Để xác định căn nguyên virus gây bệnh nhiễm
khuẩn hô hấp, bên cạnh các phương pháp truyền thống như nuôi cấy virus, test
huyết thanh và miễn dịch huỳnh quang, PCR đang ngày càng được áp dụng rộng rãi
do độ nhạy và độ đặc hiệu cao, thời gian chẩn đoán được rút gọn. Tuy nhiên,
phương pháp này chỉ giúp phát hiện từng loại virus riêng lẻ. PCR đa mồi xTAG
lần đầu được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương có thể phát hiện cùng lúc
18 virus gây bệnh hô hấp.
Nghiên cứu ứng dụng phương pháp PCR đa mồi xTAG trên 194
bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp dưới cấp tính, độ tuổi 2 tháng -2 tuổi, điều trị tại
Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian từ 1/07/2012 đến 30/06/2013 cho thấy:
- 73,7% bệnh nhân có
kết quả dương tính với một hoặc nhiều loại virus.
- Trong số các bệnh nhân có kết quả dương tính, 67,8% nhiễm
1 loại virus và 32,2% nhiễm từ 2 loại virus trở lên.
- Trong số các virus phân lập được từ đường hô hấp, hay gặp
nhất là RSV (36,5%), tiếp đến là Rhinovirus (31,5%), Parainfluenza (14%) và
Adenovirus (7,5%).
18 virus có thể
phát hiện bằng kỹ thuật phân tử PCR đa mồi xTAG bao gồm: Influenza A H1/H3,
Influenza B, Respiratory Syncytial Virus (RSV), Coronavirus
(229E/OC43/NL63/HKU1), Parainfluenza Virus (Parainfluenza 1/ Parainfluenza 2/
Parainfluenza 3/ Parainfluenza 4), Human Metapneumovirus, Entero-rhinovirus,
Adenovirus, Human Bocavirus.
Hiện tại, xét nghiệm
PCR đa mồi xTAG đã được triển khai tại Khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử Các bệnh
truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương để chẩn đoán sàng lọc các căn nguyên
virus hô hấp. Phương pháp này được đánh giá là có độ nhạy và độ đặc hiệu cao,
thời gian trả kết quả được rút ngắn xuống còn 24h. Việc phát hiện sớm căn
nguyên virus của bệnh nhiễm khuẩn hô hấp giúp hạn chế sử dụng kháng sinh không
cần thiết cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm chi phí điều trị.
Nhiễm khuẩn hô hấp
cấp tính là bệnh phổ biến trên toàn thế giới với tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử
vong đứng đầu trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp ở trẻ em. Tại Việt Nam, theo thống
kê của Chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT), trung bình mỗi năm một
trẻ có thể mắc bệnh này 3-5 lần. Theo báo cáo tình hình bệnh tật trẻ em tại Bệnh
viện Nhi Trung ương (1995-2004), bệnh nhi NKHHCT chiếm 24 % tổng số bệnh nhân nội
trú.
Căn nguyên gây
viêm đường hô hấp ở trẻ em rất đa dạng: virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tại các nước phát triển thủ phạm chính gây
viêm phế quản phổi là virus (virus cúm, á cúm, hợp bào hô hấp, rhinovirus,
enterovirus, adenovirus.v.v.), chiếm tỷ lệ 80-90%.
TS Phùng Thị Bích
Thủy
Khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử
Các bệnh truyền nhiễm