Đưa con đến khám tại bệnh viện Nhi Trung ương do biểu hiện duy nhất là ngạt mũi từ 4 ngày không đỡ, gia đình bé Tuấn (2 tuổi, Long Biên, Hà Nội) tá hỏa khi biết trong thực quản của con có một cục pin tròn. Hóc pin và hóc xương là hai loại dị vật nguy hiểm nhất ở đường tiêu hóa.
Theo BS Nguyễn Lợi, khoa Nội soi, đây là trường hợp có dị vật thực quản bỏ quên khá đặc biệt. BS Lợi chia sẻ: “Dị vật tiêu hóa bỏ quên chúng tôi gặp rất nhiều nhưng dị vật thực quản bỏ quên thì đúng là hiếm gặp. Vì thông thường, các bệnh nhân có dị vật thực quản có các biểu hiện như: nôn, nuốt nghẹn, nuốt đau và gần như không ăn uống được gì. Bệnh nhi này hoàn toàn không có các triệu chứng nêu trên, cháu ăn uống tốt, thậm chí gia đình không hề biết trẻ bị hóc bao giờ và trong hoàn cảnh nào.”
Khoa Nội soi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ hóc dị vật, tuy nhiên, những ca nuốt phải pin được coi là đặc biệt nguy hiểm. Pin tiết ra hóa chất có khả năng ăn mòn cao nên dễ gây loét thực quản, nếu không được phát hiện và gắp ra sớm dị vật này có thể gây viêm, loét, áp xe thành thực quản. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị thủng thực quản, pin di chuyển vào trung thất gây áp xe trung thất, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng.
“Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi trông trẻ. Trong các trường hợp hóc dị vật, nhất là hóc pin hoặc xương, cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra” – Bs Lợi khuyến cáo.
Khánh Chi
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi