Nhu cầu canxi thay đổi theo lứa tuổi. Xương hấp thu và tích lũy canxi tối đa trong giai đoạn thiếu niên, nhất là thời kỳ 13-18 tuổi. Lúc này nhu cầu của cơ thể cao gần gấp đôi so với giai đoạn 4-8 tuổi. Thế nhưng, trên thực tế, phần lớn thanh thiếu niên không nhận đủ canxi từ khẩu phần ăn. Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, ở độ tuổi 12-19, chỉ 10% trẻ gái và 30% trẻ trai nhận đủ lượng canxi khuyến cáo. Sự thiếu hụt canxi này ảnh hưởng rất lớn tới xương và răng.
Nhu cầu canxi ở trẻ em theo lứa tuổi |
Canxi - yếu tố đặc biệt quan trọng cho sức khỏe lâu dài của xương và răng
Canxi là khoáng chất có mặt nhiều nhất trong cơ thể. 99% lượng canxi dự trữ nằm ở xương và răng. 1% còn lại nằm trong các chất dịch, chằng hạn như máu. Canxi tham gia vào quá trình đông máu, dẫn truyền tín hiệu thần kinh, giúp cơ co giãn, tim đập khỏe, huyết áp ổn định…
Chế độ ăn giàu canxi khi còn trẻ tạo ra sự khác biệt hết sức lớn cho sức khỏe, cả trước mắt và lâu dài. Việc nhận đủ canxi ở giai đọan này chẳng những giúp củng cố bộ xương trong hiện tại mà còn làm giảm nguy cơ loãng xương về sau.
- Một số nghiên cứu của Mỹ cho rằng sự gia tăng tỷ lệ gãy cẳng tay ở trẻ em có nguồn gốc từ giảm khối lượng xương, nguyên nhân là do trẻ uống ít sữa, nhiều nước có ga và ít vận động hơn so với trước kia.
- Loãng xương là bệnh lý khiến xương bị yếu và dễ gãy. Xương dựa vào canxi dự trữ để trở nên khỏe mạnh suốt đời. Nhưng ‘kho xương’ cho dự trữ canxi chỉ mở trong một thời gian ngắn. Có thể ngăn ngừa loãng xương bằng cách tích lũy canxi trong ‘ngân hàng xương’ từ khi còn trẻ, để xương có thể sử dụng chúng sau này.
Canxi cũng đặc biệt quan trọng cho răng.
- Kể cả trước khi mọc, những chiếc răng sữa và răng vĩnh viễn đã cần canxi để phát triển toàn diện.
- Sau khi mọc, canxi cũng có thể giúp bảo vệ răng khỏi bị sâu.
- Canxi cũng giúp xương hàm chắc khỏe.
Xương - ‘ngân hàng’ dự trữ canxi
Xương là giá đỡ cho toàn bộ cơ thể, giúp bảo vệ các cơ quan bên trong như tim, phổi. Xương liên tục thay đổi – xương mới hình thành và xương cũ bị tiêu hủy, quá trình này gọi là tái cấu trúc.
Khi còn trẻ, quá trình hình thành xương mới diễn ra nhanh hơn so với tiêu hủy xương cũ. Khi này, canxi được nạp thêm vào ‘ngân hàng xương’ bằng cách tăng mật độ xương và do đó làm tăng khối lượng xương.
Nguồn dự trữ canxi dồi dào trong ‘ngân hàng’ đồng nghĩa với việc bạn sẽ có đủ nguồn canxi để tăng trưởng, tái tạo xương và thực hiện nhiều chức năng mà cơ thể đòi hỏi. Xương có mật độ lớn (xương chắc) ít có nguy cơ bị gãy hơn. Những người không dự trữ đủ canxi khi trẻ có nguy cơ bị các bệnh như loãng xương sau này.
Với đa số mọi người, khối lượng xương đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 30. Sau thời điểm đó, xương tiếp tục tái cấu trúc nhưng tình thế bị đảo ngược, quá trình mất xương chiếm ưu thế so với tạo xương. Điều này có nghĩa là cơ thể không thể tích lũy thêm canxi vào ‘ngân hàng xương’ nữa, thay vào đó, nó sẽ phải rút canxi từ kho này.
Nạp đủ canxi khi cơ thể còn trẻ giúp chúng ta có bộ xương chắc khỏe mãi sau này. Nếu lựa chọn tốt, thực phẩm hàng ngày có thể cung cấp đủ lượng canxi cơ thể cần. Nếu không nhận đủ canxi, cơ thể sẽ lấy khoáng chất này từ xương để hỗ trợ các hoạt động sống còn. Điều này làm tăng nguy cơ bị bệnh loãng xương. Nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ nhận ra bệnh khi đã gãy một hoặc nhiều xương. Lúc này có thể đã quá muộn để sửa chữa những tổn thương của xương.
Lượng xương có được khi 30 tuổi và tốc độ mất xương sau đó sẽ quyết định khả năng bị loãng xương của mỗi người. Lượng xương tối đa càng cao, nghĩa là có càng nhiều canxi trong ‘ngân hàng xương’, thì nguy cơ bị loãng xương càng thấp.
BS Trần Thu Thủy