3/1/15

Đánh giá nhanh nguy cơ chậm nói của trẻ

Để đánh giá nhanh nguy cơ trẻ sẽ chậm nói kéo dài, thay vì tập trung phân tích số lượng từ mà bé có thể nói hoặc thời điểm mà bé biết nói, hãy tự hỏi "bé giao tiếp hiệu quả hay không?".








Kiến thức về các mốc phát triển ngôn ngữ giúp cha mẹ hình dung về tiến trình phát triển của con. Tuy nhiên, trong khi trình tự (các giai đoạn) phát triển ngôn ngữ mà trẻ trải qua rất ổn định, độ tuổi chính xác khi trẻ đạt các mốc cụ thể lại dao động nhiều

Sau đây là một số câu hỏi gợi ý, giúp bạn có đánh giá ban đầu về khả năng ngôn ngữ của con (trường hợp con bạn dưới 3 tuổi và bạn không thể hiểu hoặc giao tiếp dễ dàng với bé)Cần cảnh giác nếu bạn trả lời KHÔNG cho những câu hỏi này:

1. Bé có cố gắng nói không?

Tới 12 tháng, bé phải tìm cách giao tiếp với bạn bằng lời nói. Những tiếng bi bô cũng được tính.

2. Bé có quan tâm tới những người khác và phản ứng với sự hiện diện của người khác không?

Ở nhà, khi có người ra vào phòng, bé phải nhận ra và phản ứng. Phản ứng có thể bao gồm việc mỉm cười khi nhìn thấy người thân, khóc khi mẹ rời bé hay tìm cách nhìn theo khi mẹ rời phòng. Bé phải quan tâm và nhìn ngó khi gần đó có người đang hoạt động (ăn, đọc sách, chơi đồ chơi...).

3. Bé có đều đặn học được thêm các từ mới hay không?

Một khi đã bắt đầu nói, bạn sẽ thấy bé tiến bộ không ngừng trong phát triển ngôn ngữ. Những từ đã nói được sẽ không mất đi, số lượng từ mới ngày càng tăng. Cẩn thận nếu khả năng nói của bé chững lại trong vòng vài tháng hoặc trẻ bắt đầu quên những từ đã biết.

4. Bé có phản ứng khi nghe nhạc không?

Phần lớn trẻ dưới 3 tuổi đều có phản ứng nhất định với tiếng nhạc. Nếu bé vỗ tay, đung đưa người hay tìm cách nhún nhảy, lúc lắc đầu hay tìm cách hát theo điệu nhạc thì không phải lo. Trái lại, nếu bé không làm được những điều trên thì đáng lo ngại.

5. Cách phát âm của bé có giống với cách phát âm của những người xung quanh không?

Trong khi giọng nói của mỗi người đều có đặc tính riêng, kiểu nói của bé phải phản ánh những gì bé nghe được từ những người xung quanh. Các nguyên âm mà bé phát ra không được quá lạ tai đối với bạn.

6. Bé có thường xuyên phát âm đúng các phụ âm không?

Sẽ đáng lo nếu bé phát âm các phụ âm đúng cách nhưng lại nói một số từ theo cách riêng của mình và tình trạng này không được cải thiện khi trẻ lớn lên. Ví dụ, bé thường xuyên bỏ phụ âm đầu hay phụ âm cuối của các từ hoặc luôn thay thế âm t bằng âm c (chẳng hạn bé nói “đi cắm” thay cho “đi tắm”, “con côm” thay cho “con tôm”, “cháu tên Cùng” thay cho “cháu tên Tùng”).

7. Bé có nhận ra và phản ứng với tên của mình không?

Khi bạn gọi tên, bé phải quay đầu về phía bạn hoặc nhìn thẳng vào bạn. Bé 4 tháng đã có thể làm được điều này. Hãy cẩn thận nếu đến sinh nhật lần đầu mà bé vẫn chưa làm được như vậy.

8. Bé dùng lời nói nhiều hơn cử chỉ?

Phương pháp giao tiếp cơ bản của bé không thể là cử chỉ động tác. Khi lên 2 tuổi, bé phải dùng lời nói nhiều hơn cử chỉ.

9. Những người khác có hiểu bé không?

Cha mẹ bao giờ cũng hiểu ngôn ngữ của con tốt hơn so với người ngoài. Nếu thỉnh thoảng bạn vẫn phải phiên dịch cho mọi người thì không sao. Nhưng nếu bé đã 3 tuổi mà người xung quanh luôn cần bạn làm phiên dịch thì có lý do để lo ngại.

