27/4/15

Thiếu vitamin D - đại dịch bị lãng quên

Báo cáo về tình trạng thiếu vitamin D của nhiều quốc gia như Anh, Áo, Đức, Phần Lan, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ... cho thấy thiếu vitamin D đã trở thành vấn đề toàn cầu. Khoảng 1/7 dân số toàn thế giới có hàm lượng vitamin D trong máu thấp hơn mức chuẩn. 









Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và duy trì hàm lượng canxi và phốt pho, những yếu tố thiết yếu để tạo xương. Thiếu vitamin D dẫn tới còi xương. Đầu thế kỷ 20, hơn 80% trẻ em tại các quốc gia công nghiệp châu Âu và Bắc Mỹ điêu đứng vì những hậu quả tàn khốc của căn bệnh này. Phát hiện về tác dụng điều trị và phòng ngừa còi xương của tia cực tím và ánh nắng mặt trời đã dẫn tới phong trào chiếu bức xạ tia cực tím cho thực phẩm tại nhiều nước. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin D vào đồ ăn (trong đó có sữa) và sử dụng rộng rãi dầu gan cá đã giúp thanh toán bệnh còi xương vào cuối những năm 1930.

Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, do thiếu thốn thực phẩm, nhiều quốc gia đã quy định bắt buộc bổ sung vitamin D vào sữa để phòng ngừa bệnh còi xương. Tuy nhiên, sau chiến tranh, quy định này đã được Canada dỡ bỏ. Sự bùng nổ các ca ngộ độc vitamin D dưới dạng tăng canxi máu tại Anh vào những năm 1950 khiến nhiều nước khác phải ra lệnh cấm bổ sung vitamin D cho sữa và thực phẩm, ngoại trừ ngũ cốc ăn sáng và bơ thực vật. Kết quả là số trẻ thiếu vitamin D gia tăng đáng kể.Thiếu vitamin D một lần nữa lại trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng. Năm 1979 chính phủ Canada buộc phải áp dụng lại quy định bổ sung vitamin D vào sữa. 

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thiếu vitamin D đang xuất hiện ở trẻ em mọi lứa tuổi cũng như ở người lớn. 30 đến 50% trẻ em sống tại Ấn Độ, Trung Quốc và Ả rập Saudi bị thiếu vitamin D. Ngay tại quốc gia đầy ánh nắng Australia, từ một phần ba tới một nửa trẻ em và người lớn bị thiếu vitamin này. Mỹ và Canada là những quốc gia bổ sung vitamin D vào sữa từ nhiều thập niên nhưng tỷ lệ người thiếu vitamin D vẫn cao. 

Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy:

50% trẻ em độ tuổi 1-5 và 70% trẻ em 6-11 tuổi thiếu hoặc không đủ vitamin D. 
- 32% bác sĩ khỏe mạnh tại một bệnh viện ở Boston được bổ sung đều đặn mỗi ngày 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D và một cốc sữa làm giàu vitamin D vẫn bị thiếu vitamin này. 
- Kết quả điều tra 10 năm (1994-2004) cho thấy 20% người dân có hàm lượng vitamin D trong máu thấp hơn mức chuẩn. Nguyên nhân được cho là do chứng béo phì, sự thay đổi lối sống, tình trạng giảm uống sữa và tăng sử dụng kem chống nắng.   


Hàm lượng vitamin D3 (25-hydroxy vitamin D) trong máu
Bình thường            
30 - 90 ng/mL (75 - 225 nmol/L)
Không đủ vitamin D
20-30 ng/mL (50 - 75 nmol/L)
Thiếu vitamim D      
< 20 ng/mL (50 nmol/L) 


Nguồn cung cấp vitamin D

Vitamin D là nhóm các vitamin hòa tan trong dầu, trong đó quan trọng nhất là vitamin D2 (ergocalciferol) hay tiền vitamin D và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 và D3 được đưa vào cơ thể qua các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc...) và các chế phẩm vitamin D. Cơ thể cũng có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là D3) ở da từ cholesterol, khi da tiếp xúc đủ với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.  

Vitamin D có sẵn trong một vài thực phẩm như cá béo, gan bò, pho mát, lòng đỏ trứng và một số loại nấm. Cá béo là nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất, ví dụ 100 g cá hồi nấu chín chứa 360 IU vitamin D (90% nhu cầu vitamin D hàng ngày). Một số loại cá béo giàu vitamin D khác là cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm, cá chép. Vitamin D cũng thường được bổ sung vào sữa và ngũ cốc ăn sẵn. Chẳng hạn 100 ml sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 100% có bổ sung 165 IU vitamin D. 

Cá hồi, cá ngừ đóng hộp, nấm, lòng đỏ trứng, sữa bò và ngũ cốc bổ sung vitamin D,
gan bò, dầu cá là nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể. 


Hàm lượng vitamin D trong một số thực phẩm
Thực phẩm
Lượng
thực phẩm
Vitamin D (IU)
% hàm lượng vitamin D
cần bổ sung
mỗi ngày  
Dầu gan cá
1 thìa súp
1.360
340
Cá hồi nấu chín
100 g
360
90
Cá thu nấu chín
100 g
345
90
Cá trích đóng hộp trong dầu
(gạn bỏ dầu)
50 g
200
50
Cá mòi đóng hộp trong dầu
(gạn bỏ dầu)  
50
250
70
Sữa bổ sung vitamin D
(không béo, giảm béo, toàn phần)
1 cốc
(250 ml)
98
25
Ngũ cốc bổ sung vitamin D
1 cốc
40
10
Trứng (vitamin D có trong lòng đỏ)   
1 quả
20
6
Gan, thịt bò nấu chính
100 g
15
4
Pho mát
30 g
12
4


Các nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D

Nhận đủ vitamin D từ các nguồn thực phẩm tự nhiên là điều khá khó khăn. Với nhiều người, việc sử dụng thực phẩm được bổ sung vitamin D và phơi nắng là nguồn chính để duy trì hàm lượng vitamin D lành mạnh. Các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D do không tổng hợp đủ vitamin D từ ánh sáng mặt trời hoặc do không nhận đủ vitamin D từ thực phẩm bao gồm: 

- Trẻ sơ sinhSữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ nhưng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp. 1 lít sữa mẹ thường chỉ chứa 25 IU vitamin D, không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ (hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ phụ thuộc vào dự trữ vitamin D của mẹ, phụ nữ uống bổ sung vitamin D liều cao có thể có hàm lượng vitamin D trong máu cao hơn).  

Người cao tuổi: Nhóm này thường ít ra ngoài trời, da không thể tổng hợp vitamin D một cách hiệu quả và sử dụng ít thực phẩm giàu vitamin D.

Người ít ra nắng hoặc có thói quen che kín toàn bộ cơ thể khi ra ngoài trời cũng thường bị thiếu vitamin D. Bôi kem chống nắng đúng cách làm giảm hơn 90% khả năng hấp thu vitamin D. 

Người có da sẫm màu: Hàm lượng lớn melanin trong lớp biểu bì làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

- Người béo phì: Béo phì không ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp vitamin D của da nhưng do lượng mỡ dưới da của những người này rất lớn nên một phần lớn vitamin D sẽ bị lưu giữ ở đây, làm giảm lượng vitamin D được giải phóng vào máu. 

BS Trần Thu Thủy