26/9/14

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây như cảm cúm


Ai cũng có thể lây nhiễm đau mắt đỏ nhưng học sinh, sinh viên, giáo viên và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất do tiếp xúc rất gần với nhiều người trong không gian chật hẹp. Nhân viên công sở làm việc trong những căn phòng đông đúc cũng dễ nhiễm bệnh từ đồng nghiệp.






Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc (lớp màng mỏng che phủ phần trong mi mắt và phần lòng trắng của mắt). Tuy trong suốt nhưng kết mạc vẫn chứa nhiều mạch máu. Khi bộ phận này bị viêm, các mạch máu giãn ra và ứ máu, khiến mắt bị đỏ. Bệnh rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em và thường lây lan rất nhanh ở nhà, ở trường và nơi công sở. Tuy không trầm trọng nhưng đôi khi bệnh có thể gây biến chứng viêm giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực. 

1. Nguyên nhân và diễn biến 
  • Đau mắt đỏ thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trong các vụ dịch, thủ phạm chính gây đau mắt đỏ là các virus nhóm adeno vẫn gây cảm cúm thông thường. Kết mạc mắt có cấu trúc giống với lớp niêm mạc ẩm ướt của mũi và rất nhạy cảm với virus gây bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên. Sẽ không có gì lạ nếu người bị cảm cúm lại đau mắt đỏ.
  • Giai đoạn ủ bệnh kéo dài 2-14 ngày. Khởi đầu bệnh nhân có thể bị đau họng và sốt nhẹ, nước mắt chảy nhiều, mắt đỏ và ngứa, có thể tiết dử vàng hoặc xanh. Một số bệnh nhân trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh thường bắt đầu ở một mắt và nhanh chóng lan sang mắt thứ hai.
  • Diễn biến bệnh thay đổi tùy theo từng người. Một số chỉ bị chảy nước mắt và đỏ mắt nhẹ trong vài ngày, một số khác có biểu hiện ngứa mắt, cảm giác rát bỏng và tiết rất nhiều dử trong 2-3 tuần. Mắt có mủ là biểu hiện bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp bệnh nhân thấy đau mắt đột ngột, cảm giác cộm như có vật lạ trong mắt  thường có nguyên nhân là virus phát triển nhanh. Dạng này có thể gây sưng mắt, vỡ các mạch máu, hạch trước mang tai sưng to. 
  • Đau mắt đỏ ở trẻ trên 2 tuổi thường do nguyên nhân virus nhiều hơn. Bệnh biểu hiện bằng triệu chứng chảy nước mắt, cảm giác cồm cộm trong mắt. Ở độ tuổi nhỏ hơn, có thể gặp nhiều trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn. Mắt có dử dính, dử kéo về rất nhanh sau khi lau, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu viêm tai, viêm xoang đi kèm.   
  • Cũng giống như cảm lạnh, đau mắt đỏ do virus không thể chữa khỏi bằng kháng sinh và cần thời gian để đi hết con đường của mình. Bệnh có thể lây lan trong suốt giai đoạn mắt chảy nước và tiết dử. 

2. Đường truyền

Đau mắt đỏ cũng lây lan như trong bệnh cảm cúm. Virus gây bệnh có thể hiện diện trong chất tiết ở mắt và mũi người bệnh. Bạn có thể bị lây nhiễm theo các cách sau:
  • Qua đường hô hấp: khi người bệnh nói chuyên, ho hoặc hắt hơi, virus theo tia nước bọt bắn ra ngoài. 
  • Dụi mắt hoặc sờ mắt bằng bàn tay nhiễm bẩn do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hay mũi người bệnh, hoặc do chạm vào bề mặt nhiễm chất thiết từ đường hô hấp của bệnh nhân (điện thoại, bàn phím máy tính, tay nắm cửa, nút bấm thang máy... ).
  • Dùng chung đồ với người ốm, chẳng hạn dùng chung khăn, chung gối hay chung đồ mỹ phẩm trang điểm mắt. 
3. Điều trị

Đau mắt đỏ do virus
  • Phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ do virus đều nhẹ, bệnh thường tự khỏi sau 7-14 ngày mà không cần điều trị và không để lại hậu quả lâu dài. Trong một số trường hợp, bệnh chỉ khỏi sau 2-3 tuần, nhất là nếu xuất hiện biến chứng.
  • Nước mắt nhân tạo và chườm lạnh có thể giúp làm giảm triệu chứng khô và phù nề do viêm kết mạc. Kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn
  • Kháng sinh giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh và hạn chế sự lan truyền của bệnh. Bác sĩ có thể cho bạn dùng kháng sinh tại chỗ (thuốc nước hoặc thuốc mỡ). Bệnh thường khỏi sau vài ngày.
  • Có thể dùng nước mắt nhân tạo hoặc chườm lạnh để giảm triệu chứng khô mắt và viêm.

