24/7/15

Rèn thói quen đi vệ sinh cho trẻ tự kỷ

Các bước chuẩn bị cho trẻ  tự kỷ sẵn sàng với việc tự đi vệ sinh cũng tương tự như đối với tất cả các bé khác, nhưng trẻ tự kỷ có thể cần hướng dẫn nhiều hơn và điều chỉnh một vài bí quyết để phù hợp với nhu cầu của các bé.










Dấu hiệu cho thấy trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đã sẵn sàng cho việc rèn luyện đi vệ sinh 
  • Biết thông báo cho người lớn bé tè dầm hoặc làm dơ quần áo
  • Có khả năng làm theo những chỉ dẫn đơn gian như ‘ngồi xuống bồn cầu ’ và tự kéo quần lên/xuống.
  • Đi tiêu đều đặn
  • Tiểu tiện tự chủ ( có khả năng nhịn tiểu ít nhất một giờ vào ban ngày) 

Các bước rèn luyện cho trẻ tự kỷ đi vệ sinh

Trước tiên, cha mẹ cần hiểu rằng vấn đề cốt lõi trong việc dạy trẻ ngồi bồn cầu chính là giao tiếp và tập luyện cùng con. 

Nên coi tập ngồi bồn cầu như một chuỗi các mục tiêu nhỏ, thay vì một đích lớn. Ví dụ, hãy bắt đầu bằng cách cho bé làm quen với bồn cầu, giải thích cho bé hiểu bồn cầu dùng để làm gì và sử dụng nó thế nào. Sau đó mới tiến tới luyện cho bé ngồi bồn cầu.
  
Ngồi bồn cầu là một nhiệm vụ phức tạp, bao gồm nhiều bước nhỏ. Sẽ dễ dàng hơn cho bé nếu cha mẹ chia nhỏ nhiệm vụ này thành những phần cơ bản nhất và từng bước hướng dẫn bé thực hiện những phần này. 

Sau đây là 3 nguyên tắc chính giúp ích cho việc tập ngồi bồn cầu của trẻ tự kỷ:

Khuyến khích và khen thưởng 

Khen thưởng và củng cố tích cực có thể hỗ trợ việc tập cho trẻ ngồi bồn cầu. Trong quá trình từng bước dạy trẻ đi vệ sinh, cha mẹ nên khen thưởng kịp thời để bé phấn khởi tiếp túc học. 

Một số biện pháp động viên và khen thưởng: 
  • Dùng lời nói để khen - ví dụ: ‘Nam ngồi bô giỏi quá!’.
  • Dùng cử chỉ để khen - ví dụ vỗ tay hoan hô.
  • Cho bé chơi trò yêu thích - ví dụ trò chơi ‘đoàn tàu hỏa’
  •  Dán một hình ngộ nghĩnh vào bảng theo dõi các lần ngồi bô của bé.
  • Thưởng cho bé một đồ ăn ưa thích
Người lớn nên cố gắng đưa ra các phần thưởng đa dạng và sử dụng loại khiến trẻ tương tác tốt nhất. Trước khi bắt đầu, hãy lên kế hoạch thật tỉ mỉ về loại phần thưởng trẻ sẽ nhận được và chắc chắn bé hiểu hành vi nào xứng đáng được thưởng. Tuy nhiên, cần sử dụng phần thưởng đúng mực, tránh việc lạm dụng. 

Một số loại phần thường có tác dụng động viên đối với trẻ phát triển bình thường - chẳng hạn như dán hình, đóng dấu khen thưởng mỗi khi bé hoàn thành tốt nhiệt vụ - có thể không gây hứng thú với trẻ tự kỷ. Cha mẹ hãy cố gắng tìm ra những phần thưởng khiến bé thích thú bằng cách thử nghiệm nhiều loại phần thưởng…. ví dụ: ôm, đập tay, vỗ tay, đồ ăn, đồ chơi, trò chơi trong vài giây và quan sát phản ứng của bé. Khi bé đã tiến bộ ở một bước nào dó, hãy ngừng sử dụng đồ ăn, đồ chơi hay trò chơi làm phần thưởng. Tiếp tục khen ngợi bé bằng lời nói và cử chỉ. 

