4/11/16

Nữ bác sĩ và mong ước cứu những hy vọng le lói

Bác sĩ Hằng khám cho bệnh nhi
trong một chương trình tình nguyện.
TTTĐ - Gắn bó với khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Trần Thị Thanh Hằng đã trải qua nhiều đêm trực dài. Cũng nhiều lần cô bác sĩ trẻ rơi nước mắt vì xót xa, thương cảm với nhưng đau đớn, tuyệt vọng của các gia đình mất con. Những kí ức đầy ám ảnh ấy đã trở thành động lực, thôi thúc chị làm việc tốt hơn nữa vì bệnh nhi và người thân của các bé.






Từ ước mơ “con nhà nòi”…

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ là bác sĩ nhi, tuổi thơ của chị Thanh Hằng từ bé đã gắn bó với bệnh viện, với những em nhỏ được điều trị ở đây từ những lần theo mẹ đi làm. “Có lẽ, chính vì thế, mình rất yêu trẻ và luôn mong muốn lớn lên sẽ làm được những điều có ý nghĩa cho các bệnh nhân nhi”, chị Hằng tâm sự. Vậy là, cô bé “con nhà nòi” quyết tâm theo đuổi nghiệp của mẹ để thỏa ước mơ thời thơ bé.

Tốt nghiệp đại học, năm 2013, chị Hằng chính thức về nhận công tác tại bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh. Dù đã được học tập, đào tạo bài bản trong nhà trường nhưng những ngày đầu tiếp nhận công việc mới với bác sĩ Hằng vẫn là những ngày đầy khó khăn, thách thức. Chị tâm sự: “Những kiến thức mình có được lúc đó phần nhiều là lý thuyết trong khi công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi lại đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và kiến thức thực tế của bác sĩ. Trong quá trình làm việc, mình đã vừa làm, vừa học hỏi rất nhiều để đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình, thậm chí có khi mình học tập từ chính các sản phụ”.

May mắn có mẹ cũng là bác sĩ chuyên nhi, những khó khăn trong công việc chị Hằng thường tâm sự với mẹ để nhận từ người đồng nghiệp đã ở tuổi hưu những lời khuyên đúng đắn. Chị Hằng kể: “Mẹ thường cho mình những bài học, kinh nghiệm quý giá từ quá trình làm việc thực tế của mẹ trước đây. Có những khi mình day dứt, dằn vặt với bản thân vì phải bất lực, bó tay trước những ca bệnh nặng, mẹ lại là người bạn tâm sự, sẻ chia, động viên mình cần cố gắng hơn nữa”.

 …Và mong ước cứu những hy vọng le lói 

Sinh năm 1988, nữ bác sĩ trẻ độc thân tuy chưa làm mẹ nhưng đã thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn của bố mẹ bệnh nhi, khi chứng kiến cảnh họ sau những ngày vượt cạn đầy gian khó lại thấp thỏm nơi hành lang bệnh viện ngóng trông tình trạng của con trong phòng điều trị đặc biệt. Tại khoa của chị, thường xuyên có đến một nửa các cháu là bệnh nhi đẻ non, sức khỏe yếu hoặc mắc bệnh nặng được chuyển từ các bệnh viện khác về. Trong đó, có rất nhiều bé cân nặng chưa đầy 1kg đã phải nằm điều trị dài ngày. 

 Thương các bé bao nhiêu, chị càng cố gắng làm việc hết mình, hoàn thiện phác đồ điều trị, giúp các con mau khỏi bệnh, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình. Tình yêu chị dành cho các bé không đơn thuần là trách nhiệm vì người bệnh mà còn là cảm xúc từ trái tim của một người phụ nữ, sự đồng cảm và thấu hiểu cùng những gia đình trước bệnh tình của con. Phần thưởng quý giá nhất cho chị chính là sự tin tưởng, thương yêu của rất nhiều gia đình bệnh nhi.

…Đến giải thưởng cao quý “Đặng Thùy Trâm”

Năm 2016, bác sĩ Trần Thị Thanh Hằng được vinh danh là một trong 60 Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu với giải thưởng cao quý mang tên bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Không chỉ là một bác sĩ trẻ năng nổ, nhiệt tình, chị Hằng còn là một Bí thư Đoàn có trách nhiệm của Chi đoàn Lâm sàng 7 (Bệnh viện Nhi Trung ương). Đây là chi đoàn lớn, gồm 80 trên tổng số 600 đoàn viên thanh niên của bệnh viện, trong đó đa số đều là nữ. Công việc của các chị thường phân theo ca kíp nên rất khó tổ chức hoạt động tập thể cho cả chi đoàn. Để khắc phục hoàn cảnh, nữ bí thư đã mạnh dạn đưa ra những chương trình phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Chi đoàn chị đã tổ chức được nhiều hoạt động tình nguyện gắn với nhiệm vụ chuyên môn: hiến máu tình nguyện, tham gia khám chữa bệnh tình nguyện vì cộng đồng, tặng quà cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn…

Với nữ bác sĩ trẻ tuổi nghề, non tuổi đời Trần Thị Thanh Hằng, sự tín nhiệm của đồng nghiệp và niềm tin, lòng cảm mến của gia đình bệnh nhi là những món quà quý giá nhất. “Tuổi còn trẻ nên mình luôn tự nhủ phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để học tập, trau dồi kiến thức, rèn giũa phẩm chất đạo đức để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng gia đình bệnh nhân đã gửi gắm trọn ở mình”, chị Hằng bộc bạch. 

Theo Ngọc Minh
Tuổi trẻ Thủ đô