Câu chuyện của cu Tí có
thể xảy ra với không ít gia đình. Việc trẻ liên tục lắc đầu, đập đầu, đung
đưa toàn thân trước hoặc trong khi ngủ thường khiến cha mẹ rất lo lắng.
Trên thực tế, tình trạng
này khá phổ biến ở trẻ nhỏ và ít gây nguy hiểm cho bé.
Các cử động nhịp nhàng
mang tính rập khuôn và gắn liền với giấc ngủ nói trên được gọi chung là các Rối loạn vận động nhịp nhàng (RLVĐNN).
Hành vi này thường xuất hiện quanh giấc ngủ trưa và ngủ tối (khi bé buồn ngủ) và
tiếp tục duy trì hoặc tái xuất hiện khi bé tỉnh giấc trong đêm.
Rối loạn vận động nhịp nhàng
Các RLVĐNN điển hình bao
gồm:
- Đập đầu:
trẻ đập đầu vào gối hay đệm (thường ở tư thế nằm sấp). Ở tư thế ngồi, trẻ có
thể đập đầu nhiều lần vào tường hay vào thành cũi, thành giường.
- Lắc đầu:
trẻ xoay đầu và cổ từ bên này sang bên kia (thường ở tư thế nằm ngửa). Một số
trẻ đặt tay lên đầu khi lắc khiến toàn bộ cánh tay và thân trên cùng chuyển
động.
- Đung đưa toàn
thân: trẻ quỳ trên tứ chi và lắc mạnh toàn thân theo hướng trước sau.
- Một số vận
động khác: lăn người, lăn chân, đập chân...
Đôi khi trong khi cử động, trẻ có thể phát ra những tiếng
kêu lớn nhịp nhàng hay tiếng rên khe khẽ. Trẻ ngừng vận động sau khi đi vào giấc
ngủ hoặc khi bị người lớn lay gọi. Thường trẻ không nhớ gì sau khi tỉnh giấc.
Nếu trẻ khỏe mạnh phát triển bình thường và chỉ có những
hành vi này về đêm hay vào giờ ngủ trưa thì cha mẹ không cần lo lắng - đây là
cách trẻ dùng để tự đưa mình vào giấc ngủ. Hiện tượng này gặp ở rất nhiều trẻ
khỏe mạnh, thường bắt đầu ở độ tuổi 6-9 tháng (cũng có thể xuất hiện sớm hơn). Nghiên cứu của Thụy Điển công bố năm 1971 cho thấy 2/3 số trẻ 9 tháng tuổi có biểu hiện RLVĐNN ở dạng này hay dạng
khác. Hành vi này thường tự mất đi khi bé lên 2-3 tuổi và chỉ còn gặp ở 6% trẻ
5 tuổi. Tuy nhiên, các vận động nhịp nhàng vẫn có thể tồn tại sau độ tuổi này. Nghiên cứu của Canada thực hiện trên 1.353 trẻ em cho thấy vẫn còn 3% trẻ có
tình trạng RLVĐNN khi 13 tuổi. Phần lớn trường hợp RLVĐNN ở người trưởng thành
đều bắt đầu có triệu chứng từ khi còn nhỏ.
Tỷ lệ RLVĐNN giảm nhanh chóng
từ 66% ở trẻ 9 tháng xuống 6% ở trẻ 5 tuổi
(nghiên cứu của Thụy Điển).
|
Trong đa số trường hợp, RLVĐNN xuất hiện ở trẻ khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng có thể đi kèm tình trạng chậm phát triển tinh thần
hay bệnh tự kỷ. Căng thẳng hay thiếu kích thích từ môi trường bên ngoài được coi là các yếu
tố nguy cơ gây RLVĐNN. Nguyên nhân của hành vi này còn chưa được làm rõ,
trong phần lớn trường hợp không thể tìm thấy tổn thương thực thể ở trẻ.
Một số giả thuyết về nguyên nhân gây RLVĐNN:
- Giải tỏa căng thẳng
Một số tác giả cho rằng RLVĐNN sẽ kích thích trẻ, giúp bé
giải tỏa căng thẳng và trở nên thư giãn. Cử động nhịp nhàng có thể xuất hiện
khi trẻ mọc răng hay đau tai, như cách để đánh lạc hướng bé khỏi những đau đớn
thể chất. Chúng cũng có thể xuất hiện ở các giai đoạn chuyển tiếp trong quá
trình phát triển (khi bé học đứng, học đi, giai đoạn bùng phát của ngôn ngữ và
khi bé tập ngồi bô). Đây được coi là cách giúp bé giải tỏa những căng thẳng
trong ngày.
Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng người Mỹ Benjamin Spock từng mô
tả các vận động nhịp nhàng như một "triệu chứng thường gặp của lo lắng".
Tuy nhiên, tới nay vẫn còn có quá ít công trình tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống về
mối liên hệ tiềm ẩn giữa RLVĐNN và các bất thường tâm lý khác. Trong một nghiên
cứu lớn nhất thuộc lĩnh vực này, các nhà khoa học Canada đã nhận thấy mức độ lo lắng
lớn hơn ở 42 trẻ có động tác đung đưa người so với 1.296 trẻ không có tiền sử
RLCĐNN.