Hỗ trợ bằng tranh ảnh 

Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ thường là đối tượng học nhanh hơn bằng hình ảnh, vì thế bạn có thể hỗ trợ việc học của bé bằng tranh ảnh.

Các lịch trình bằng hình ảnh sinh động có thể giúp củng cố thói quen sử dụng nhà vệ sinh và giúp nhắc nhở việc luyện tập hằng ngày. Hãy cố gắng tạo ra một lịch trình bằng hình ảnh để tập cho con thói quen đi vệ sinh. Lịch trình bằng tranh ảnh này có thể được dán lên tường gần bồn cầu hoặc gần bô đi vệ sinh của trẻ. Lặp lại lịch trình cho trẻ 2-3 lần/ ngày. Bất kỳ ai hướng dẫn bé đi vệ sinh đều phải tuân theo thói quen này. Như vậy, việc luyện tập mới được nhất quán.

Kể chuyện

Kể chuyện giúp trẻ mắc tự kỷ phát triển hành vi và phản ứng phù hợp. Những câu chuyện này cũng có thể giúp trẻ tự kỷ vượt qua những tình huống thử thách như đi vệ sinh. 

Các câu chuyện: 
  • Những dòng chữ đơn giản đi kèm với minh họa rõ ràng
  • Những câu chuyện được kể từ góc nhìn của trẻ tự kỷ
  • Mô tả các tình huống ví dụ như đi dự tiệc sinh nhật, bắt đầu đi học hay bắt đầu học cách đi vệ sinh
  • Đưa ra thông tin cụ thể về những diễn biến trong tình huống
  • Đưa ra gợi ý giúp trẻ giải quyết tình huống
  • Giải thích lý do trẻ nên phản ứng như vậy theo một cách cụ thể .
Nếu bé chuẩn bị đi vệ sinh ở nhà người quen hoặc bất cứ nơi nào không phải nhà mình, hãy luyện tập trước câu chuyện về tinh huống mới này cho trẻ. Khi sự việc diễn ra, con bạn biết cách áp dụng câu chuyện để điều chỉnh hành vi. 

Vượt qua thử thách tự đi vệ sinh đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Rèn luyện đi toilet với một đứa trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể khó khăn hơn rất nhiều so với việc luyện cho một đứa trẻ bình thường. Đó là bởi vì trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường lặp lại các thói quen của chúng và không thích sự thay đổi. Điều này khiến cho người lớn sẽ vất vả hơn với trẻ tự kỷ khi chuyển từ chế độ đóng bỉm sang tự đi vệ sinh. 

Thử áp dụng những bí quyết sau để giúp trẻ thích nghi với việc đi toilet 
  • Cân nhắc bỏ qua giai đoạn ngồi bô nếu bé khó thích nghi với sự thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ tập luôn cho con thói quen ngồi bồn cầu với sự hỗ trợ của đệm lót bồn cầu.
  •  Sử dụng ngôn ngữ cụ thể. Ví dụ: nói “ Nam, ngồi vào bồn cầu để đi tè nào”. Cách diễn đạt này rõ ràng hơn là yêu cầu bé “ngồi vào bồn cầu” và giúp bé hiểu mình phải làm gì. 
  •  Lựa chọn một từ ngữ để nói đến việc đi vệ sinh. Hãy nhắc các thành viên trong gia đình sử dụng từ này. Ví dụ, luôn nói “ vệ sinh” hoặc “ nhà vệ sinh ” hoặc bất kỳ từ nào mà cả gia đình cảm thấy quen thuộc. Việc thường xuyên dùng các từ ngữ khác nhau để chỉ chuyện đi vệ sinh có thể làm cho trẻ bối rối. 
  • Dạy con cách báo cho người lớn biết khi nào con muốn đi vệ sinh. Để làm điều này có thể cần cả những cách ra dấu hoặc sử dụng hệ thống tranh ảnh hỗ trợ. 
  • 5 phút ngồi trong nhà vệ sinh là khoảng thời gian đủ.  Nếu bạn muốn trẻ ngồi quá lâu, bé sẽ có cảm giác mình bị phạt. Trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình huống mới và phản ứng của người khác. Vì thế hãy bình tĩnh và có thái độ tích cực với bé. 

