8/7/14

Hạn chế lây lan sởi bằng cách ly đối tượng tiếp xúc

Người tiếp xúc với sởi là những người cùng hít thở không khí với người đang nhiễm sởi (ví dụ ở cùng một phòng với bệnh nhân sởi). Sau tiếp xúc, người chưa có miễn dịch có thể bị nhiễm sởi và truyền bệnh cho những người khác, ngay cả khi họ chưa có biểu hiện bất thường. Cách ly những đối tượng này là biện pháp hữu hiệu nhất giúp hạn chế sự lây lan của sởi. 









Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm lây lạn mạnh nhất. Trong khi một bệnh nhân cúm có thể lây cho 3 người khác thì sởi có thể lây tới 18 người, kể cả trước khi phát ban. Sự lây lan sởi trong cộng đồng đặc biệt nguy hiểm với các đối tượng như phụ nữ có thai chưa có miễn dịch, những người có hệ miễn dịch yếu (do bệnh tật hoặc thuốc) và trẻ < 12 tháng tuổi. 

Phải làm gì nếu bạn đã tiếp xúc với sởi ?
  • Những người đã tiếp xúc với sởi và chưa có miễn dịch cần được cách ly.
  • Nếu đối tượng tiếp xúc đã được tiêm đủ 2 mũi phòng sởi thì được coi là có miễn dịch và ít khả năng nhiễm sởi. Trường hợp này không cần làm gì đặc biệt.
Cách ly là gì ?
  • Cách ly được áp dụng cho những người tiếp xúc với sởi nhưng chưa có miễn dịch. Đây là một khâu quan trọng trong việc ngăn ngừa sởi lan truyền trong cộng đồng, nhất là để ngăn bệnh không lan tới những đối tượng dễ bị tấn công bởi sởi (phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch, trẻ <12 tháng tuổi...).
  • Cách ly có nghĩa là ở nhà và tránh xa nhà trẻ, trường học, công sở, các hoạt động tập thể, các hoạt động thể thao và các sự kiện tập trung đông người, những nơi công cộng như rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm.
  • Trong thời gian cách ly, bạn chỉ được gặp những người đã có miễn dịch chống sởi.

Tôi sẽ bị cách ly bao lâu?

Thời gian cách ly dành cho bạn (hoặc con bạn) bắt đầu 7 ngày sau tiếp xúc đầu tiên với sởi và kết thúc 14 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với sởi.

Ví dụ:
Nếu bệnh nhân sởi mà bạn tiếp xúc phát ban vào ngày 6/4, người đó có khả năng lây nhiễm từ ngày 1/4 đến ngày 10/4. Nếu bạn tiếp xúc với họ trong khoảng thời gian từ 4/4 đến 6/4 thì tiếp xúc đầu tiên của bạn là ngày 4/4 và tiếp xúc cuối cùng là ngày 6/4. Bạn cần được cách ly từ ngày 11/4 đến ngày 20/4. 


Phải làm gì nếu tôi (con tôi) cảm thấy khó chịu trong thời gian cách ly?
  • Hãy để ý tìm kiếm các dấu hiệu của sởi như chảy nước mũi, ho, đau mắt, sốt và nổi ban - bắt đầu ở mặt rồi di chuyển đến phần còn lại của cơ thể.
  • Nếu bạn nghĩ mình (con mình) đang có biểu hiện sởi trong giai đoạn cách ly thì nên gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho sởi. Điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol nếu sốt.
  • Nếu bạn (con bạn) thấy khó chịu ngày càng tăng thì cần đi khám bác sĩ.
  • Nếu chẩn đoán sởi được xác nhận, bạn cần được cách ly cho tới 5 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
Phải làm gì nếu tôi (con tôi) vẫn cảm thấy bình thường trong thời gian cách ly?
  • Nếu bạn (con bạn) không nhiễm sởi, bạn có thể thoát cách ly sau 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng với sởi.
  • Nếu bạn chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi thì cần tiêm phòng. Đó là cách tốt nhất để bạn (con bạn) không bị nhiễm sởi. 

Xem thông tin về Dự phòng sau phơi nhiễm sởi


      BS Trần Thu Thủy 
      (theo Hướng dẫn của ngành y tế New Zealand