9/7/14

Có nên quấn tã cho bé sơ sinh?


Quấn tã là một tập quán hết sức lâu đời mang tính toàn cầu.  Các nghiên cứu khảo cổ cho rằng, tập tục này bắt đầu hình thành từ 4000 năm trước công nguyên ở khu vực Trung tâm châu Á.







Người xưa quấn tã 


Bức tranh Đức mẹ và Chúa hài đồng (1319) của họa sĩ Ambrogio Lorenzetti mô tả Chúa hài đồng được quấn trong một dải băng dài màu trắng.


Trong bức tranh Các quý bà Cholmondeley (1600-1610), hai phụ nữ quý tộc ôm hai bé được quấn trong tã từ đầu tới chân. 



Trong suốt chiều dài lịch sử, các bà mẹ vẫn luôn bọc con trong tã. Tới thế kỷ 17, quan niệm khoa học về việc quấn tã bắt đầu thay đổi. Một trong những nguyên nhân khiến người ta lo ngại là các vú nuôi quấn chặt trẻ trong tã rồi sao nhãng việc tắm rửa, bế ẵm. Một số nhà khoa học bắt đầu lên tiếng phản đối việc quấn tã, họ cho rằng việc bó chặt trẻ trong tã sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của các bé. Ý kiến của họ ban đầu đã vấp phải sự phản đối gay gắt của xã hội, nhưng cũng dần có được chỗ đứng, trước tiên là ở Anh, rồi sau đó lan ra các nước Tây Âu khác. Bác sĩ William Cadogan (1711-1797) là một trong những người công khai chỉ trích việc quấn tã. Theo ông, trẻ bị quấn quá chặt khiến ruột bị chèn ép, tứ chi do không được vận động sẽ trở nên yếu ớt, cơ thể mất khả năng chịu áp lực lớn….

Tới thế kỷ 18, ngày càng nhiều thầy thuốc và triết gia ủng hộ việc loại bỏ tã và tập quán này đã dần mất đi chỗ đứng ở phương Tây. Tuy nhiên, nhiều nền văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam, vẫn duy trì thói quen này.

Và chuyện quấn tã ngày nay

Quấn tã đang tìm lại chỗ đứng tại các nước phương Tây. Nó được coi là một phương tiện hữu hiệu để làm dịu tiếng khóc của trẻ, giúp các bé ngủ lâu hơn, ít thức giấc hơn. Theo các số liệu thống kê, quấn tã đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Mỹ, Anh và Hà Lan. Điều tra tại Anh  cho thấy 19,4% các bé được quấn tã vào ban đêm.

Tuy nhiên, kỹ thuật quấn tã đã thay đổi, kiểu quấn tã cổ điển trong đó các bé được bó chặt, chây tay duỗi thẳng, ép sát vào mình không được khuyến cáo nữa. Theo các chuyên gia y tế, chỉ nên quấn chặt hai tay của bé, còn hai chân cần được để lỏng, cho phép bé cử động, co duỗi thoải mái. Điều này giúp làm giảm nguy cơ trật khớp háng có thể gặp ở những bé bị quấn chặt 2 chân ở tư thế duỗi thẳng. Cha mẹ có thể lựa chọn chỉ quấn tã khi bé ngủ, còn khi thức thì để bé tự do.

Ngủ ngon hơn, ít khóc hơn

Các nghiên cứu cho thấy, bé quấn tã ngủ ngon hơn khi nằm ngửa, không bị lật sấp (giảm nguy cơ đột tử) và ít thức giấc vì phản xạ Moro (còn gọi là phản xạ giật mình).


Từ đầu những năm 1990, giới y khoa đã khuyến cáo các bà mẹ
đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ nhằm giảm bớt tỷ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Phản xạ Moro là phản xạ tự nhiên xuất hiện ở trẻ sơ sinh, mất đi khi trẻ được 4-5 tháng tuổi. Đó là một phản xạ hết sức kỳ lạ của con người, nó thể hiện nỗi sợ hãi vô căn về khả năng bị rơi. Khi bị thay đổi độ cao đột ngột, bé giật mình, hai cánh tay giang rộng, duỗi thẳng, bàn tay xòe ra. Sau đó bé co tay lại, ôm vào trong như muốn bấu víu vào không trung để khỏi bị rơi, đầu gối thu về phía ngực. 

Phản xạ Moro không chỉ xuất hiện khi cơ chế thăng bằng bị kích thích đột ngột như trong trường hợp nói trên. Nó có thể bị kích hoạt khi bất cứ cơ quan cảm thụ nào của trẻ bị kích thích quá mức, chẳng hạn như ánh sáng gay gắt, tiếng động mạnh, sự đụng chạm bất ngờ… 

Phản xạ Moro ở bé sơ sinh đang ngủ.

Quấn tã làm giảm sự xuất hiện của phản xạ Moro, và nhờ đó bé ngủ sâu hơn, dài hơn. Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nhi khoa của Mỹ tháng 10/2006 cũng cho thấy việc quấn tã giúp các bé dưới 8 tuần tuổi ít khóc hơn. 

Nhiều thầy thuốc tin rằng khi còn trong bụng mẹ, các bé đã quen với một môi trường chật hẹp, lúc chào đời, bé sẽ cảm thấy chống chếnh nếu chân tay thả lỏng.

Chuyên gia về giấc ngủ trẻ em, bác sĩ nhi khoa người Mỹ Jeffrey Hull, giải thích: "Thời kỳ bào thai, bé nằm gọn trong tử cung, tay chân gập sát vào người. Trong tư thế này, các cơ quan cảm thụ của cơ và khớp được nghỉ ngơi. Nghĩa là những thông tin về thay đổi tư thế không được gửi tới não. Khi chào đời, chân tay có thể ngọ nguậy và một lượng thông tin vô cùng lớn tràn tới não. Tất cả những "ồn ào" này có thể trở nên quá tải đối với bé. Việc bế bé trong tư thế "bào thai" cũng sẽ giúp trấn an bé giống như khi quấn tã". BS Hull kết luận: "Quấn tã giúp cho hệ thần kinh của bé được yên tĩnh, và ngôi nhà của bạn cũng vậy".



BS Trần Thu Thủy