2/1/15

Các mốc phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ

Tiếng nói đầu đời của bé là niềm hạnh phúc vô biên và mối quan tâm đặc biệt của cha mẹ. Nhiều phụ huynh tỏ ra bối rối không biết con mình phát triển ngôn ngữ có đúng với lứa tuổi không. Những hiểu biết về các mốc phát triển chính sẽ giúp cha mẹ yên tâm khi mọi việc tiến triển thuận lợi và cảnh giác khi có điều bất ổn.  










Các mốc phát triển lời nói và ngôn ngữ 

Trẻ dưới 1 tuổi


Nghe và hiểu
Nói
0- 3 tháng
- Giật mình khi nghe tiếng động to.
- Im lặng hoặc mỉm cười khi được người khác nói chuyện.
- Nhận được giọng nói của bạn hoặc nín khóc khi nghe tiếng bạn.
- Bú mạnh lên hoặc yếu đi khi nghe thấy âm thanh lạ.
- Phát ra các âm gừ gừ.
- Thể hiện các tiếng khóc khác nhau cho các nhu cầu khác nhau. 
- Mỉm cười khi nhìn thấy bạn.
4-6 tháng
- Nhìn về phía có tiếng động.
- Phản ứng với những thay đổi trong giọng nói của bạn. 
- Nhận biết các đồ chơi phát ra âm thanh.
- Chú ý tới tiếng nhạc. 
- Phát ra các âm p, b, m.
- Cười thầm và cười thành tiếng.
- Thể hiện sự thích hoặc không thích bằng âm thanh.
- Bi bô một mình hoặc đáp lại lời nói chuyện của bạn. 
7 tháng -
1 năm
- Thích chơi trò ú òa.
- Quay đầu và hướng về phía có âm thanh.
- Lắng nghe khi được bạn nói chuyện.
- Nhận biết từ chỉ các vật thông dụng như “cốc”, “giầy”, “sách”…

- Bi bô các nhóm âm thanh ngắn và dài, ví dụ “tata bibibibi”.
- Dùng lời nói hay âm thanh không phải tiếng khóc để đạt được sự chú ý.
- Dùng các động tác để giao tiếp (vẫy tay, bám tay đòi bế).
- Bắt chước nhiều âm thanh lời nói khác nhau.
- Nói được 1 hay 2 từ (bà, mẹ, chó...) khi một tuổi, mặc dù các âm thanh này còn chưa rõ ràng.


Làm gì để giúp bé 




  • Kiểm tra khả năng nghe của bé, chú ý tới các bệnh về tai và nhiễm trùng tai, nhất là nếu chúng xuất hiện liên tục.
  • Củng cố những nỗ lực giao tiếp của trẻ bằng cách nhìn bé, nói chuyện và bắt chước các âm thanh bé phát ra.
  • Nhại lại tiếng cười hay biểu cảm trên mặt bé.
  • Dạy bé bắt chước các động tác chẳng hạn trò chơi ú òa, vỗ tay, hôn gió, vẫy tay tạm biệt. Các trò chơi này dạy bé cách cùng người khác lần lượt làm điều gì đó, một kỹ năng cần thiết cho các cuộc hội thoại sau này.
  • Giải thích những việc bạn đang làm cho bé, ví dụ khi tắm cho bé, mặc áo quần hay cho bé ăn hãy nói “Mẹ đang gội đầu cho Nhím này”, “Mẹ mặc áo cho Nhím nhé”, “Nhím đang ăn cà rốt”,”Món cà rốt này ngon quá nhỉ!”.
  • Nói với bé hai mẹ con sẽ đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai, chẳng hạn “Nhím đi thăm bà ngoại nào. Nhà bà ngoại có con mèo. Nhím sẽ yêu mèo nhé”.
  • Dạy bé bắt chước tiếng các con vật, chẳng hạn “Con mèo kêu meo meo, con dê kêu be be”.

