18/7/14

Táo bón ở trẻ dưới một tuổi

Táo bón có lẽ là vấn đề rắc rối hay gặp nhất và gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh có con dưới một tuổi. Bình thường, khi thức ăn đã tiêu hoá đi dọc theo ruột, các chất dinh dưỡng và nước được hấp thu, chất thải trở thành phân. 







Để phân mềm, cần hội đủ hai điều kiện: lượng nước nằm lại trong phần chất thải là vừa đủ, các cơ của ruột già và trực tràng co giãn để đẩy phân dọc theo ruột ra ngoài. Sự rối loạn một trong hai cơ chế này - quá ít nước hoặc nhu động ruột kém - đều có thể gây táo bón.

Khi nào có thể nói bé bị táo bón?

Cơ thể mỗi người vận hành theo quy cách riêng. Ở trẻ nhỏ, khi các bé không ngừng học hỏi để thích nghi với môi trường sống hoàn toàn mới lạ, điều này càng thể hiển rõ nét. Mỗi bé sẽ chọn một cách riêng để thích nghi và tồn tại. Cũng giống như khi học sinh được giao bài về nhà, em thì chọn cách nhẩn nhơ mỗi ngày làm một chút, em lại đợi đến sát ngày phải nộp bài mới 'vắt chân lên cổ'. Các bé cũng vậy, mỗi bé sẽ tự quyết định chọn cho mình thời hạn thích hợp để đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Một khi phân đi ra ngoài mềm, không rắn, không gây chảy máu hậu môn thì không gọi là táo bón. Vì vậy nếu đến ngày thứ hai, thứ ba bé chưa đi ngoài cũng đừng vội kết luận bé bị táo bón và can thiệp không cần thiết.




Thông thường, trẻ sơ sinh đi ngoài vài lần mỗi ngày, phân mềm, sền sệt, nhất là ở trẻ bú mẹ. Trẻ nuôi bộ thường đi ngoài ít lần hơn, phân cứng hơn và sẫm màu hơn. Khi bắt đầu ăn dặm, phân sẽ có khuôn hơn và số lần ít hơn. Trong sữa mẹ có các chất nhuận tràng nên nếu bà mẹ có chế độ ăn hợp lý, nhiều nước và nhiều chất xơ thì các bé ít khi bị táo bón. Trái lại, các bé dùng sữa công thức thường gặp phải vấn đề rắc rối này hơn.

Việc đánh giá tình trạng táo bón được dựa trên tính chất phân chứ không phải số lần đi ngoài. Táo bón được coi là hiện tượng đi ngoài phân cứng và không thường xuyên. Nhưng như thế nào là không thường xuyên? Hãy xem xét các ví dụ sau:

- Bé Nấm "khuôn khổ" thường đi ngoài đều đặn vào các buổi chiều, phân mềm. Rồi một lần, bỗng nhiên bé không đi ngoài nữa, 3 ngày trôi qua mà vẫn không có gì. Bây giờ bé được coi là đi ngoài không thường xuyên.

- Bé Bông "thích tự do" lại là con người ưa thay đổi, khó lường trước. Khi thì 2 ngày bé đi một lần, lúc lại 3 ngày… và phân luôn mềm. Trong trường hợp này, có thể phải đợi 5-7 ngày không có phân ta mới nói bé đi ngoài không đều.

- Cu Tý "lỳ lợm" ba tháng tuổi suốt 10 ngày không đi ngoài, tới ngày thứ 11 cậu chàng lại bĩnh tung toé đầy 3 cái tã!!! Trường hợp này, bác sĩ sẽ không đặt chẩn đoán táo bón cho cu Tý. Cậu bé vẫn khoẻ mạnh, vui tươi, không chớ, không sốt, bụng mềm hoàn toàn, không có các khối cứng. Chỉ đơn giản là cu Tý quyết định chọn lịch trình đi ngoài của riêng mình!

Học cách nhận biết thói quen vệ sinh của con 

Để có thể xác định tốt nhất việc bé đi ngoài có thường xuyên hay không, bạn nên ghi chép hoặc đánh dấu vào một cuốn lịch để tiện theo dõi. Ở độ tuổi 3-4 tháng, các bé thường tự điều chỉnh lịch trình đi ngoài. Sẽ không có gì lạ nếu bé trước đó vẫn đi ngoài bình thường nay dừng lại vài ngày không đi. Những thay đổi này cũng thường xuất hiện ở độ tuổi 6 tháng khi bắt đầu cho bé ăn dặm. Nếu thấy bé ăn ngủ bình thường, không quấy khóc, không nôn chớ, bụng mềm thì cần tiếp tục theo dõi. Hãy kiên trì, chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường ở bé. Có thể bé phải mất cả tuần để trở lại lịch trình bình thường. Trong lúc chờ đợi, hãy áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Khi bé đi ngoài trở lại, hãy so sánh các tiêu chí sau để xem bé thực sự bị táo bón hay đang điều chỉnh lịch trình. Nếu bạn trả lời có cho những câu hỏi dưới đây, hãy bắt tay vào điều trị:
  • Phân bé cứng, có nhiều cục nhỏ như phân dê. 
  • Lịch đi ngoài của bé đột nhiên thay đổi. Bé đột ngột không đi ngoài không có lý do gì. 
  • Phân có lẫn vệt máu bên ngoài, biểu hiện của rách hậu môn. 
  • Bé quấy khóc bất thường. Bé thôi quấy sau khi đi ngoài ra rất nhiều phân. 

