27/4/15

Vitamin D - chiến binh "đa năng"

Nghiên cứu của những thập niên gần đây cho thấy vitamin D đóng vai trò rộng lớn hơn nhiều so với những điều thường nghĩ.  Rất nhiều mô và cơ quan trong cơ thể có cảm thụ thể với vitamin D, điều này giúp lý giải sự 'đa năng' của hoóc môn này. 















Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và duy trì canxi và phốt pho, hai nguyên tố quan trọng để tạo dựng xương. Bên cạnh tác hại gây loãng xương, mềm xương hay gãy xương, thiếu vitamin D còn có thể làm tăng nguy cơ các bệnh mạn tính như bệnh tim, một số dạng bệnh ung thư, các bệnh nhiễm trùng như lao và thậm chí là bệnh cúm.  

Vitamin D và hệ cơ xương

Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi. 

- Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin D liều cao (800 IU/ngày) làm giảm 20% nguy cơ gãy xương đùi và các xương ngoài cột sống, trong khi liều 400 IU/ngày không mang lại kết quả nào. 

- Vitamin D cũng giúp cơ khỏe hơn, làm giảm nguy cơ bị ngã - nguyên nhân chính gây tàn tật và tử vong ở người già. Liều 700-1000 IU/ngày giúp giảm 19% nguy cơ này, trong khi liều 200-600 IU không mang lại tác dụng bảo vệ.




Vitamin D và bệnh tim mạch

Tim là một khối cơ lớn, và cũng giống như các cơ vân, chúng có cảm thụ thể với vitamin D. Điều này giải thích vì sao thiếu vitamin D cũng có thể gây bệnh tim mạch. 

- Một nghiên cứu theo dõi 50.000 nam giới khỏe mạnh trong vòng 10 năm cho thấy, thiếu vitamin D làm tăng gấp đôi nguy cơ cơn nhồi máu cơ tim.

- Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ và bệnh tim mạch mói chung. 

- Ngoài ra, vitamin D còn giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa tổn thương động mạch.

Vitamin D và bệnh ung thư

- Cách đây gần 30 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ giữa tử vong do ung thư đại tràng và một số vùng địa lý. Những người sống ở vĩ tuyến cao hơn, ví dụ ở phía Bắc nước Mỹ, có tỷ lệ tử vong vì ung thư đại tràng cao hơn so với người sống gần đường xích đạo. Từ đó xuất hiện giả thuyết về vai trò của vitamin D trong bệnh ung thư đại tràng. Trong suốt 3 thập kỷ qua, đã có hàng chục nghiên cứu xác nhận mối liên hệ giữa thiếu hụt vitamin D với ung thư đại tràng và các bệnh ung thư khác. Tuy nhiên, điều này chưa có nghĩa là bổ sung vitamin D sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư. Một thử nghiệm loại này đang được tiến hành nhưng phải nhiều năm nữa mới mang lại kết quả. 

- Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng vitamin D làm giảm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.

Vitamin D và hệ miễn dịch

Vitamin D được cho là đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nhiễm trùng. Hiện nay các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu theo 2 hướng song song:

- Liệu thiếu vitamin D có dẫn tới bệnh tiểu đường typ 1 và các bệnh tự miễn khác (hệ miễn dịch của cơ thể tấn công chính các mô và cơ quan của mình) không? 

- Liệu bổ sung vitamin D có giúp tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng như lao hay cúm không?

Vitamin D và bệnh tiểu đường typ 1

- Tiểu đường typ 1 là một bệnh liên quan tới vị trí địa lý, một đứa trẻ ở Phần Lan có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 400 lần so với trẻ ở Venezuela. Ý tưởng về vai trò của vitamin D trong phòng ngừa bệnh tiểu đường typ 1 xuất phát từ một nghiên cứu kéo dài 30 năm thực hiện trên 10.000 trẻ em Phần Lan. Kết quả cho thấy trẻ thường xuyên được bổ sung vitamin D trong những năm đầu có nguy cơ tiểu đường typ 1 thấp hơn 90% so với trẻ không được bổ sung vitamin D. 

- Các nghiên cứu đối chứng khác của châu Âu cho thấy vitamin D có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường typ 1. 

Vitamin D và các bệnh nhiễm trùng 

- Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy vitamin D làm giảm đáp ứng gây viêm của một số bạch cầu và gia tăng sản xuất một số protein chống vi khuẩn.

- Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D thường hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn trẻ được tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời.

- Người lớn có hàm lượng vitamin D thấp thường bị nhiều đợt ho, cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp hơn.

- Gần đây các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra liệu việc bổ sung vitamin D có giúp ngăn ngừa bệnh cúm ở trẻ em hay không. Khoảng 340 trẻ được theo dõi trong 4 tháng mùa đông, thời gian cao điểm của bệnh cúm. Một nửa số trẻ được uống bổ sung 1.200 IU vitamin D mỗi ngày, một nửa còn lại được dùng giả dược. Kết quả cho thấy tỷ lệ cúm A trong nhóm dùng vitamin D thấp hơn 40% so với nhóm dùng giả dược. Tỷ lệ nhiễm cúm B ở hai nhóm là như nhau. Nghiên cứu này tuy nhỏ nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng. 

Vitamin D và bệnh lao 

Trước khi xuất hiện kháng sinh, tắm nắng và chiếu đèn là một phần bắt buộc trong điều trị bệnh lao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D có thể liên quan tới nguy cơ mắc bệnh lao. Một số nghiên cứu đối chứng cho thấy bệnh nhân lao có hàm lượng vitamin D thấp hơn so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi. Tuy nhiên các nghiên cứu này không theo dõi các cá thể theo dọc thời gian, vì vậy không thể nói liệu thiếu vitamin D có làm tăng nguy cơ bị bệnh lao hay không và liệu bổ sung vitamin D có giúp ngăn ngừa bệnh hay không. 

Vitamin D và nguy cơ tử vong sớm

Một báo cáo đầy triển vọng đăng trên Tạp chí Nội khoa của Mỹ cho rằng việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung. Một phân tích phối hợp nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trước đó cho thấy bổ sung vitamin D hàm lượng vừa phải làm giảm 7% nguy cơ tử vong nói chung. Việc phân tích được tiến hành dựa trên 18 thử nghiệm ngẫu nhiên liên quan tới 60.000 người tham gia, phần lớn họ họ được bổ sung 400-800 IU vitamin D mỗi ngày trong vòng 5 năm.


BS Trần Thu Thủy