 tuần. Sau 2 tuần, biểu hiện dính thường giảm, tiến hành bôi kem chứa estrogen 1 lần mỗi ngày và kem trung tính không có hoóc môn 1 lần mỗi ngày, trong vòng 2 tuần. Cần rửa tay sạch, cắt móng gọn gàng trước khi bôi thuốc. Về nguyên tắc, ở phần lớn trẻ em, chủ đề sẽ được khép lại ở đây. Và chỉ khi phương pháp điều trị bằng kem này không hiệu quả mới có chỉ định điều trị ngoại khoa.

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết có nên dùng nước sắc hoa cúc để làm vệ sinh không, và nước này có lợi ích gì không?

Đáp:  Nước đun từ hoa cúc dại chỉ là bài thuốc tâm lý trị liệu an toàn và hiệu quả cho các bà mẹ. 



Tôi xin nhắc lại là việc vệ sinh vùng kín chỉ nên thực hiện có chừng mực. Khi thức ăn vô trùng hoàn toàn, khi đứa trẻ không bao giờ ăn phải thức ăn xấu nào, khi mọi thứ đều vô trùng, luộc chín, thì ngay khi đứa trẻ ra khỏi ranh giới ngôi nhà của mình, cho tay vào miệng là đã bị tiêu chảy. Cha mẹ càng sạch sẽ bao nhiêu thì trẻ càng phải thường xuyên nhập viện vì nôn và tiêu chảy bấy nhiêu. Bởi vì hệ tiêu hóa, vốn được sinh ra với khả năng tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn, không được tập luyện. 

Trên bề mặt niêm mạc thường xuyên có một lượng lớn vi khuẩn cư trú, và nếu chúng ta tẩy rửa các vi khuẩn này chục lần mỗi ngày thì nguy cơ bị viêm tăng lên. Vấn đề nằm ở chỗ bệnh thường xuất hiện muộn hơn, bạn càng tích cực chăm sóc phần kín của bé gái bao nhiêu thì càng có nhiều rắc rối bấy nhiêu khi trẻ bắt đầu bước vào cuộc sống tình dục, vì niêm mạc chưa được rèn luyện sẽ phản ứng với bất kỳ vi khuẩn lạ nào. 

Sự chừng mực là điều quan trọng nhất. Chúng tôi không khuyên các bạn bỏ mặc không chăm sóc con, nhưng vệ sinh 1-2 lần mỗi ngày là ngưỡng tối đa, không nên nhiều hơn. Không nên rửa bé quá nhiều lần, nhất là khi đã có giấy ướt, nhưng phải chọn loại giấy ướt không có cồn và thuốc sát khuẩn.

Hỏi: Có sự khác biệt nào giữa vệ sinh của phụ nữ trưởng thành và vệ sinh bé gái không?

Đáp: Nguyên tắc không hề thay đổi. Tuy nhiên, môi trường âm đạo của phụ nữ và ở bé gái khác nhau. Dựa vào đó mà có các loại dung dịch làm vệ sinh phù hợp cho mỗi lứa tuổi. Nước vệ sinh cho phụ nữ hoàn toàn khác loại dùng cho trẻ em và không được dùng cho trẻ trước tuổi vị thành niên. An toàn nhất là dùng nước tắm cho bé dưới 1 tuổi. 

Các bé gái làm vệ sinh cho mình bằng tay, không dùng bất kỳ loại khăn nào. Nhất thiết phải rửa tay trước khi làm vệ sinh. Mẹ cần hướng dẫn con gái di chuyển tay đúng hướng, chỉ có thể đưa tay từ phía rốn về mông, và không thể ngược lại. Dùng nước từ vòi, với tay sạch và chỉ rửa trên bề mặt, tới môi lớn, tuyệt đối không được đưa xà phòng vào sâu hơn. 

Nguyên nhân hay gặp nhất trong viêm âm đạo ở bé gái là xà phòng rơi vào âm đạo và không được rửa sạch, gây viêm. Dùng xà phòng dành cho độ tuổi càng lớn thì quá trình này càng xuất hiện nhiều hơn. Vấn đề nằm ở chỗ khi bé bị viêm, người mẹ sẽ không nghĩ nguyên nhân là do xà phòng mà cho rằng đó là do ít xà phòng, và bà mẹ trước đây rửa cho con 1 lần mỗi ngày nay sẽ chuyển sang rửa 5 lần mỗi ngày!

