20/6/15

Nhận biết dậy thì sớm ở trẻ em

Xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em trên toàn thế giới. Trong một số ít trường hợp, đó có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý cần được điều trị đặc biệt. Những trường hợp còn lại thường không rõ nguyên nhân nhưng có thể điều trị để giảm tốc độ.








1. Thế nào là dậy thì sớm?


Dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Độ tuổi chính xác vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng cần hạ độ tuổi chính thức nói trên xuống nữa. Nhóm khác lại nói làm như vậy sẽ khó xác định những trẻ cần được điều trị thực sự.

Cần phân biệt dậy thị thực thụ với chứng vú phát triển sớm - một rối loạn lành tính trong đó ngực phát triển đơn thuần không kèm theo các dấu hiệu dậy thì khác.

2. Nguyên nhân

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ở các bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân kể trên thường rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được bác sĩ cân nhắc. Một nguyên nhân khác cần được chú ý là gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa...

3. Biểu hiện của dậy thì sớm

Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai.

Ở bé gái, cần tìm các dấu hiệu: ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Ở bé trai, cần tìm các dấu hiệu: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi. Sự tăng chiều cao cân nặng có thể nhận thấy ở cả hai giới.

Trong suốt thời kỳ dậy thì xương liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.



                   
4. Phân loại dậy thì sớm theo tốc độ tiến triển  

Dậy thì sớm được chia thành 3 dạng chính:

a. Tiến triển nhanh

Phần lớn các bé gái bị dậy thì sớm (nhất là trường hợp bắt đầu trước 6 tuổi) thuộc loại này. Các bé trải qua từng giai đoạn (bao gồm cả đóng sụn tăng trưởng của xương) với tốc độ rất nhanh, và vì vậy sẽ mất rất nhiều chiều cao tiềm năng có thể đạt khi đến tuổi trưởng thành. Khoảng 1/3 những bé này trong tương lai sẽ có chiều cao thấp hơn bách phân vị thứ 5 của chiều cao người trưởng thành (nằm dưới đường màu đỏ trong biểu đồ tăng trưởng dưới đây). Nói nôm na khi trưởng thành các cháu sẽ thuộc nhóm 5% có chiều cao thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi. 


b.  Tiến triển chậm

Rất nhiều bé gái tuy bắt đầu dậy thì sớm (nhất là trường hợp bắt đầu sau 7 tuổi) nhưng vẫn trải qua tất cả các giai đoạn với tốc độ trung bình. Trẻ cao vọt lên sớm nhưng vẫn tiếp tục lớn đến khi xương đạt được độ trưởng thành cuối cùng vào khoảng 16 tuổi.   

c. Không kéo dài

Một vài trẻ dậy thì sớm với những thay đổi dậy thì bắt đầu rồi nhanh chóng kết thúc.

5. Chẩn đoán

Nghi ngờ dậy thì sớm được bác sĩ đưa ra sau khám lâm sàng. Trẻ dậy thì trước 8 tuổi cần được đánh giá cẩn thận:
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hoóc môn bất thường.
  • Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm.
  • Chụp X-quang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh quá so với tuổi thực, ví dụ đứa trẻ lên 7 mà tuổi xương lại tương đương với trẻ 12 tuổi thì nhiều nguy cơ trẻ không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.