 1 đến 2 tuổi 


Nghe và hiểu
Nói
- Chỉ vào các bộ phận cơ thể khi được hỏi.
- Tuân theo các chỉ dẫn đơn giản và hiểu các câu hỏi đơn giản (“Con lăn quả bóng đi”, “Thơm em búp bê đi”, “Giầy của con đâu?”).
- Nghe những câu chuyện, bài hát, vần thơ đơn giản.
- Chỉ vào tranh trong truyện khi được yêu cầu.
- Nói thêm nhiều từ mỗi tháng.
- Sử dụng các câu hỏi gồm 1 đến 2 từ (“Mẹ đâu?”, “Cái gì?”).
- Kết nối hai từ (“Thêm bánh”, “Không ăn”, “Sách mẹ”).
- Sử dụng nhiều phụ âm khác nhau ở đầu các từ.



Làm gì để giúp bé 




  • Giải thích cho bé biết bạn đang làm gì, đang đi đâu. Chẳng hạn khi đưa bé đi dạo, bạn có thể chỉ vào các vật dụng quen thuộc (ô tô, xe máy, cây, con chim) và gọi tên chúng.
  • Dùng những câu đơn giản, với cấu trúc ngữ pháp ở mức độ dễ để trẻ bắt chước.  “Mẹ nhìn thấy con chó. Chó sủa gâu gâu. Con chó này bé. Lông nó màu nâu”.
  • Mở rộng từ ngữ. Chẳng hạn khi bé nói “ô tô”, bạn nói “Đúng rồi, đây là chiếc ô tô màu đỏ”.
  • Cố gắng dành thời gian đọc sách cho con mỗi ngày. Tìm những cuốn sách có tranh lớn, với 1-2 từ hoặc một câu đơn giản trên mỗi trang. Đặt tên và mô tả từng bức tranh trong sách.  
  • Yêu cầu bé chỉ vào bức tranh bạn đọc tên.
  • Yêu cầu bé đọc tên bức tranh. Có thể bé sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn ngay, nhưng nếu kiên trì nhắc lại, sau một thời gian bé sẽ gọi được tên các bức tranh quen thuộc. 

2 đến 3 tuổi 

Nghe và hiểu
Nói
 - Hiểu sự khác biệt giữa các từ đối lập (trong - ngoài, lớn - nhỏ, trên - dưới).
- Thực hiện hai yêu cầu (Cầm cuốn sách và đặt lên bàn cho mẹ).
- Có thể ngồi nghe cha mẹ đọc chuyện lâu hơn và tỏ ra thích thú.

- Biết dùng tử chỉ hầu hết mọi vật.
- Dùng các câu có 2 hay 3 từ để thể hiện ý muốn hoặc yêu cầu.
- Dùng các phụ âm k, g, t, d ,n.
- Người thân đã có thể hiểu đa số những điều bé nói.
- Thường yêu cầu hay hướng sự chú ý tới đồ vật bằng cách gọi tên chúng.
- Hỏi "Vì sao?".
- Có thể bị nói lắp một số âm hoặc từ.  