Hỏi: Bể bơi có an toàn cho trẻ em, trẻ đi bơi có dễ mắc bệnh vùng kín hay không?

Đáp: Bể bơi không phải nơi lây nhiễm bệnh vùng kín. Vấn đề không nằm ở bể bơi mà là những gì bạn làm sau khi bơi. Nếu sau khi bơi bạn tắm dưới vòi sen nước sạch, không lau mà chỉ thấm khô bằng khăn tắm của chính mình thì sẽ chẳng có vấn đề gì. Tại các thành phố lớn có những bể bơi đắt tiền, ở đó người ta cho bạn mượn khăn tắm. Rất ít khả năng khăn tắm này được giặt bằng những thứ bạn mong muốn, và được rũ thật kỹ trong nước sạch. Nếu bạn lau mình kỹ càng bằng khăn này thì rắc rối có thể xảy ra.



Hỏi: Con gái tôi 1 tuổi 3 tháng, bác sĩ nhi khoa khuyên chúng tôi cho cháu tiêm phòng bệnh nhiễm trùng đường sinh dục. Xin bác sĩ giải thích thêm về vacxin này.

Đáp: Trên thực tế không có loại vacxin nào để phòng các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục. Có một mũi tiêm chủng duy nhất phòng bệnh do virus papilome ở người - HPV - gây ra (bệnh sùi mào gà).

Hàng năm trên trái đất có nửa triệu phụ nữ được phát hiện ung thư cổ tử cung và 250.000 người tử vong vì bệnh này. Một trong những nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. HPV có tới một trăm loại, trong đó có một số loại gây viêm bộ phận sinh sản. Chính virus này là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư cổ tử cung.  

Vacxin phòng HPV.

Vacxin bảo vệ bé gái khỏi các virus này cần được tiêm trước khi bắt đầu cuộc sống tình dục, nếu có thể thì tại thời điểm gần nhất với lứa tuổi này. Vì vậy, trên toàn thế giới, người ta cho rằng nên tiêm cho trẻ từ 9-13 tuổi, tối ưu là từ 9-11 tuổi. Tại Ukraina, vacxin này không nằm trong chương trình tiêm chủng nên gia đình phải trả tiền. Tôi sẽ tiêm phòng cho tất cả những bé gái là người thân của tôi. Còn các bạn sẽ tự đưa ra quyết định của mình.

Hỏi: Người thân của tôi được bác sĩ phụ khoa chẩn đoán viêm âm hộ âm đạo, xin cho biết bệnh có nguy hiểm không.

Đáp: Bệnh viêm âm hộ âm đạo thường có nguyên nhân nhiễm trùng, khi vi trùng xâm nhập vào đây, chẳng hạn từ phân do vệ sinh không đúng cách hay không vệ sinh. Nhưng nguyên nhân hay gặp nhất trong viêm âm hộ âm đạo ở trẻ nhỏ lại là sự rửa ráy quá mức của người mẹ bằng xà phòng. Phương pháp điều trị chuẩn được khuyến cáo bởi các bác sĩ trên toàn thế giới trong trường hợp viêm âm hộ âm đạo do dùng xà phòng quá mức là thuốc  mỡ hydrocortisone 1%, thuốc bán không cần đơn của bác sĩ trên toàn thế giới.



Hỏi: Quần lót thế nào là tốt nhất và khi nào không cần cho bé mặc quần lót?

Đáp: 
  • Quần lót không được bó vào người, cần đủ rộng để không khí có thể lưu thông.
  • Chỉ dùng loại vải cotton hay lanh, tốt nhất là cotton.
  • Chỉ chọn màu trắng, vì thành phần của thuốc nhuộm vải vẫn là điều bí ẩn. Bản thân quần màu không gây hại nhưng khi thuốc nhuộm trong vải kết hợp với mồ hôi, chúng có thể gây tác dụng không tốt. 
Nên chọn quần lót màu trắng. 
  • Giặt quần bằng xà phòng trẻ em, tăng gấp đôi thời gian rũ trong nước sạch, ở nhiệt độ cao nhất, và nếu có khả năng thì nhúng qua nước sôi vài giây sau khi rũ, nếu nước ở khu vực của bạn được tẩy trùng bằng clo. Mục đích là làm bay hơi các chất không cần thiết. 

Cố gắng bố trí để buổi tối khi đi ngủ, bé mặc quần ngủ rộng hoặc áo ngủ dài mà không cần quần lót, để khu vực đó được thông thoáng. 


BS Trần Thu Thủy (Biên dịch)