16/8/14

Phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ - khuyến cáo mới

Khuyến cáo mới nhất của Hội Nhi khoa Mỹ năm 2008 có rất nhiều thay đổi so với những gì được đưa ra năm 2000. Trước đây các bác sĩ khuyên người mẹ hạn chế thực phẩm có tính dị ứng cao ngay từ khi mang thai nếu đứa con trong bụng có nguy cơ dị ứng. Bản thân trẻ sau khi sinh cũng được khuyên dùng sữa công thức từ đậu nành thay cho sữa bò (nếu không có sữa mẹ) và trì hoãn việc ăn dặm tới sau 6 tháng. Tuy nhiên, trong khuyến cáo mới, quan điểm đã hoàn toàn thay đổi. 



Khuyến cáo năm 2000 

Mẹ của trẻ có nguy cơ dị ứng caoHạn chế dùng thực phẩm có thể gây dị ứng trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. 

Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ dị ứng cao:
  • Tránh dùng sữa bò, trứng, cá, lạc và các loại hạt của cây (hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, óc chó...). 
  • Nếu không có sữa mẹ thì dùng các loại sữa công thức từ đậu nành để thay thế.
  • Không ăn dặm trước 6 tháng. 
  • Trì hoãn các chế phẩm sữa bò tới sau 1 tuổi, trứng tới sau 2 tuổi, lạc và cá tới sau 3 tuổi.
(* Trẻ có nguy cơ dị ứng cao là trẻ mà cha hoặc mẹ, hoặc anh chị bị bệnh dị ứng.)

Khuyến cáo này gây nên sự lo ngại lớn ở phụ nữ có thai và các bà mẹ cho con bú. Nhiều phụ huynh cảm thấy có lỗi khi con cái bị dị ứng, kể cả khi họ đã cố gắng hạn chế các thực phẩm có thể gây dị ứng đúng như khuyến cáo.

Khuyến cáo năm 2008 

Khuyến cáo năm 2008 thu hút được sự chú ý đặc biệt của các gia đình có con nhỏ mang nguy cơ dị ứng cao. Các hạn chế khắt khe trước đây đã được dỡ bỏ. 

- Thai kỳ: Chưa có đủ bằng chứng cho thấy chế độ ăn kiêng của mẹ trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh do cơ địa ở trẻ nhỏ (hen, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, chàm). 

- Cho con bú: Thiếu bằng chứng cho thấy việc tránh các thực phẩm gây dị ứng trong thời gian cho con bú có thể ngăn ngừa các bệnh dị ứng cơ địa (ngoại trừ bệnh chàm), nhưng cần có thêm số liệu nghiên cứu về vấn dề này.

- Trẻ dưới 1 tuổi bú mẹ: Ở nhóm trẻ có nguy cơ cao, có bằng chứng cho thấy bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 4 tháng làm giảm tỷ lệ chàm và dị ứng sữa bò trong 2 năm đầu đời so với dùng sữa bò công thức. Bú mẹ hoàn toàn trong 3 tháng đầu giúp bảo vệ trẻ khỏi chứng thở khò khè trong những năm đầu đời, nhưng tác dụng phòng ngừa hen ở trẻ trên 6 tuổi còn chưa thuyết phục.

- Trẻ dưới 1 tuổi nuôi bộ
  • Ở nhóm trẻ có nguy cơ cao, các sữa công thức chứa protein thủy phân (Nutramigen, Alimentum…) hiệu quả hơn trong phòng ngừa bệnh dị ứng cơ địa. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để biết liệu tác dụng này có được duy trì ở trẻ lớn hay không. 
  • KHÔNG có bằng chứng cho thấy dùng sữa đậu nành giúp ngăn ngừa dị ứng.
- Trẻ dưới 1 tuổi bú mẹ hoặc nuôi bộ:
  • Không nên cho bé ăn dặm trước 4-6 tháng tuổi. Việc trì hoãn thời điểm ăn dặm tới sau 6 tháng không giúp làm giảm tình trạng dị ứng thức ăn ở nhóm trẻ có nguy cơ phát triển dị ứng. Điều này cũng áp dụng cho các thực phẩm có tính dị ứng cao.
  • Sau 4-6 tháng, chưa có đủ dữ liệu ủng hộ việc hạn chế một số loại thực phẩm. 
- Cần có thêm nhiều nghiên cứu về tác dụng lâu dài của việc hạn chế thực phẩm để phòng ngừa bệnh cơ địa, nhất là ở trẻ trên 4 tuổi và trẻ lớn.

* Cần lưu ý rằng các thông tin trong khuyến cáo mới nói trên KHÔNG áp dụng cho trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh dị ứng cơ địa (bao gồm cả chàm và hen). Các hướng dẫn này chỉ nhằm tới trẻ có “nguy cơ cao”, nghĩa là trường hợp cha mẹ hoặc anh chị có bệnh dị ứng còn bản thân đứa trẻ thì không. 

BS Trần Thu Thủy