Làm gì để giúp bé



  • Dùng ngôn từ đơn giản, rõ ràng để bé dễ bắt chước.
  • Tỏ cho bé biết là bạn rất quan tâm tới những gì con nói bằng cách lắp lại điều bé vừa nói và mở rộng câu. Ví dụ, nếu bé nói “hoa đẹp”, bạn có thể trả lời “Ừ, bông hoa này rất đẹp. Hoa có màu đỏ tươi. Hoa cũng rất thơm. Nhím có muốn ngửi bông hoa này không?” 
  • Cho bé biết rằng điều bé vừa nói là quan trọng với bạn bằng cách yêu cầu bé nhắc lại điều mà bạn chưa hiểu hoàn toàn. Ví dụ: “Mẹ biết con muốn lấy quả bóng. Nói lại cho mẹ con muốn quả bóng nào”.
  • Mở rộng vốn từ vựng của trẻ. Giới thiệu các từ mới thông qua đọc sách có một câu đơn giản trên mỗi trang sách.
  • Giới thiệu các màu sắc (ví dụ “Mũ của Nhím màu vàng”).
  • Thực hành đếm. Đếm các ngón chân và ngón tay. Đếm các bậc thang.
  • Gọi tên đồ vật và mô tả các bức tranh ở mỗi trang sách. Chọn từ đồng nghĩa cho các từ thông dụng (ví dụ to, mập, béo) và dùng câu có từ mới để bé học từ trong ngữ cảnh cụ thể.
  • Đặt nhiều đồ vật vào một chiếc hộp hay giỏ, yêu cầu bé nhặt từng đồ vật lên và đọc tên chúng. Bạn nhắc lại điều bé nói và mở rộng câu: “Đây là cái lược. Nhím dùng lược chải đầu”.  Nhặt các đồ vật ra khỏi giỏ và giúp bé xếp chúng thành từng nhóm (ví dụ quần áo, thực phẩm, sách vở).
  • Cắt các bức tranh từ tạp chí cũ và dán vào một cuốn vở. Giúp bé dán các bức tranh này. Học cách gọi tên các bức tranh, dùng động tác và ngôn ngữ để chỉ cách bạn dùng các đồ vật này.
  • Nhìn các bức ảnh quen thuôc và gọi tên người trong ảnh. Dùng các câu đơn giản để mô tả chuyện gì đang diễn ra trong ảnh (ví dụ “Nhím đi chơi công viên”).
  • Đặt cho bé các câu hỏi cần tới lựa chọn thay vì câu trả lời đơn giản “” hoặc “không”. Ví dụ, thay vì hỏi “Nhím uống sữa không? Nhím uống nước không?” hãy hỏi “Nhím muốn uống sữa hay uống nước?”. Hãy chờ cho tới khi bé trả lời và tiếp tục củng cố giao tiếp: “Cám ơn Nhím đã cho mẹ biết con muốn uống gì. Mẹ sẽ lấy cho Nhím cốc sữa”.
  • Tiếp tục hát cho con nghe, chơi các trò chơi với ngón tay (ví dụ trò “Xòe bàn tay, đếm ngón tay”), đọc các bài thơ để giúp bé làm quen với vần điệu và âm thanh của ngôn ngữ.
  • Tăng cường kỹ năng hiểu ngôn ngữ của bé bằng các trò chơi đúng - sai: “Con tên là Nhím đúng không?”, “Đây là con ngựa?”, “Nhím là con trai?”.

 3 đến 4 tuổi 

Nghe và hiểu
Nói
- Nghe tiếng bạn gọi từ phòng bên cạnh.
- Nghe tiếng tivi và đài ở cùng mức độ to nhỏ như những thành viên khác của gia đình.
- Hiểu các từ chỉ một số màu sắc như màu đỏ, màu xanh.
- Hiểu các từ chỉ một số hình dáng như hình tròn, hình vuông.
- Hiểu các từ về gia đình như anh, chị, ông, bà, cô, chú.
- Kể chuyện ở trường hay ở nhà bạn.
- Kể những chuyện xảy ra trong ngày. Dùng khoảng 4 câu cùng lúc.
- Người ngoài hiểu được bé nói gì.
- Trả lời các câu hỏi đơn giản “Ai?”, “Cái gì?”, “Ở đâu?”.
- Hỏi câu hỏi “Khi nào” và “Thế nào”.
- Dùng các đại từ nhân xưng như tớ, bạn, chúng mình, các bạn ấy.
- Sử dụng rất nhiều câu có 4 từ trở lên.
- Thường nói dễ dàng, không phải lặp lại các vần hay từ.   