10. Bé dã bắt đầu ghép các từ thành câu chưa?

Khoảng 2 tuổi, bé phải biết ghép các từ với nhau một cách có ý nghĩa. Bé có thể nói “không cơm” khi không muốn ăn cơm hoặc nói “bé chơi” khi muốn được ra ngoài chơi. Hãy cẩn thận nếu đến 3 tuổi mà bé chưa làm được điều này.

11. Bé có biết bắt chước không?

Cẩn thận nếu bé chưa từng bắt chước âm thanh hay động tác. Bé dưới 3 tuổi thường có thể bắt chước tiếng mèo kêu meo meo, tiếng chó sủa gâu gâu, bắt chước cha mẹ chơi ú òa hay vẫy tay bai bai và vỗ tay theo mọi người.

12. Bé rất ít bị nhiễm trùng tai?

Nếu bé thường xuyên bị viêm tai hoặc viêm tai được phát hiện muộn thì có khả năng thính giác bị ảnh hưởng. Chấn thương tai (một bên hoặc hai bên) cũng cần được quan tâm.

Một số dấu hiệu giả có thể khiến cha mẹ lo lắng 

1. Bé có anh chị lớn 

Đôi khi anh chị thường nói thay lời cho em và khiến bạn nghĩ bé nói chậm, trong khi thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm lu mờ sự chậm trễ có thực. Cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện riêng với bé để biết rõ khả năng giao tiếp của con.

2. Bé được sinh đôi, sinh ba

Trẻ sinh đôi, sinh ba có xu hướng bị rối loạn phát triển ngôn ngữ nhiều hơn so với trẻ sinh một. Đôi khi điều này là đáng lo ngại nhưng đôi khi lại không. Nguyên nhân của sự chậm trễ có thể là do các bé thường hay nói chuyện riêng với nhau, bằng lời nói hoặc ngôn ngữ tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể. Trẻ thường hiểu nhau rất nhanh, khiến ngôn ngữ chậm phát triển. Bên cạnh đó, cha mẹ của trẻ sinh đôi thường quá bận rộn, không có nhiều thời gian và sự chú ý cho từng bé. Trong một số trường hợp, một trẻ sinh đôi có thể nói thay cho trẻ kia, làm giảm nhu cầu nói của bé ít lời hơn.

3. Người trong gia đình hoặc ở trường nói hai thứ tiếng hoặc nhiều hơn

Trẻ thường xuyên tiếp xúc với hai ngôn ngữ có thể nói chậm hơn. Đây không phải là dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ. Cha mẹ cần hiểu rằng bé đang phải làm công việc nặng gấp đôi và vì vậy cần nhiều thời gian hơn để phát triển kỹ năng giao tiếp. Nuôi trẻ trong môi trường đa ngôn ngữ mang lại rất nhiều lợi ích, vì vậy cha mẹ không nên tránh hai ngôn ngữ chỉ vì muốn bé nói được nhiều hơn và sớm hơn.

4. Bé nói lắp

Đa số tình trạng nói lắp xuất hiện khi trẻ chưa được 3 tuổi, đây là điều hoàn toàn bình thường trong sự phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên cha mẹ cần lo lắng nếu tình trạng nói lắp của con kéo dài hơn 6 tháng hoặc nếu khi nói lắp trẻ thể hiện quá nhiều cảm xúc ở mặt.

Tiên lượng tốc độ phát triển ngôn ngữ ở trẻ chậm nói 

Tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc vào một số yếu tố như: năng khiếu ngôn ngữ, các kỹ năng khác mà trẻ đang có, thời lượng và loại ngôn ngữ trẻ được nghe, cách mọi người đáp ứng với những cố gắng giao tiếp của trẻ. Vì vậy rất khó nói chắc chắn bé sẽ đạt mốc này hay mốc kia vào thời điểm chính xác nào.

Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, các nhà chuyên môn có thể dự đoán liệu một trẻ chậm nói ở độ tuổi 18-30 tháng, với trí tuệ bình thường, sẽ thoát khỏi tình trạng chậm nói sau một thời gian hay sẽ tiếp tục gặp rắc rối về ngôn ngữ. Các yếu tố này bao gồm: 

- Ngôn ngữ tiếp nhận
  • Ngôn ngữ tiếp nhận hay khả năng hiểu ngôn ngữ thường xuất hiện trước khi trẻ có thể diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ. 
  • Một số nghiên cứu theo dõi trẻ chậm nói ở độ tuổi 18-30 tháng cho thấy, sau một năm, ngôn ngữ tiếp nhận đã trở về bình thường ở nhóm chậm nói đơn thuần, và vẫn bất thường ở nhóm trẻ có rối loạn phát triển ngôn ngữ thực thụ.
  • Như vậy chậm phát triển ngôn ngữ tiếp nhận trong một thời gian dài là tín hiệu xấu, tiên lượng khả năng trẻ tiếp tục bị chậm phát triển ngôn ngữ. 
- Sử dụng các cử chỉ 
  • Một nghiên cứu cho thấy ở nhóm trẻ chậm nói, với ngôn ngữ diễn đạt kém, số lượng cử chỉ mà trẻ sử dụng để diễn đạt ý muốn có thể giúp tiên lượng khả năng ngôn ngữ sau này.
  • Trẻ sử dụng nhiều cử chỉ vì các mục đích giao tiếp khác nhau sẽ có cơ hội đuổi kịp bạn cùng lứa cao hơn.
  • Kết quả này được củng cố bởi phát hiện cho thấy ở độ tuổi lớn hơn, việc dạy cho trẻ học cách giao tiếp không bằng lời nói có thể giúp làm tăng khả năng giao tiếp bằng lời nói.   
- Độ tuổi được chẩn đoán
  • Một số nghiên cứu cho thấy trẻ được chẩn đoán càng muộn thì tiên lượng càng xấu.
- Sự tiến triển của quá trình phát triển ngôn ngữ

Trẻ chậm đạt các mốc phát triển ngôn ngữ vẫn phải đều đặn học được những điều mới, ít nhất là hàng tháng. Những tiến bộ trong phát triển ngôn ngữ dự báo tiên lượng tốt hơn:
  • Trẻ có thêm từ vựng mới.
  • Các từ cũ được dùng theo nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ từ “bình sữa” một ngày nào đó sẽ phải trở thành “Đây là bình sữa của con”, sau đó là “ Cho con cái bình sữa”, và tiếp theo là “Bình sữa của con đâu? Sao con không thấy”.
  • Các từ có thể được kết nối thành những câu dài hơn (ví dụ ban đầu là “bình sữa”, tiếp theo là “muốn bình sữa” hoặc “không muốn bình sữa”). 
  • Các câu dài xuất hiện thường xuyên hơn.

Các dấu hiệu chậm phát triển giao tiếp xã hội 

Đôi khi chậm phát triển ngôn ngữ có thể đồng hành cùng chậm phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu thấy sự phát triển của bé chậm hơn so với lứa tuổi hoặc nếu bé có các biểu hiện sau:  
  • Không thích được ôm ấp như những bé khác.
  • Không mỉm cười đáp lại bạn.
  • Không nhận ra sự hiện diện của bạn trong phòng.
  • Không nhận ra một số âm thanh (ví dụ có vẻ bé nghe được tiếng còi ô tô hay tiếng mèo kêu nhưng không phản ứng khi bạn gọi tên bé).
  • Hành xử như bé đang ở thế giới riêng của mình.
  • Thích chơi một mình, có vẻ như cắt bỏ liên hệ với những người khác.
  • Không quan tâm tới đồ chơi nhưng lại thích chơi với các vật dụng trong nhà.
  • Đặc biệt quan tâm tới những đồ vật mà trẻ cùng lứa tuổi không quan tâm (ví dụ thích mang đèn pin hay bút bi đi khắp nơi nhưng không thích thú bông, không có chiếc gối ôm đặc biệt yêu thích).
  • Có thể đọc các chữ cái abc, các con số hay nhại theo các bài hát quảng cáo trên tivi nhưng không thể dùng từ để hỏi điều mình muốn.
  • Có vẻ không biết sợ điều gì.
  • Có vẻ không biết đau như những trẻ khác.
  • Dùng từ ngữ hay câu nói không phù hợp với hoàn cảnh hoặc thích nhắc lại lời thoại của quảng cáo trên TV.

Nói chậm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau (như các bệnh lý về thính lực hoặc cơ) hoặc là một phần của các bệnh lý như khó học, tự kỷ. Trong mọi trường hợp, việc đánh giá, chẩn đoán và điều trị kịp thời là điều kiện mấu chốt mang lại cho trẻ tiên lượng tốt nhất.