14/5/15

Rối loạn ăn uống ở trẻ vị thành niên

Rối loạn ăn uống mức độ nặng nhẹ khác nhau đều là những vấn đề bệnh lý và tâm lý nghiêm trọng. Nếu bạn lo lắng về thói quen ăn uống của con, hãy tìm kiếm một số dấu hiệu báo động rối loạn ăn uống và giúp con thoát khỏi tình trạng này.








Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống là bệnh lý tâm thần nghiêm trọng. Những rối loạn thường gặp là:
  • Chán ăn tâm thần: trẻ nhịn ăn để giữ cân nặng ở mức thấp nhất có thể.
  • Ăn vô độ tâm thần: trẻ ăn rất nhiều xong lại tìm cách loại bỏ thức ăn, ví dụ nôn ra hết hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
  • Chứng ăn nhiều: trẻ có nhu cầu ăn rất nhiều nhưng không cần loại bỏ thức ăn.
Bên cạnh các bệnh lý rối loạn ăn uống nặng nề kể trên, ở một số trẻ, việc ăn uống có thể bị rối loạn nhưng mức độ nhẹ hơn và không thường xuyên. Các trẻ này cũng cần được điều trị kịp thời để không chuyển sang tình trạng rối loạn ăn uống nặng.


Các dấu hiệu báo động tình trạng rối loạn ăn uống

Nếu bạn để ý thấy con thay đổi các thói quen ăn uống, tâm trạng và hành vi, đặc biệt liên quan đến việc ăn, bạn cần chia sẻ với con và tìm đến bác sĩ tư vấn càng sớm càng tốt. Các cuộc thảo luận cần được diễn ra một cách bình tĩnh và không phê phán. Nhấn mạnh rằng điều bạn quan tâm là sức khỏe và sự phát triển của trẻ, chứ không phải là cân nặng và hình thức của chúng.

- Thức ăn và các thói quen ăn uống 

Bạn cần chú ý các dấu hiệu sau ở con:
  • Chuẩn bị đồ ăn cho người khác nhưng không ăn
  • Cắt giảm khẩu phần ăn hoặc bộc lộ các dấu hiệu ăn uống kiêng khem
  • Bỏ ăn vặt sau đó bỏ ăn nhóm thực phẩm chính như thịt hay sữa.
  • Giảm cân hoặc tăng hay giảm cân, ghi nhớ rằng một người không nhất thiết phải gầy mới mắc bệnh rối loạn ăn uống (thực tế cho thấy, việc trẻ thanh thiếu niên béo phì giảm cân nhanh chóng là dấu hiệu của rối loạn ăn uống).

- Tâm trạng 

Bạn để ý rằng con bạn có vẻ lo lắng, kích thích đặc biệt là vào bữa ăn.
​​
- Hành vi

Bạn để ý thấy  con bạn:
  • Né tránh các hoạt động xã hội đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc ăn uống
  • Đi vào phòng tắm hay nhà vệ sinh ngay sau khi ăn
  • Nôn ói hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng
  • Tập thể dục quá nhiều đặc biệt là tập một mình trong phòng ngủ. 
Bạn bè, giáo viên hay huấn luyện viên có thể nói với bạn rằng có điều gì đó không ổn với con nhà bạn.Cũng cần quan ngại nếu bạn nhận thấy trẻ có những thay đổi hình thể, là biểu hiện của tình trạng sụt cân, giảm mỡ trên cơ thể và dinh dưỡng kém. Những dấu hiệu này bao gồm:
  • Bé gái kinh nguyệt không đều hoặc tắc kinh
  • Con cảm thấy mệt mỏi hoặc luôn trì trệ, kém năng động
  • Con bạn dường như luôn bị lạnh, ngay cả khi thời tiết ấm áp  
  • Con bạn luôn kêu đau đầu, mệt mỏi hoặc táo bón
  • Lông tơ xuất hiện trên mặt, cánh tay hoặc thân
  • Rụng tóc
Ngoài ra, một số dấu hiện khác như má sưng phồng, răng và lợi sưng, sưng đau khớp ngón tay, bàn tay có thể là dấu hiện trẻ vị thành niên cố nôn thức ăn ra.

