Ai làm cha mẹ, chắc hẳn đã trải qua giai đoạn gửi con cho
người giữ trẻ để quay trở lại với công việc. Để chuẩn bị cho việc này, cả cha mẹ
và bé đều cần thời gian làm quen với lịch trình mới. Nhiều cha mẹ đã gặp không
ít khó khăn khi lên kế hoạch, chuẩn bị tâm lý cho bé bước vào cuộc sống mới.
Các chuyên gia tâm lý Australia đã đưa
ra một vài chia sẻ giúp cha mẹ và bé cùng vượt qua thời kỳ xáo trộn ban đầu
này.
Mọi việc cần được lên kế hoạch trước
Cha mẹ nên dành một vài tuần chuẩn bị tâm lý cho bé trước
khi ngày “trọng đại”diễn ra vì điều này giúp bé cảm thấy an tâm hơn.
Tạo điều kiện để bé làm quen với thời gian biểu ở nhà trẻ
là việc cần làm đầu tiên . Muốn làm được điều này, bạn có thể tham khảo lịch
trình ở nhà trẻ và áp dụng tương tự với
bé khi ở nhà. Việc bạn tuân thủ thời gian ăn, chơi và ngủ của bé sẽ giúp con
nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Nếu bé quen mặt người chăm sóc, việc gửi trẻ càng thuận lợi.
Trong vài tuần đầu, cha mẹ nên tìm hiểu ai là người chăm sóc chính của con. Cha
mẹ có thể xin một bức hình của người bảo mẫu và kể với con về cô giáo. Điều này
tạo điều kiện để cô bảo mẫu dễ dàng làm
quen với bé hơn.
Bạn và con cũng cần làm quen với nhà trẻ mới bằng cách
đưa bé đến chơi ở đó để bé quen với mùi vị, không gian, các đồ chơi, những
khuôn mặt và giọng nói ở nhà trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích bé chơi trò chơi và
thực hiện một số hoạt động khi cha mẹ ở đó.
Đọc hoặc kể chuyện cho con là một phương pháp an toàn để
khám phá cảm xúc mạnh mẽ và giúp con nhận biết những điều mới. Mẹ có thể bắt đầu
bằng một quyển truyện tranh với nội dung bé đi nhà trẻ hoặc làm quen với bạn mới.
Tự sáng tạo ra câu chuyện mới với những
trải nghiệm của riêng mẹ cũng là một cách hay để chia sẻ cùng con. Trong những
câu chuyện, nên đề cập đến tất cả những cảm xúc mà bé có thể trải qua ví dụ: hạnh
phúc, vui vẻ, tình bạn, nỗi buồn, sự lo lắng, sợ hãi và cả mệt mỏi. Cha mẹ cần
tỏ thái độ tích cực với bé khi nói đến môi trường mới, bạn bè, và các hoạt động
vì điều này giúp cả bạn và trẻ cảm thấy lạc quan.
Đêm trước ngày đầu tiên gửi trẻ
Chuẩn bị tất cả những vật dụng cần thiết buổi tối hôm trước
giúp bạn không phải vội vã vào buổi sáng. Hành động nhỏ này có tác dụng giảm
căng thẳng cực kỳ hiệu quả trong những ngày đầu thậm chí tuần đầu bé đi trẻ.
Sau đây là một số hoạt động nên làm vào đêm trước ngày đầu
tiên đi trẻ của bé:
- Cho bé ăn tối bằng thực phẩm dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng
- Cho con đi ngủ như thường lệ để cố gắng giúp bé ngủ ngon.
- Chuẩn bị đồ đạc con cần: bình sữa, sữa công thức, tã-bỉm, mũ, quần áo để thay và thông tin về tiền sử bệnh của con (nếu có).
- Nên ghi tên con lên tất cả các đồ dùng cá nhân của bé.
- Hãy chia sẻ với người trông trẻ nếu con bạn ngủ không ngon giấc vào đêm hôm trước ( hoặc trong một vài đêm đầu tiên sau khi đi trẻ), bởi vì điều này có thể tác động đến hoạt động ban ngày của bé.
Tuần đầu tiên ở nhà trẻ
Nếu có thể, hãy làm cho việc đi trẻ trở thành niềm vui của
bé. Cha mẹ có thể làm điều này bằng cách ở lại với con một lúc trong vài ngày đầu
tiên để đọc sách, chơi ú òa với con và quan sát con chơi hoặc tham gia các hoạt
động ở nhà trẻ. Sau đó, cha mẹ có thể tăng dần thời gian xa con (ngồi ở một nơi
khác bên trong trường hay quanh quẩn bên ngoài trường). Điều này giúp bạn tập
làm quen với việc đưa con đến nhà trẻ rồi rời trường ngay.
Con bạn sẽ có cảm giác an toàn hơn nếu bé nhận biết cha mẹ
có mối quan hệ tốt với cô bảo mẫu, đặc biệt là người chịu trách nhiệm chính.
Xây dựng sự liên kết chặt chẽ với người trông trẻ cũng giúp cha mẹ dễ dàng trao
đổi những vấn đề về việc chăm sóc trẻ. Nếu có thể, tạo cơ hội để cả cha mẹ, cô
bảo mẫu và bé có những hoạt động cùng nhau. Điều này có nghĩa là bé sẽ bận rộn
khi bạn phải rời khỏi con. Mẹ có thể cho bé biết lúc nào mẹ phải đi và khi nào
sẽ quay trở lại đón bé. Ôm con, hôn con và tạm biệt cô bảo mẫu rồi đi. Nếu con
nhận ra bạn tin tưởng cô bảo mẫu, bé cũng sẽ yêu quý người trông trẻ.
Lê Mai (Theo Raisingchildren.net)