Sữa mẹ là sản phẩm thân thiện với môi trường trong khi quá trình đóng gói sữa công thức cũng như sản xuất bình sữa và núm vú cần rất nhiều vật tư tiêu hao và tạo gánh nặng rác thải cho môi trường.
Hưởng ứng tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra vào các ngày 1-7/8 hàng năm, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số nét chính trong Báo cáo điều tra Lợi ích của việc cho con bú đối với sức khỏe do Ủy ban Sức khỏe và Tuổi già thuộc Hạ viện Australia ban hành.
Những thập niên gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu lợi ích lớn lao của sữa mẹ. Những lợi ích này rất đa dạng, liên quan tới các lĩnh vực sinh lý, dinh dưỡng và tinh thần đối với sự phát triển của trẻ cũng như sức khỏe của người mẹ.
Lợi ích cho bé
Bệnh nhiễm trùng
Có bằng chứng vững chắc về các tác dụng bảo vệ của sữa mẹ đối với 3 loại bệnh nhiễm trùng ở trẻ nhỏ: bệnh đường tiêu hóa, nhiễm trùng hô hấp và viêm tai giữa.
Bú mẹ hoàn toàn thêm 2 tháng cũng tạo ra sự khác biệt. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các bé bú mẹ hoàn toàn 4-6 tháng hay bị viêm phổi nhiều hơn 4 lần và nhiễm trùng tai tái phát nhiều gấp 2 lần so với các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng trở lên.
Một nghiên cứu quant rọng về vấn đề bú mẹ tiến hành tại Belarus trên hơn 17.000 cặp mẹ con cho thấy bú mẹ hoàn toàn trong suốt năm đầu làm giảm tới 40% nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Các bé không được bú mẹ có nguy cơ nhiễm trùng tai giữa tăng đáng kể. Bú mẹ cũng giúp bảo vệ bé khỏi viêm tai giữa tái phát, căn bệnh có thể gây mất thính lực ở trẻ em. Một lần nữa, thời gian bú mẹ càng ngắn nguy cơ nhiễm căn bệnh này càng cao.
Hen và bệnh dị ứng
Tần suất bệnh hen và dị ứng cũng giảm nhờ được bú mẹ lâu hơn. Một nghiên cứu tiến hành tại Úc theo dõi 2.187 trẻ dưới 6 tuổi cho thấy nguy cơ bị hen khi 6 tuổi giảm đáng kể nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn ít nhất 4 tháng sau khi sinh. Nguyên nhân của hiện tượng này còn chưa rõ ràng, nhưng người ta ngờ rằng tác dụng bảo vệ có được là do trẻ bú mẹ hoàn toàn ít bị tiếp xúc với các kháng nguyên ngoại lai trong thực phẩm (ví dụ trong sữa bò). Các đặc tính của sữa mẹ cũng có thể giúp hệ miễn dịch của bé hoạt động hiệu quả hơn.
Phát triển tinh thần
Một số nghiên cứu cho rằng bú mẹ cũng có thể tác động tích cực tới sự phát triển tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa bú mẹ và sự gia tăng khả năng nhận thức và trí thông minh còn là vấn đề tranh cãi. Khó có thể kết luận rằng một trẻ thông minh hơn là hoàn toàn nhờ bú mẹ bởi vì các yếu tố môi trường khác cũng có thể có ảnh hưởng nhất định. Ví dụ, một nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của bú mẹ với chỉ số IQ ở trẻ mẫu giáo cho thấy cả hình thức nuôi con (bằng sữa mẹ hay sữa công thức) cũng như thời gian cho con bú đều không liên quan tới IQ của trẻ khi lên 4 tuổi trong khi chất lượng môi trường và hoàn cảnh kinh tế xã hội của gia đình mới là những yếu tố quan trọng.
Bệnh nhiễm trùng khác
Bú mẹ có thể giúp phòng ngừa một số bệnh khác bao gồm nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng đường ruột, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Béo phì
Bú mẹ làm giảm nguy cơ béo phì theo nhiều cách. Một giả thuyết cho rằng trẻ bú mẹ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn. Tăng cân quá nhanh có thể làm giảm cơ hội có thân hình mảnh mai hơn sau này. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sử dụng sớm và đều đặn sữa công thức sẽ tăng cân nhiều hơn khi được 1 tuổi.
Cảm giác no có thể là một chìa khóa khác giúp giải thích mối liên hệ giữa bú mẹ và béo phì. Bé bú mẹ biết khi nào mình đã nhận đủ sữa. Việc cha mẹ thường khuyến khích trẻ bú bình uống cạn sữa trong bình có thể khiến các bé ít đáp ứng với tín hiệu đói cũng như cảm giác no của cơ thể khi chuyển sang chế độ ăn dặm. Trái lại, bú mẹ có thể giúp lập trình và điều hòa cảm giác thèm ăn của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Nguy cơ bệnh mạn tính
Bằng chứng cũng cho thấy bú mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi hàng loạt bệnh mạn tính có thể xuất hiện ở người trưởng thành như tiểu đường typ 2, bệnh tim, xơ vữa động mạch và huyết áp cao.
Lợi ích cho mẹ
Có nhiều bằng chứng thuyết phục về ảnh hưởng tốt của việc cho con bú lên sức khỏe của mẹ. Cho con bú giúp mẹ bình phục nhanh hơn sau sinh, khiến kinh nguyệt xuất hiện trở lại muộn hơn, giảm nguy cơ mang thai và giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú thời kỳ tiền mãn kinh. Cho con bú giúp tử cung nhanh chóng trở lại tình trạng trước khi mang thai. Bú mẹ kích thích sản xuất hoóc môn oxytocin, làm co tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau sinh.
Tác dụng bảo vệ chống lại ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Tác dụng bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư vú sau mãn kinh cũng là điều có thể. Một nghiên cứu tổng quan dựa vào 47 nghiên cứu tại 30 quốc gia cho thấy tương ứng với mỗi 12 tháng cho con bú, nguy cơ ung thư vú của mẹ giảm 4,3%.
Tác dụng bảo vệ chống lại ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Tác dụng bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư vú sau mãn kinh cũng là điều có thể. Một nghiên cứu tổng quan dựa vào 47 nghiên cứu tại 30 quốc gia cho thấy tương ứng với mỗi 12 tháng cho con bú, nguy cơ ung thư vú của mẹ giảm 4,3%.
Một số lợi ích khác của việc cho con bú đối với sức khỏe của mẹ:
- Giảm cân nhanh, mau chóng trở về cân nặng trước sinh.
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung.
- Cải thiện tình trạng khoáng hóa các xương, dẫn tới giảm nguy cơ loãng xương.
- Bảo vệ khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh tiểu đường typ 2.
Lợi ích kinh tế của sữa mẹ và việc cho con bú
Sữa mẹ và GDP
Giá trị kinh tế của thời gian
Để đánh giá giá trị kinh tế của thời gian các bà mẹ dành cho việc cho con bú, Tiến sĩ Smith đã tìm hiểu ‘chi phí thời gian kinh tế’ này trong một điều tra mang tên “Điều tra sử dụng thời gian của những người lần đầu làm mẹ” thực hiện trên toàn Australia. Kết quả cho thấy các bà mẹ cho con bú ở mức khuyến cáo bỏ ra 16 tới 17 giờ mỗi tuần cho hoạt động này trong vòng 3 đến 6 tháng đầu. Thành phần cảm xúc cấu thành việc cho con bú cũng cần được nhìn nhận như sự đầu tư nhân lực đáng kể. Các bà mẹ này bỏ thêm khoảng 6 tới 11 giờ mỗi tuần để chăm sóc tinh thần cho con, góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và cảm xúc của trẻ.
Giảm chi phí cho ngành y tế
Cho con bú giúp bảo vệ trẻ khỏi một loại bệnh tật và do đó có tiềm năng làm giảm chi phí của ngành y cả về ngắn hạn và dài hạn.
Bác sĩ Trần Thu Thủy