PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên, học viên. |
Tham dự khóa tập huấn có đại diện 17 đơn vị đến từ các khoa phòng của Bệnh viện Nhi Trung ương và đại diện Tổng cục an ninh Bộ Công an. Giảng viên chính là Tiến sĩ Anne Smith, Giám đốc y tế Trung tâm Dịch vụ Nhi khoa Tư pháp thuộc Bệnh viện Hoàng gia Melbourne, cơ sở nhi khoa chuyên về khám lâm sàng tư pháp và đánh giá trẻ em nghi ngờ bị bạo hành. Việc giảng dạy diễn ra theo hình thức tương tác 2 chiều giữa giảng viên Australia và học viên Việt Nam.
Bà Anne Smith chia sẻ: “Chúng tôi rất vui được có mặt ở đây và chia sẻ cùng các đồng nghiệp Việt Nam một số kiến thức và cách tiếp cận hiện đại về đánh giá trẻ bị bạo hành/xâm hại. Học viên đã thực hiện một số bài tập tình huống liên quan tới các chủ đề: gãy xương ở trẻ bị bạo hành; chấn thương đầu ở trẻ nhũ nhi do bị ngược đãi/lạm dụng; phân tích các ca bệnh cụ thể trên thực tế lâm sàng…”.
Các học viên tỏ ra rất hào hứng vì tính thực tế và hiệu quả của khóa học. Lớp tập huấn đã giúp họ làm quen với cách tiếp cận, phát hiện và xử trí trẻ bị bạo hành/xâm hại cũng như cách viết báo cáo các ca bệnh thực tế. Những hiểu biết này góp phần nâng cao năng lực cho bác sỹ tại các khoa phòng trực tiếp tham gia điều trị và xử trí trẻ bị ngược đãi/xâm hại.
Hoạt động của Ban chỉ đạo Dịch vụ y tế khẩn cấp dành cho trẻ em bị ngược đãi/xâm hại Bệnh viện Nhi Trung ương
Thành lập năm 2011, với 21 thành viên là các khoa lâm sàng (phòng khám, khoa cấp cứu lưu, khoa điều trị tích cực, khoa ngoại, khoa tâm bệnh, khoa tai mũi họng), phòng bảo vệ và các phòng ban chức năng, Ban chỉ đạo của Viện đảm bảo tiếp nhận, điều trị và tư vấn các nạn nhân nghi ngờ bị xâm hại một cách hiệu quả nhất.
Các hoạt động cụ thể của Ban chỉ đạo:
- Lập sơ đồ sàng lọc, giúp nhân viên y tế đánh giá nhanh nguy cơ bị xâm hại của trẻ, phát hiện sớm các trường hợp bị xâm hại.
- Xây dựng qui trình thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp: hướng dẫn cách tiếp nhận từ khi nạn nhân tới phòng khám đến khi được điều trị tại các khoa phòng. Nhờ quy trình này trẻ được thăm khám và điều trị một cách toàn diện nhưng không bị hỏi lặp đi lặp lại về việc bị xâm hại, tránh gây tổn thương tâm lý.
- Đề ra tiêu chí nhập viện cho trẻ bị xâm hại đến khám tại bệnh viện.
- Phát hành sách Hướng dẫn thực hành hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em bị xâm hại/sao nhãng.
- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức cho nhân viên y tế trong bệnh viện thông qua các buổi giao ban bệnh viện với sự hướng dẫn của các chuyên gia tình nguyện từ Australia và Tây Ban Nha, các buổi tập huấn nhóm và tập huấn theo chuyên đề tại một số khoa.
- Tiến hành nghiên cứu tỉ lệ xâm hại trong số các trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong năm 2012.
- Tiến hành hội thảo “Phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em” vào tháng 12/2009 và hội thảo “Thúc đẩy hợp tác liên ngành phòng chống xâm hại trẻ em” vào tháng 2/2011.
Ban chỉ đạo của Viện cũng đã phối hợp cùng các ban ngành khác như Cục bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động thương binh xã hội, Hội phụ nữ Việt nam (gửi một số trẻ bị xâm hại nhưng chưa thực sự an toàn khi trở về nhà đến ở tại ngôi nhà tình thương), Công an phường Láng Hạ và công an các địa phương (nghi ngờ người gây bạo hành với trẻ có tính chất tội phạm).
Nhờ những nỗ lực toàn diện và liên tục, Dịch vụ y tế khẩn cấp dành cho trẻ em bị ngược đãi/xâm hại tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã mang lại kết quả tích cực. Trong thăm khám bệnh hàng ngày, các bác sĩ đã chú ý hơn đến việc đánh giá các dấu hiệu nghi ngờ bị xâm hại ở trẻ. Nhận thức và kiến thức của nhân viên y tế về thăm khám, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân nghi ngờ bạo lực đã được nâng cao. Đã có sự phân công trách nhiệm và phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm chuyên môn, tư vấn và cộng đồng, đảm bảo nạn nhân được chăm sóc tốt nhất và toàn diện nhất. Công tác thống kê, lưu trữ thông tin tốt hơn đã hỗ trợ hiệu quả cho công an, tòa án khi cần thiết.
PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo các dịch vụ y tế khẩn cấp dành cho trẻ em tại bệnh viện, cho biết:
“Trong những năm tới bệnh viện Nhi Trung ương sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để làm việc với các ban ngành có liên quan như Vụ Bảo vệ bà mẹ và trẻ em - Bộ Y tế; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và chủ động hợp tác quốc tế để phát triển những dự án cụ thể nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cũng như truyền thông cho hoạt động này tại Việt Nam”. |
TS. Đỗ Mạnh Hùng, ThS. Đỗ Minh Loan