Cnh giác vi lng rut

  • Mt đon rut chui vào đon rut khác, khiến cho rut b tc. 
  • Bnh hay xy ra  bé trai 5-10 tháng tui. 
  • Bé đt nhiên đau bng, co chân lên tn ngc. Triu chng này thuyên gim ri li xut hin tr li, tn sut ngày càng ln hơn. 
  • Bé có th đi ngoài ra máu ln nhy, nôn, bng chướng căng. 
  • Cn đưa đi khám bác sĩ ngay.



Chứng khó đi ngoài ở trẻ em 

Ở độ tuổi 0-6 tháng, bé có thể mắc chứng khó đi ngoài. Bé kêu khóc nhăn nhó một lúc lâu (20-30 phút), mặt đỏ bừng rồi mới đi ngoài ra phân mềm, không có máu. Nỗi kinh hoàng này có thể xuất hiện vài lần mỗi ngày, khiến trẻ mệt mỏi và bố mẹ hoang mang lo lắng.

Điều khác biệt chủ yếu giữa trẻ thường xuyên táo bón và trẻ mắc chứng khó đi ngoài là phân của trẻ mắc chứng khó đi ngoài vẫn mềm. Thăm khám thấy bé vẫn khoẻ mạnh, vui vẻ, phát triển bình thường, tăng cân đều, ngủ tốt, không chớ nhiều. Bạn đừng quá lo lắng, không có gì nguy hiểm đâu. Bé đang "khổ công" học cách vận hành cơ thể, học cách đẩy phân ra ngoài một cách hiệu quả đấy. Muốn vậy, bé phải biết cùng lúc vừa tăng áp lực trong ổ bụng vừa giãn cơ vùng đáy chậu. Điều này không dễ dàng tí nào và bé cần tập luyện. Khi khóc, bé đang cố gắng làm tăng áp lực trong ổ bụng, ép phân xuống để tống ra ngoài. 

Nếu bác sĩ chẩn đoán là bé mắc chứng khó đi ngoài, cách tốt nhất là chờ đợi. Chứng bệnh này thường kéo dài 1-2 tuần, đôi khi có thể dài hơn, và sẽ tự qua đi. Nghiên cứu của Mỹ công bố năm 2002 cho thấy những cố gắng điều trị bằng viên đạn hoặc kích thích trực tràng bằng cặp nhiệt độ không giúp giảm hiện tượng này. Hãy cho bé thời gian. Một khi đã thiết lập được thói quen, bé sẽ không rên rỉ nữa. Nếu điều này vẫn làm bạn băn khoăn, hãy cho bé ngồi vào chậu nước ấm, hay giữ bé ở tư thế các bà mẹ hay xi con cho chân ép vào bụng để bé dễ đi ngoài hơn. 

Táo bón ở trẻ bú mẹ hoàn toàn 

Sữa mẹ chứa chất nhuận tràng tự nhiên khiến trẻ ít khi bị táo bón. Thông thường, trẻ bú mẹ hoàn và bú đủ no (đủ sữa cuối cữ) phải đi ngoài hàng ngày, hoặc ít ra là hai ngày một lần. Tuy nhiên, việc đi ngoài không thường xuyên không nhất thiết là dấu hiệu của táo bón. Hai khả năng có thể xảy ra:

- Thứ nhất, bé không phải là đứa trẻ đi ngoài hàng ngày. Có thể bé thuộc loại đi ngoài 2 -3 ngày một lần, tính chất phân mới là yếu tố quyết định. 

- Thứ hai, có thể bé đói do chưa bú đủ lượng sữa cuối cữ. Trường hợp này, bạn đừng buồn, không phải sữa của bạn kém chất lượng đâu. Bé đói là do kỹ thuật, tư thế và thời gian cho con bú của bạn chưa được hoàn hảo thôi. 

Thông thường, nếu bé đi tè đều đặn, bạn có thể yên tâm là bé được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên điều này chỉ nói lên rằng bé đã bú đủ lượng sữa đầu cữ (loại sữa trong, nghèo chất béo và năng lượng, tiết ra ngay đầu cữ bú). Bạn không thể biết bé có nhận đủ sữa cuối cữ (loại sữa đặc hơn, nhiều chất béo và năng lượng hơn, được tiết ra vài phút sau khi bé bắt đầu bú) hay không. 

