Đa số các bà mẹ có thể sản xuất đủ sữa cho con nhưng nhiều mẹ nghĩ mình thiếu sữa và quyết định ngừng cho con bú quá sớm. Trên thực tế, rất nhiều mẹ trong số này vẫn có đủ sữa. Hiểu và đánh giá đúng các dấu hiệu báo động giả sẽ giúp mẹ vững tin duy trì việc cho con bú.
Sau đây là 6 dấu hiệu thường gặp có thể khiến mẹ nhầm tưởng mình thiếu sữa:
1. Bé có vẻ đói giữa các bữa ăn
1. Bé có vẻ đói giữa các bữa ăn
Trẻ nhỏ có nhu cầu mút rất lớn và dễ bị nhận định nhầm là đang đói. Bé có thể làm động tác mút khi mệt mỏi, buồn chán, căng thẳng hay chỉ đơn giản là thích làm vậy. Các bé thường xuyên ngủ thiếp trong cữ bú có thể liên tưởng giấc ngủ với việc bú mẹ, và vì vậy sẽ chóp chép miệng mỗi khi buồn ngủ. Điều này có thể khiến cha mẹ nhận định nhầm là bé đang đói.
2. Bé đòi bú nhiều hơn thường lệ
2. Bé đòi bú nhiều hơn thường lệ
Bé sơ sinh cần bú 8-12 lần mỗi 24 giờ. Trẻ bú mẹ cũng thường bú dày và ngắn hơn vào buổi tối. Trong khi các đợt tăng trưởng mạnh lại khiến trẻ có nhu cầu bú thường xuyên hơn và lâu hơn. Điều này thường xảy ra vào khoảng 2-3 tuần, 6 tuần và 3 tháng tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Lúc này, bé bú nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng của cơ thể chứ không phải vì sữa mẹ ít khiến bé bị đói.
3. Bé có vẻ đói ngay sau cữ bú
Trong 4 tháng đầu, phần lớn trẻ có nhu cầu mút rất lớn. Nếu phản xạ xuống sữa của mẹ mạnh khiến sữa về nhanh, bé có thể chén no bụng trước khi nhu cầu bú mút được thỏa mãn. Vì vậy, cha mẹ có thể nhầm tưởng bé vẫn đói ngay sau cữ bú.
4. Bé bú cạn bình sữa sau khi bú mẹ
Trẻ sinh ra với phản xạ bú mút và duy trì phản xạ này tới tận 3-4 tháng tuổi. Phản xạ mút có thể được kích hoạt bởi áp lực lên vòm miệng của bé bởi núm vú của mẹ, núm vú của bình sữa, núm vú giả, nắm tay của bé hay ngón tay của cha mẹ. Hiện tượng bé háo hức bú cạn bình sữa sau khi bú mẹ có thể là kết quả của phản xạ mút bị kích hoạt bởi núm vú của bình sữa chứ không phải bởi cảm giác đói thực thụ.
5. Bầu vú mẹ ít căng hơn và không rỉ sữa
Trong những tháng đầu, rất nhiều bà mẹ sản xuất thừa sữa so với nhu cầu của con. Lúc này bầu ngực mẹ thường xuyên căng, sữa rỉ nhiều. Khi bé được 6-12 tuần, sản xuất sữa của mẹ thường được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực của bé. Lúc này bầu ngực mẹ thường ít căng hơn và hiếm khi rỉ sữa. Vì vậy đừng nên kết luận ngực mềm là mẹ thiếu sữa.
6. Bé không tăng cân như mong đợi
Theo dõi cân nặng của trẻ là cách tốt nhất để đánh giá mẹ có đủ sữa hay không. Tuy nhiên, số đo cân nặng của trẻ giữa các lần có thể đạt sai số lớn, tùy theo dụng cụ cân đo được sử dụng trong mỗi lần cân, lượng quần áo trẻ mặc, thời điểm cân là khi trẻ đói hay no, đã ị hay chưa ị...
Thiếu sữa thực thụ
Thiếu sữa thực thụ có thể xảy ra vì hai lý do: mẹ ít sữa hoặc con bú kém.
Thiếu sữa thực thụ có thể xảy ra vì hai lý do: mẹ ít sữa hoặc con bú kém.
Mẹ ít sữa
- Vú không phát triển đầy đủ trong thời kỳ mang thai - điều này có thể xảy ra nếu vú mẹ không có đủ mô sản xuất sữa (tuyến tạo sữa).
- Đã trải qua phẫu thuật hay xạ trị ở vú.
- Mất cân bằng nội tiết tố.
- Dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới sản xuất sữa.
Phụ nữ từng phẫu thuật, chẳng hạn để nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực, có thể gặp khó khăn trong sản xuất đủ sữa cho con. Một số mẹ hoàn toàn không thể sản xuất sữa.
Bé bú kém
Nguyên nhân phổ biến khiến bé bú không đủ là:
- Không được bú thường xuyên, dẫn tới giảm hoặc ngừng sản xuất sữa.
- Không ngậm bắt vú đúng cách.
- Bị tách khỏi mẹ quá sớm.
- Được nuôi bằng sữa công thức.
Trong vài ngày đầu sau khi sinh, nhiều trẻ thường ngủ li bì, rất khó đánh thức và vì vậy bú được ít hơn cần thiết. Một số khác gặp khó khăn trong kiểm soát các cơ liên quan tới động tác mút và khó lòng hút đủ sữa từ bầu vú mẹ. Trẻ sinh non hay thiếu tháng cũng thường gặp khó khăn trong bú mẹ.
Cách khắc phục:
- Cho bé bú thường xuyên, đừng chờ tới khi con khóc mới cho bú. Các bé bú ít ngủ nhiều có thể ngủ quên và bỏ mất bữa bú.
- Chọn tư thế đúng khi cho con bú và giúp bé ngậm bắt núm vú đúng cách. Để bé tự quyết định khi nào thì kết thúc cữ bú.
- Cho bé bú cả hai bên trong mỗi cữ bú. Hãy để bé bú chán chê bầu vú thứ nhất, chỉ chuyển sang bầu vú thứ hai khi bé bú chậm lại hoặc ngừng hẳn.
- Nếu đã tuân thủ những điều này mà bé vẫn bú được ít thì cần tăng số lần cho bé bú hoặc tìm cách kích thích sản xuất sữa thông qua hút sữa bằng máy hoặc vắt bằng tay.
- Tránh cho bé dùng sữa công thức hay bột ăn dặm quá sớm vì điều này có thể khiến bé chán sữa mẹ, và do đó làm giảm nguồn sữa mẹ.
- Hạn chế dùng núm vú giả.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia y tế nếu bạn thấy có bất cứ nghi ngờ gì về nguồn sữa mẹ.
BS Trần Thu Thủy