Quá tải về cảm xúc 

Nếu bé nhà bạn có biểu hiện nhạy cảm hoặc có thái độ buồn bực với việc đi vệ sinh hãy thử các biện pháp trải nghiệm cảm xúc của trẻ. 

Ví dụ:  
  • Hãy để bé làm quen với việc ngồi bồn cầu bằng cách luyện tập mỗi ngày vài phút. Tạo không gian thoải mái cho bé- ví dụ, nếu sàn nhà lạnh, hãy đi tất chân cho con. Điều chỉnh nhiệt độ phòng tương ứng với nhiệt độ các phòng khác trong nhà
  • Sử dụng ghế để chân nếu bé cần điểm tựa khi ngồi bồn cầu
  • Sử dụng đệmbồn cầu nếu bé có cảm giác sợ bị rơi xuống bồn cầu đầy nước
  • Hãy nói với con về tiếng xả bồn cầu và giải thích tại sao lại có điều đó.
Những khó khăn trong việc rèn luyện đi vệ sinh đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Đôi khi, việc rèn trẻ tự kỷ đi vệ sinh có liên quan tới các vấn đề về hành ví dụ cảm giác sợ nhà vệ sinh, muốn đến nơi khác chứ không đi vệ sinh,  nhét đầy giấy vệ sinh và các vật dụng khác làm tắc bồn cầu, liên tục giật nước bồn cầu, dây phân lên tường và các nơi khác, không chịu đại tiện. Nếu bạn thấy mình đang gặp bất kỳ vấn đề nào trong số các vấn đề đã được nêu trên và tình trạng không cải thiện sau vài tháng thì hãy nhớ đến những điều sau:  
  • Ghi lại số lần con tè dầm hay ị đùn trong 1 tuần hoặc lâu hơn thế. Nếu tìm thấy quy luật, hãy giúp con bằng cách bế bé vào nhà vệ sinh trước thời điểm con đi tè hoặc ị ra quần.
  •  Hãy gặp bác sĩ để được tư vấn. Có thể việc vệ sinh không tự chủ của con bắt nguồn từ một nguyên nhân bệnh lý nào đó (táo bón, nhiễm trùng đường niệu)

Táo bón 

Là vấn đề rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu bé không chịu đại tiện, có thể con mắc chứng táo bón. 

Táo bón có thể là kết quả của những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe tuy nhiên, thông thường là do cơ thể trẻ không đủ nước hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ. Một vài trẻ mắc rối loạn tổ tự kỷ rất kén ăn. Đây chính là lý do bé dễ mắc táo bón. 

Cha mẹ cần chú ý rằng thói quen đi tiêu của mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Một số bé đi vệ sinh 2-3 lần/ ngày nhưng một số khác thì 2-3 ngày mới đi một lần. Nếu bạn cho rằng con đang bị táo bón, hãy đưa bé đến bác sĩ. Các chuyên gia y tế có thể giải tỏa những lo lắng của cha mẹ về tình trạng sức khỏe của con và đưa ra một số lời khuyên giúp người lớn giải quyết tình trạng táo bón của con. 

Nếu việc rèn luyện đi vệ sinh trở nên quá khó khăn và con không có dấu hiệu tiến bộ, hãy tạm thời dừng lại và bắt đầu lại sau 3 tháng. Đừng nghĩ rằng mình thất bại, có thể chỉ đơn giản là bé vẫn chưa sẵn sàng.


 Lê Mai 

Theo (Raising children)