Làm gì để giúp bé


  • Cắt các bức hình từ tạp chí cũ và dán chúng với nhau để tạo thành những bức tranh ngộ nghĩnh, ví dụ dán hình một chú chó con bên trong hình một chiếc ô tô, làm như chó đang lái ô tô. Giúp bé giải thích có điều gì bất thường trong bức tranh này.
  • Phân loại các bức tranh và đồ vật theo chủng loại, nhưng tăng dần thách thức bằng cách yêu cầu bé chỉ ra các vật không thuộc một nhóm nào đó. Ví dụ, em búp bê không cùng nhóm với chó, mèo và chuột. Nói với bé rằng bạn đồng ý với câu trả lời của con vì búp bê không phải động vật.
  • Mở rộng vốn từ và khả năng nói dài hơn của bé bằng cách đọc sách, hát, giải thích những điều bạn đang làm và nơi bạn đang đi, đọc các bài thơ có vần điệu.
  • Đọc cho bé những cuốn sách có cốt truyện đơn giản, bàn luận về diễn biến câu chuyện với bé. Hướng dẫn bé kể lại hoặc diễn lại câu chuyện, với sự trợ giúp của kính, mũ, áo quần… để hóa trang thành nhân vật trong truyện. Nói với bé bạn thích đoạn nào trong truyện và hỏi bé thích đoạn nào.
  • Cùng xem các bức ảnh gia đình và yêu cầu bé mô tả chuyện gì đang diễn ra trong ảnh.
  • Củng cố kỹ năng hiểu bằng cách đặt cho bé các câu hỏi. Đố con chọc tức bạn bằng những câu hỏi của chính mình. Để chò trơi thêm phần thú vị, hãy giả làm như bạn thực sự bối rối trước một số câu hỏi khó của con.
  • Mở rộng khả năng giao tiếp xã hội và kỹ năng kể chuyện bằng cách diễn lại một số sinh hoạt thông thường (ví dụ nấu cơm, đi ngủ, đi khám bác sĩ), dùng đồ chơi búp bê hay các vật dụng phù hợp với bối cảnh. Cho bé chơi trò hóa trang làm một nhân vật nào đó. Luôn yêu cầu bé nhắc lại điều vừa nói nếu bạn không hiểu hoàn toàn. Việc này khiến bé hiểu rằng bạn rất quan tâm tới điều con nói.

  4 đến 5 tuổi
   

Nghe và hiểu
Nói
 - Hiểu các từ khó hơn như thứ nhất, tiếp theo, cuối cùng.
- Hiểu các từ chỉ thời gian như hôm qua, hôm nay, ngày mai.
- Tuân thủ các chỉ dẫn dài hơn, ví dụ “Nhím cất đồ chơi, đánh răng rồi chọn một cuốn truyện để mẹ đọc cho nghe nhé”.
- Tuẩn thủ các hướng dẫn của cô giáo ở lớp, ví dụ “Khoanh tròn quanh hình vẽ chỉ các thứ con có thể ăn”.   
- Nghe và hiểu hầu hết những điều được nói ở nhà và ở trường.


- Nói được tất cả các âm trong từ. Có thể phát âm sai một số âm khó như l, s, r, v.
- Trả lời câu hỏi “Con vừa nói gì vậy?”.
- Nói chuyện mà không cần lặp lại các âm hay các từ.
- Biết đọc tên các chữ cái và số.
- Kể được một câu chuyện ngắn.
- Có thể duy trì một cuộc hội thoại.
- Thay đổi cách nói tùy theo người nghe và môi trường. Có thể dùng câu đơn giản   hơn khi nói với các em bé hoặc nói to hơn khi ở ngoài đường. 