- Giải tỏa năng lượng dư thừa
Một số ý kiến cho rằng RLCĐNN thường xuất hiện vào ban
đêm, khi cơ thể tràn trề năng lượng chưa được giải tỏa. Cử động nhịp nhàng
giúp trẻ tiêu bớt năng lượng dư thừa tích tụ trong ngày, nhờ thế bé có thể đi
vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Tự ru ngủ thông qua kích thích tiền đình
Theo lý thuyết này, các cử động nhịp nhàng là một hành vi
tự ru mình, giúp bé đi vào giấc ngủ. Không phải ngẫu nhiên mà các ông bố bà mẹ lại lắc lư đong
đưa trẻ để dỗ bé thôi quấy hoặc ru bé ngủ. Những động tác lắc lư nhịp nhàng này
kích thích cơ quan tiền đình, làm thay đổi trạng thái thức tỉnh của trẻ. Nhìn ngược lại thời kỳ bé còn nằm trong bụng mẹ ta thấy khi mẹ di
chuyển (tạo nhiều kích thích tiền đình) thai nhi thường nằm yên; trái lại
khi mẹ nằm nghủ vào ban đêm (tạo ít kích thích tiền đình) thai nhi lại hoạt động nhiều nhất. Từ khi
chào đời cho tới lúc có thể tự đi, mức kích thích tiền đình của trẻ thấp hơn
nhiều so với khi còn nằm trong bụng mẹ. Chính vì vậy bé cần tự kích thích tiền
đỉnh để ru ngủ mình. Một số ý kiến cho rằng bé tự kích thích tiền đình để hoàn
thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.
Việc chẩn đoán RLVĐNN
thường dựa chủ yếu vào mô tả lâm sàng và video do gia đình cung cấp. Nếu
cử động không điển hình, kéo dài hoặc quá mạnh mẽ, bác sĩ có thể làm
xét nghiệm để loại trừ tình trạng co giật. Đa phần trẻ có RLVĐNN phát triển
bình thường về tâm lý và không đòi hỏi điều trị đặc hiệu. Phần lớn trường hợp sẽ
tự khỏi không để lại hậu quả.
Cha mẹ cần làm gì?
- Không ngăn cản bé: Cha mẹ cần nhận thức rằng lắc đầu, đập
đầu hay đung đưa người là những hoạt động bình thường mà một số trẻ thực hiện để
đưa mình vào giấc ngủ. Phần lớn trẻ sẽ thoát khỏi tình trạng này khi được 6 tuổi.
Tuy nhiên, RLVĐNN có thể trở thành thói quen lâu dài nếu cha mẹ quan tâm quá mức
hoặc tìm cách ngăn cản con. Hãy dành nhiều thời gian chơi đùa với con vào ban
ngày và phớt lờ hành vi RLVĐNN vào ban đêm.
- Giảm căng thẳng: Làm mọi cách để giảm những căng thẳng quá mức trong cuộc sống của trẻ.
Hãy trả lời các câu hỏi: bé có lo sợ điều gì không, bạn có thay đổi thói quen
nào đó trong ngày hay không, bé có nhận đủ sự chú ý của người thân hay không,
bé có mọc răng hay bị đau tai hay không. Một số RLVĐNN vào ban đêm là dấu hiệu
chỉ điểm cho nhu cầu cần được quan tâm hơn vào ban ngày của bé. Hãy dành nhiều
thời gian âu yếm con, cho con cơ hội thể hiện và giải tỏa các lo lắng, lấy lại
sự tự tin.
- Tìm đường ra cho năng lượng dư thừa: tăng thời gian cho bé chơi đùa ngoài trời, cho bé chơi trò ném bóng, nhảy dây… Tích cực tiêu hao năng lượng lúc ban ngày có thể làm giảm một phần các triệu chứng về đêm.
- Tìm đường ra cho năng lượng dư thừa: tăng thời gian cho bé chơi đùa ngoài trời, cho bé chơi trò ném bóng, nhảy dây… Tích cực tiêu hao năng lượng lúc ban ngày có thể làm giảm một phần các triệu chứng về đêm.
- Tạo các hoạt động nhịp nhàng: lắc nôi, đu võng, cho bé
ngồi ghế xích đu, ngồi bập bênh, chơi các trò vỗ tay, kéo cưa lừa xẻ, dung dăng
dung dẻ, cưỡi ngựa, đu quay hay đi đều bước theo nhịp trống (nếu sợ ồn, bạn có
thể dùng gối bông làm trống!). Những hoạt động này góp phần làm giảm nhu cầu thực hiện vận động nhịp nhàng khi ngủ của bé.
Vỗ tay là trò chơi tạo vận động nhịp nhàng. |
- Âm nhạc: Cho bé nhảy múa theo điệu nhạc vào ban ngày để
giải tỏa năng lượng và mở nhạc nhẹ nhàng có nhịp điệu rõ ràng vào buổi tối để
giúp bé thư giãn. Một số cha mẹ thấy rằng việc đặt một chiếc đồng hồ kêu tích tắc
đều đặn trong phòng nhằm thu hút sự chú ý của bé cũng làm giảm được các hoạt động
nhịp nhàng về đêm.
- Tránh xáo trộn trước giờ đi ngủ: Duy trì đều đặn các
công việc quen thuộc trước giờ đi ngủ, dành thời gian âu yếm con lúc này cũng
là cách tốt để giúp trẻ thư giãn.
Tóm lại, cha mẹ nên bỏ qua các hành RLVĐNN của trẻ về đêm và không
củng cố chúng bằng cách chú ý quá nhiều. Khi bé đã lớn, bạn có thể dùng chính
sách khen thưởng cho những đêm bé có hành vi tích cực. Đưa bé đi khám bác sĩ nếu
bạn thấy lo lắng về hành vi của con hoặc về các lĩnh vực phát triển khác, nếu
giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng, nếu bạn nghi ngờ con bị co giật hoặc nếu trẻ bị
chấn thương và bạn sợ nguy hiểm sẽ còn xảy ra.
BS Trần Thu Thủy