Sự mất cân bằng sữa đầu cữ và sữa cuối cữ có thể khiến trẻ đi ngoài không thường xuyên, bị chứng đau bụng, đi ngoài khó khăn, phân xanh, nhiều nước và nổi bọt. Bé tăng cân chậm (sự tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy bé đã bú đủ). Chỉnh sửa kỹ thuật cho con bú sẽ giúp cải thiện tình hình. Hãy cho bé bú mẹ đủ dài để được nhận đủ lượng sữa giàu chất dinh dưỡng, điều này giúp bé phát triển bình thường. 

Khi bé được 6 tháng và bắt đầu ăn dặm, thói quen vệ sinh có thể có những thay đổi. Bạn không nên lo lắng quá. Hãy kiên nhẫn và cho bé uống đủ nước. Cơ thể bé sẽ tự biết sắp xếp và đưa mọi thứ trở về trật tự.

Điều trị táo bón cho trẻ tại nhà

Chế độ ăn: 
  • Chú ý cho bé uống đủ nước. Cần pha sữa công thức đúng tỷ lệ, ít nước quá có thể dẫn đến táo bón, còn nhiều nước quá có thể gây suy dinh dưỡng. 
  • Cho trẻ ăn bữa nhỏ, chia thành nhiều bữa, tạo điều kiện cho ruột tiêu hoá sữa tốt hơn. Tốt nhất là chia đôi từng bữa sữa và tăng số lần ăn lên gấp đôi. 
  • Quan sát kỹ, khi nào thấy bé có biểu hiện muốn đi ngoài như nhăn mặt, rên rỉ, rặn… thì nhanh chóng dùng các biện pháp hỗ trợ để giúp bé đi ngoài dễ dàng. 
Nước quả 



Việc tiếp theo bạn có thể thử khi bé bị táo bón là thêm nước mận pha loãng vào bình sữa của bé hoặc hoà với sữa mẹ đã được vắt ra bình. Ví dụ:   
  • Với trẻ dưới 4 tháng: dùng 10-20ml nước mận, hoà với sữa theo tỷ lệ 1:6, uống 1 lần/ngày sẽ giúp phân mềm ra. Ở lứa tuổi này nên thận trọng khi dùng nước mận. 
  • Với trẻ trên 4 tháng, hoà 30 ml nước mận với 120 ml sữa công thức hoặc sữa mẹ (tỷ lệ 1:4), cho bé uống 1-2 lần/ngày tới khi đi ngoài bình thường. 
  • Nếu bé không thích sữa pha với nước mận thì bạn có thể cho bé uống nước mận pha loãng riêng, theo tỷ lệ nước mận/nước lọc từ 1:4 đến 1:2. 
Vì nhiều bé không thích vị nước mận nên với bé trên 6 tháng, hãy thử dùng nước táo mận hoặc dùng nước táo thay thế. Tuy không tác dụng nhanh như nước mận nhưng nếu kiên trì sử dụng nó vẫn đem lại kết quả.

Mát xa 



- Dùng đầu ngón tay của bạn nhẹ nhàng xoa bụng của bé theo chiều kim đồng hồ, ấn nhẹ ở phía bên phải. Bụng mềm là tốt, bụng cứng là biểu hiện của táo bón. Thực hiện động tác này 5-10 phút. Nếu bụng chướng cần đưa bé đi khám bác sĩ.


- Nắm hai chân của bé ở phần mắt cá rồi di chuyển như khi bé đạp xe đạp. Động tác này làm tăng áp lực cơ bụng lên ruột, giúp bé đi ngoài dễ hơn. Thực hiện động tác này 5-10 phút. 

- Bế bé quanh nhà trong tư thế ngồi xổm (đặt bé lên cánh tay của mình, chân bé gập vào bụng, ngồi chồm hỗm như con nhái). Tư thế này làm tăng áp lực lên trực tràng, giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn. 

Nên thực hiện các biện pháp này trước bữa ăn, nhiều lần trong ngày. Nếu bé vẫn không chịu đi, bạn có thể thử biện pháp sau: 

- Mát xa cho bé trong bồn tắm: phương pháp này gây phiền toái cho việc dọn dẹp nhưng khá hiệu quả ở một số bé. Ngâm mình bé trong chậu nước tắm sao cho nước ngập ngang ngực. Nhẹ nhàng mát xa vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Nước làm bé thư giãn. Khi thấy bé có biểu hiện muốn rặn, hãy nâng cao 2 chân của bé và ép về phía bụng. Chờ một lát và chuẩn bị tinh thần thu dọn đống bùn trong bồn tắm nhé. Bạn có thể thực hiện bài tập này mỗi ngày một lần. 

- Ngoài ra, khi thay tã, hãy nhẹ nhàng lau tròn xung quanh hậu môn, động tác này cũng giúp kích thích bé đi ngoài.

Nếu cảm thấy không yên tâm về tình trạng của bé, hãy đưa con đi khám bác sĩ nhi khoa để không bỏ sót các bệnh lý khác. 

Bs Trần Thu Thủy