Làm gì để giúp bé


  • Nói với bé về các mối liên hệ trong không gian (đứng đầu, đứng giữa, đứng cuối; bên phải và bên trái) và các khái niện đối lập (trên và dưới, lớn và nhỏ).
  • Dùng các bài thơ đố vui hoặc đưa ra một số mô tả và yêu cầu bé đoán điều bạn muốn nói. Ví dụ: “Cầm chiếc cán bật lên, Nấm xòe hoa phía trên, Che trời mưa cho bé, Che cả đầu của mẹ, Cái gì thế, bé ơi?” - Trả lời: cái ô.
  • Giới thiệu và giải thích cho bé cách phân loại một số đồ vật (ví dụ hoa quả, đồ gỗ, áo quần). 
  • Tuân theo các chỉ dẫn của bé khi con miêu tả cách làm một việc nào đó.
  • Tập trung chú ý khi nghe bé nói, khen ngợi và khuyến khích con. Trước khi nói với con điều gì, hãy chắc chắn là bé không bị sao nhãng vì chuyện khác. Ngừng một lát sau khi nói hết câu, cho bé thời gian trả lời điều bạn vừa nói.
  • Củng cố vốn từ của bé. Đưa ra định nghĩa cho các từ mới và dùng chúng vào ngữ cảnh cụ thể: “Xe đang chạy trên đường là xe máy. Đó là một phương tiện giao thông, nó giúp con di chuyển. Ô tô là một phương tiện giao thông khác. Xe buýt, tàu hỏa, máy bay cũng là phương tiện giao thông”.  
  • Khuyến khích con hỏi nếu không hiểu nghĩa của một từ nào đó.
  • Chỉ ra các thứ giống hoặc khác nhau. Chơi trò có lồng ghép các khái niệm này.
  • Phân loại đồ vật theo nhóm. Chỉ ra những sự khác biệt tinh tế hơn (ví dụ sần sùi - nhẵn nhụi, nặng - nhẹ, lớn - bé). Yêu cầu bé chọn ra các đồ vật không thuộc một nhóm nào đó và giải thích vì sao đồ vật được chọn lại không thuộc nhóm này.
  • Mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội và kể chuyện bằng cách đóng vai diễn. Đóng các cảnh trong gia đình, ở cửa hàng, tại lớp học… sử dụng các câu hội thoại, áo quần hóa trang. Cũng có thể dùng đồ chơi búp bê, diễn cảnh búp bê biết nói.
  • Đọc các mẩu chuyện có cốt truyện dễ theo dõi. Giúp bé đoán trước điều sẽ xảy ra trong chuyện. Dùng búp bê diễn lại câu chuyện. Yêu cầu bé vẽ tranh mô tả câu chuyện hay phần truyện mà bé yêu thích. Đặt các câu hỏi (ai, cái gì, ở đâu, khi nào, như thế nào) và chỉnh sửa các câu trả lời của bé.
  • Mở rộng kỹ năng hiểu và ngôn ngữ diễn đạt bằng trò chơi đoán chữ, ví dụ “Cái gì hình tròn, treo trên tường, dùng để xem giờ?”. Sau khi bé đoán chữ bạn định nói, yêu cầu bé ra câu đố tương tự với những đồ vật mà bé nhìn thấy.
  • Đưa ra những chỉ dẫn gồm 2 bước ( ví dụ “Lấy áo trong tủ của con và xếp vào túi này”). Khuyến khích bé đưa ra chỉ dẫn giải thích cách làm một số việc. Ví dụ, yêu cầu bé giải thích cách xếp hình một ngôi nhà Lego. Khi chơi trò làm bác sĩ, yêu cầu bé giải thích cách bé khám cho một em bé. Vẽ tranh minh họa và viết lại câu chuyện bé đang kể. Bé sẽ sớm nắm bắt sức mạnh của việc kể chuyện cũng như ngôn ngữ viết.
  • Yêu cầu bé giúp bạn lên kế hoạch và thảo luận về các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, yêu cầu bé lên danh sách đi chợ trong ngày nghỉ cuối tuần, hay giúp bé lập kế hoạch cho bữa tiệc ngày sinh nhật của mình. Hỏi ý kiến bé: “Nhím nghĩ bạn Gà sẽ thích quà sinh nhật gì nhỉ?”, hay “Hôm nay đi chợ mẹ con mình sẽ mua quả gì nhỉ?”.
Nguồn: http://www.asha.org/

 BS Trần Thu Thủy