Theo dõi bệnh nhi tại khoa Cấp cứu Chống độc |
Bác sĩ Ngô Anh Vinh công tác tại khoa Cấp cứu và Chống độc,
Bệnh viện Nhi Trung ương 10 năm. Từng ấy thời gian, anh đã thấu hiểu công việc,
suy nghĩ của một người bác sĩ cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhi. Hằng ngày, bác
sĩ Vinh cùng các đồng nghiệp tiếp nhận người bệnh, phân loại, chẩn đoán và xử
trí cấp cứu bệnh nhân nặng.
Trong vô vàn các trường hợp bệnh khẩn cấp, nguy hiểm đã được tiếp nhận, anh và đồng nghiệp nhớ rất rõ trường hợp cháu bé 2 tuổi đi chơi cùng bố mẹ ở siêu thị bị ngã cầu thang cuốn, nhập viện trong tình trạng khó thở, da tái, tinh thần lơ mơ. Cháu đã được xử lí cấp cứu nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng và sau đó ngừng thở, ngừng tim. Anh và các đồng nghiệp đã kịp thời sử dụng cách hô hấp hỗ trợ, ép tim và tiêm thuốc trợ tim, nhanh chóng chọc hút dịch màng phổi và cấp cứu ngừng tim cho cháu. Sau 10 phút tim của bệnh nhi đã đập trở lại. 20 ngày điều trị tích cực, cháu bé đã được ra viện khỏe mạnh, không để lại di chứng. Đây là một trường hợp rất đặc biệt nhờ bác sĩ phát hiện sớm, xử trí đúng kĩ thuật, kết hợp sự hỗ trợ của các chuyên khoa đã được cứu sống bệnh nhân nhi trong cơn nguy kịch.
Cũng ít người hiểu được rằng công tác tại khoa cấp cứu cũng đồng nghĩa với nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân vừa nhập viện, đang trong giai đoạn nặng. Áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, thậm chí cả bạo hành, làm trĩu nặng thêm đôi vai của người thầy thuốc. Đối mặt với sự nóng giận quá thái của người nhà bệnh nhân, bác sĩ Vinh cùng đồng nghiệp chọn cách kiềm chế cảm xúc, giải thích để cha mẹ hiểu và tìm biện pháp xử lí hài hòa nhất.
Từng ngày từng giờ căng thẳng chiến đấu với tử thần, quyết tâm dành sự sống cho những bệnh nhi bé bỏng, bác sĩ Vinh cảm nhận rất rõ sứ mệnh vinh quang mà gia đình bệnh nhân trao cho mình. Niềm vui tràn đầy của ông bà cha mẹ khi đón con khỏe mạnh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc. Những ngày nghỉ lễ, tết với các nhân viên y tế, đặc biệt là ở khoa Cấp cứu và Chống độc, luôn không trọn vẹn. Lâu lắm rồi, anh Vinh chưa về quê thăm gia đình. Ngày tết, anh và các đồng nghiệp thay nhau trực ở bệnh viện. Anh Vinh chia sẻ: “Đôi lúc mình chạnh lòng khi thấy mọi người được đoàn viên, gia đình sum tụ, trong khi bọn mình tất bật đi sớm về khuya, không có thời gian bên gia đình, người thân, bạn bè. Nhiều bữa cơm không kịp ăn, những ca trực thâu đêm, mệt nhoài. Tuy nhiên, mình luôn mỉm cười với sự nhọc nhằn vốn là 'bản chất' của nghề đã chọn".
Thầy thuốc - người mẹ hiền
Những ca trực đêm đã quá quen thuộc với bác sĩ trẻ Phạm
Thị Thanh Tâm, khoa Cấp cứu chống độc. Chị Tâm có hai con, cháu đầu hơn 3 tuổi, cháu sau mới 1 tuổi rưỡi. Cả hai đều đi nhà trẻ vì bố mẹ quá bận bịu với công việc cơ quan. Sau những giờ làm việc căng thẳng ở bệnh viện, chị Tâm lại tất tả chạy về đón con, chăm lo việc nhà. Những giây phút trọn vẹn dành cho gia đình với chị là vô cùng quý giá.
Cũng như bao đứa trẻ, hai bé nhà chị Tâm thay phiên nhau ốm. “Khi con ốm, mình để bé ở nhà nhờ chồng hay ông bà chăm
sóc. Trường hợp bé ốm nặng phải đưa tới bệnh viện thì chồng sẽ là người trông con, còn mình vẫn tiếp tục công việc chăm sóc các em bé bị bệnh khác" - chị Tâm bộc bạch.
Không thể dành sự chăm sóc chu đáo cho các con, bác sĩ Tâm dồn cả tình thương cho các bệnh nhi, mong các bé sớm khỏi bệnh để ra viện. Trái tim người mẹ quặn đau mỗi lần chứng kiến các sinh linh bé nhỏ lìa đời. Chị trăn trở vì không thể làm gì hơn để giúp các bé và gia đình. Sau những cú sốc tinh thần ấy, bác sĩ Tâm thường cố gắng chỉn chu hơn trong công việc, quan tâm hơn đến tất cả người bệnh. Rất nhiều bệnh nhân của chị là các bé sơ sinh mới chào đời hay chỉ vài tháng tuổi. Mỗi lần đón các bé, chị lại ân cần, nâng niu như những đứa con của chính mình và dành trọn tình thương, trách nhiệm của một người mẹ hiền cho các bé.
Căng mình chắn gió
Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết Khoa hiện có 14 bác sĩ, 50 điều dưỡng, chủ
yếu là nữ, trong khi số bệnh nhi được đón nhận và xử trí cấp cứu hàng ngày lên tới gần 200 cháu. Sự quá tải trường kỳ của bệnh viện và Khoa khiến các nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng mình, vận hành hết công suất. Dù biết nghề y vất vả nhưng anh Duy cũng như các y, bác
sĩ trong khoa luôn tâm niệm phải làm những điều tốt nhất cho các cháu. Mỗi bệnh nhân được cứu sống là một phần thưởng vô giá mà cuộc đời ban tặng cho người thầy thuốc, bù đắp lại tất cả những nhọc nhằn nếm trải. Họ lại tiếp tục học hỏi, trau dồi kĩ năng lâm sàng và kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, trả lại nụ cười cho bé thơ và hạnh phúc ngọt ngào cho người thân của bé.
Theo Lê Dung
Tuổi trẻ Thủ đô