Nói chuyện với con về tình trạng rối loạn ăn uống

Nếu bạn nhận thấy có điều gì đó không ổn trong cách ăn uống hoặc thói quen ăn uống của con, hãy tin tưởng vào đánh giá của mình và trò chuyện với con về vấn đề này. Đây có thể là cuộc trò chuyện rất khó khăn. Có thể bạn cảm thấy thực sự lo lắng, con rất có thể giận dữ và phủ nhận vấn đề. Ngay cả khi điều này xảy ra thì hãy kiên nhẫn tập trung vào mối quan tâm đến sức khỏe của con bạn. Hãy nói với con rằng bạn nghĩ con cần có sự đánh giá từ bác sĩ.  Bạn cần phải thận trọng khi chia sẻ với con về đồ ăn, cân nặng và vóc dáng cơ thể. Nếu bạn băn khoăn không biết cách đề cập đến những vấn đề này, hãy đến gặp bác sĩ hay chuyên viên tâm lý để được tư vấn.

Giải quyết rối loạn về ăn uống

Hãy nhờ bác sĩ đưa ra các đánh giá sớm và ý kiến cho vấn đề này. Can thiệp sớm có thể giúp ngăn ngừa các rối loạn ăn uống nhẹ chuyển sang tình trạng bệnh lý nặng nề. Ngoài ra, khi bệnh còn nhẹ, trẻ có thể chấp nhận đi khám bác sĩ dễ dàng hơn so với khi bệnh đã nặng. Can thiệp sớm cũng giúp trẻ tránh được các biện pháp điều trị nặng nề và không mất quá nhiều thời gian để phục hồi sau điều trị. Nếu vấn đề ăn uống của con khiến bạn quá lo lắng, hãy đưa con đến gặp các bác sĩ đa khoa, bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ thâm thần càng sớm càng tốt. Tốt nhất là tìm những bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực rối loạn ăn uống.

Tại sao trẻ vị thành niên có nguy cơ rối loạn ăn uống?
  • Vị thành niên có thể là thời kỳ nguy hiểm vì trẻ đối xử không lành mạnh với cơ thể mình và thường gặp rắc rối về ăn tuống các mức độ khác nhau.
  • Trong suốt thời kỳ vị thành niên, cơ thể và bộ não của con bạn phát triển rất nhanh. Con sẽ thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ, cảm xúc và mối quan hệ với mọi người. Nhiều đứa trẻ trở nên ý thức về bản thân hơn, cảm thấy bận tâm về hình dáng và cân nặng của mình.
  • Cũng trong giai đoạn này, con cần nhiều loại thực phẩm hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển. Trong thời kỳ thanh thiếu niên, con bạn đang lớn rất nhanh vì thế, việc bắt kịp nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là điều không đơn giản.
  • Lối sống và các thói quen sử dụng thức ăn có thể thay đổi bởi vì con bạn bắt đầu ăn nhiều bữa hơn và ăn những bữa nhẹ ở ngoài.
  • Và đây cũng là thời kỳ mà những thanh niên trẻ chịu tác động nhiều từ các thông điệp truyền thông, thông tin giáo dục ở trường học về vấn đề sức khỏe, béo phì và ăn kiêng.
Chính vì vậy, bạn cần chú ý đến những thay đổi trong thói quen ăn uống của con bao gồm:
  • Ăn tùy hứng hoặc hay bỏ bữa
  • Ăn nhiều đồ ăn sẵn, các loại đồ ăn nhiều đường và năng lượng bao gồm đồ uống  có ga và rượu
  • Chú ý hơn đến các thông tin truyền thông về ăn uống lành mạnh, béo phì và ăn kiêng
  • Trải qua thời kỳ ăn kiêng khem- không ăn một số loại hoặc nhóm thực phẩm nhất định.
  • Sự phối hợp của những yếu tố trên có thể dẫn đến tình trạng một số thanh thiếu niên bắt đầu ăn kiêng hoặc hình thành các thói quen ăn uống không lành mạnh cho cơ thể đang lớn. 

Một số yếu tố nguy cơ khác

Chúng ta không thể gán bệnh lý rối loạn ăn uống cho một gen cụ thể hay cho yếu tố môi trường hoặc kiểu cá tính. Tuy nhiên vẫn có một vài yếu tố khiến một người dễ bị rối loạn ăn uống hơn. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:
  • Gia đình có tiền sử rối loạn ăn uống  
  • Người cầu toàn
  • Người mắc chứng ám ảnh cưỡng bức
  • Người béo phì
  • Dậy thì sớm
  •  Lo lắng và căng thẳng
  • Kém tự tin

 Lê Mai (theo Raising Children)