Chăm sóc tại nhà
  • Chườm lạnh vùng mắt: Yêu cầu bệnh nhân nhắm mắt rồi đắp khăn mềm đã được tẩm nước mát lên. Nếu người bệnh chỉ bị đau một bên mắt thì phải dùng hai khăn riêng biệt cho hai mắt để tránh làm lây bệnh sang mắt lành.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
  • Đau vừa hoặc nặng bên trong mắt. 
  • Xuất hiện rắc rối về thị lực như nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn mờ không được cải thiện sau khi lau hết dử mắt.
  • Mắt đỏ trầm trọng. 
  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn không cải thiện sau 24 giờ điều trị kháng sinh. 
4. Phòng bệnh 
  
Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có thể lây lan rất nhanh và gây dịch. Nguy cơ nhiễm bệnh hoặc làm lây bệnh sang người khác có thể giảm đáng kể nếu tuân thủ các quy tắc vệ sinh đơn giản. 

1. Người bệnh đau mắt đỏ cần:
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch sát khuẩn. 
  • Tránh sờ vào mắt hoặc dụi mắt.
  • Lau sạch dịch tiết ở quanh mắt 2 giờ/lần, lau từ góc trong mắt xuống dưới và ra ngoài. Trước khi lau, cần rửa sạch tay, sau đó dùng khăn sạch hay bông sạch đã được tẩm ướt để lau vùng mắt. Vứt ngay phần bông vừa sử dụng. Nếu dùng khăn thì cần giặt khăn này bằng nước nóng và xà phòng. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi hoàn thành công việc trên. 
  • Rửa tay sau khi nhỏ thuốc hoặc bôi thuốc mỡ vào mắt.
  • Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác, không dùng cùng một lọ thuốc cho mắt lành và mắt bệnh. 
  • Giặt bọc gối, ga trải giường, khăn mặt, khăn lau tay trong nước nóng và xà phòng, rửa tay sau khi xử lý các vật dụng này.
  • Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, bọc gối với người khác. 
  • Không lau chùi kính của mình bằng khăn chung.  
  • Không dùng chung phấn và chổi trang điểm, kính áp tròng hay kính đeo mắt với người khác.
  • Không đi bơi.
* Trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ đã đủ lớn để tuân thủ các hướng dẫn, bạn cần khuyến khích bé rửa tay thường xuyên, nhắc bé không sờ tay lên mắt hay dụi mắt. Tránh dùng khăn tay hay khăn mặt để lau mắt cho bé, tốt nhất nên dùng bông hay khăn giấy để lau rồi vứt đi. Nếu bé cảm thấy quá ngứa ngáy và phải dụi mắt, bạn hãy cho bé dùng khăn giấy mỏng lau mắt rồi cho bé rửa tay. Lau khô tay cho con bằng khăn riêng hoặc khăn giấy. Thường xuyên thay áo gối cho bé.

2. Nếu đang ở gần người đau mắt đỏ bạn cần:

  • Rửa thay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hay vật dụng mà người dó dùng, ví dụ rửa tay sau khi nhỏ thuốc mắt hay tra thuốc mỡ cho người đau mắt đỏ, sau khi đưa đồ trải giường của họ đi giặt.
  • Tránh đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt.  
  • Không dùng chung đồ vật với người đau mắt đỏ, chẳng hạn gối, khăn mặt, khăn lau tay, đồ trang điểm và kính.
3. Để tránh tái nhiễm đau mắt đỏ bạn cần:
  • Vứt bỏ mỹ phẩm trang điểm mắt đã được dùng trong thời gian bạn bị đau mắt đỏ,
  • Vứt bỏ kính áp tròng và hộp đựng đã được sử dụng trong thời gian đau mắt đỏ.
  • Làm vệ sinh kính và bao kính đã dùng trong thời gian đau mắt đỏ.

5. Phòng ngừa lây lan tại nhà trẻ, trường học và công sở

- Nếu xuất hiện trẻ bị đau mắt đỏ, nhà trường cần: 
  • Liên hệ với phụ huynh để gia đình đưa con đi khám.
  • Theo dõi biểu hiện đau mắt đỏ ở các cháu khác.
  • Nhắc nhở toàn bộ nhân viên và học sinh thực hành vệ sinh đúng cách, rửa tay thường xuyên, vứt bỏ giấy lau mũi vào nơi quy định.
  • Loại bỏ các đồ mà trẻ dùng chung như khăn lau tay, nên dùng khăn giấy để thay thế.
  • Khử trùng mọi dụng cụ có thể đã nhiễm khuẩn.
  • Yêu cầu gia đình giữ trẻ bị đau mắt đỏ do vi khuẩn ở nhà cho tới 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh.
  • Trẻ bị đau mắt đỏ do virus không nên đến trường học khi mắt còn chảy nước, tiết dử.


- Nếu xuất hiện người bị đau mắt đỏ, cơ quan cần: 
  • Nhắc nhở nhân viên tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, đặc biệt là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vứt giấy lau mũi vào thùng rác, không đưa tay lên mắt hoặc dụi mắt.
  • Khử trùng những vật dụng đã được người bệnh sử dụng chung với nhân viên khác (bàn phím máy tính, điện thoại, tay nắm cửa, nút bấm thang máy...).
  • Loại bỏ các đồ vật đã dùng chung với người bệnh như khăn lau tay, đồ mỹ phẩm trang điểm mắt.đỏ.
BS Trần Thu Thủy