31/1/16

Virus Zika đe dọa xâm nhập Việt Nam

Muỗi vằn - thủ phạm truyền virus Zika. 
Chiều ngày 29/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn đề xuất các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika nhưng sự lây truyền của virus này tại Thái Lan làm dấy lên lo ngại dịch bệnh lan truyền vào nước ta. Zika bị nghi gây chứng đầu nhỏ ở hàng nghìn trẻ em Brazil.




 Virus Zika, thuộc họ virus Flaviviridae liên quan tới sốt xuất huyết, sốt vàng và viêm não Nhật Bản, được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ rhesus tại rừng Zika ở Uganda vào năm 1947. Muỗi vằn (chuyên cắn vào ban ngày) là trung gian truyền virus Zika từ người bệnh sang người lành. Loại muỗi này cũng là thủ phạm làm lây lan bệnh sốt xuất huyết và sốt vàng. Kể từ khi được phát hiện tại Braxin vào tháng 5/2015, virus Zika đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 29/1/2016, virus này đã lan truyền đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ, trong đó có Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Mexico, Panama, Paraguay, Puerto Rico, Suriname và Venezuela.

Theo Bộ Y tế, đến nay chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virus Zinka tại Việt Nam, nhưng khả năng virus này xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Do sốt xuất huyết đang tồn tại dịch ở nước ta nên virus Zika có thể lây truyền nơi có muỗi vằn lưu hành. Bên cạnh đó, người dân chưa có miễn dịch cộng đồng với căn bệnh này và thế giới chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị nên chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. 

Virus Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng điều này không phổ biến. Tuy nhiên việc hiến máu và truyền máu cần được tuân thủ các quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn. Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Mỹ cho rằng virus Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ tại những nơi có lưu hành muỗi vằn. Các bằng chứng về việc truyền bệnh từ mẹ sang con cũng rất hạn chế. Hiện không có bằng chứng về việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ. Những bà mẹ trong vùng lưu hành virus vẫn được khuyến cáo cho con bú bình thường.

Việc phát hiện và điều trị Zika rất khó khăn vì có đến hơn 80% ca bệnh xuất hiệu triệu chứng không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết. Biểu hiện bệnh thường nhẹ, với các triệu chứng nổi ban ở da, sốt, đau cơ và khớp, kéo dài khoảng 1 tuần. Các nhà khoa học cho rằng có sự liên quan giữa virus Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh - bệnh lý trong đó trẻ sinh ra với phần đầu và não nhỏ hơn bình thường - dù mối liên hệ này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus Zika có thể trực tiếp gây tử vong nhưng đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm Zika trên nền các bệnh khác, dẫn tới tử vong. 

Dịch bệnh hoành hành tại châu Mỹ

Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) ước tính hiện có khoảng 60.000 trường hợp nghi nhiễm Zika tại châu Mỹ, nhưng con số thực có thể cao hơn rất nhiều. Nhiều trường hợp nhiễm virus Zika không bị phát hiện khiến việc đánh giá mức độ thực sự của dịch bệnh là rất khó khăn.

Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ trong vòng một năm gần đây, số lượng trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ - một bệnh lý thần kinh hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, khiến hộp sọ và não của trẻ nhỏ bất thường - tăng vọt từ 200 trẻ lên hơn 4.000 trẻ. Một số vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi Zika đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các chuyên gia y tế nhận thấy có mối liên hệ giữa sự gia tăng đột ngột các trường hợp não nhỏ ở trẻ em và dịch bệnh Zika xuất hiện thời gian gần đây. Chính phủ Brazil ước tính khoảng 1,5 triệu người dân đã nhiễm virus này kể từ tháng 5/2015. 

Sau Brazil, Colombia là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm bệnh cao thứ hai, với khoảng 13.500 ca bệnh và 500 trẻ sơ sinh bị chứng đầu nhỏ. Dự đoán số người nhiễm bệnh sẽ lên tới 700.000 trong năm nay. Chính phủ Colombia khuyến cáo phụ nữ nước này trì hoãn mang thai trong 6-8 tháng để tránh nguy cơ liên quan tới virus Zika. Jamaica tuy chưa phát hiện trường hợp bệnh nào nhưng vẫn khuyến cáo phụ nữ trì hoãn mang thai trong 6-12 tháng tới. El Salvador khuyến cáo phụ nữ tránh mang thai cho tới năm 2018.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ khuyến cáo phụ nữ nước mình không đi tới 14 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi rirus Zika ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.  

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

BS Trần Thu Thủy (tổng hợp)