20/7/14

Bà bầu vắt sữa non - nên hay không nên?

Vắt sữa non trước sinh hiện được một số cơ sở y tế và chuyên gia về sữa mẹ tại Australia và New Zealand khuyến cáo áp dụng cho thai phụ bị tiểu đường. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu sơ bộ cho thấy vắt sữa trước sinh có thể dẫn tới khởi phát chuyển dạ sớm, khiến trẻ sinh nhẹ cân và phải vào khoa hồi sức cấp cứu nhiều hơn. 








Bác sĩ nhi khoa Harold Waller (Anh) là một trong những người đầu tiên tiến hành nghiên cứu vắt sữa non trước sinh, từ những năm 1940, 1950. Câu hỏi mà ông đặt ra là liệu việc hướng dẫn các bà mẹ vắt sữa từ trước khi sinh có giúp cải thiện tỷ lệ cho con bú hay không. Kể từ thời Waller tới những năm sau 2000, có rất ít báo cáo đề cập đến vấn đề này. Những năm gần đây, vắt sữa non trước sinh được đề cập nhiều hơn và hướng tới bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trẻ có nguy cơ hạ đường huyết khi sinh.

Một số cơ sở y tế và chuyên gia về sữa mẹ tại Australia và New Zealand khuyến cáo phụ nữ bị tiểu đường typ 1 hoặc tiểu đường thai kỳ vắt sữa non trước khi sinh và bảo quản lạnh để dùng khi bé chào đời. Lý do được đưa ra là con của cá bà mẹ tiểu đường có nguy cơ hạ đường huyết khi sinh và sữa non có sẵn giúp phục hồi đường máu mà không cần bổ sung sữa công thức. Bổ sung sữa công thức sớm được cho là làm tăng nguy cơ tiểu đường typ 1 ở những trẻ này và giảm tỷ lệ mẹ cho con bú về sau.  

Tuy nhiên, đề xuất vắt sữa non trước sinh cũng làm dấy lên rất nhiều câu hỏi liên quan tới tính an toàn và hiệu quả của phương pháp. Cũng chưa rõ liệu có sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng và miễn dịch giữa sữa non vắt trước khi sinh và sau khi sinh hay không.

Những lo ngại

Việc các bà bầu được khuyến cáo thực hành vắt sữa non trong thời gian từ tuần 34 đến 37 của thai kỳ gây lo ngại rằng kích thích núm vú có thể  làm tăng tiết oxytocin - hoóc môn gây khởi phát chuyển dạ - khiến các bà mẹ sinh sớm.  

Năm 2012, GS Soltatni (Anh) đã tiến hành nghiên cứu hồi cứu trên 94 bà mẹ mắc bệnh tiểu đường sinh con trong giai đoạn 2001-2003. Kết quả cho thấy: 37% phụ nữ thừa nhận đã được khuyến cáo vắt sữa trước sinh và chưa tới một nửa trong số họ thực hiện điều này; trẻ sinh ra từ các bà mẹ vắt sữa trước sinh có cân nặng khi sinh thấp hơn và thai kỳ ngắn hạn hơn, điều này có nghĩa là kích thích núm vú trong thời gian vắt sữa trước sinh làm khởi phát chuyển dạ trước thời hạn. Hơn thế nữa, tỷ lệ trẻ phải vào khoa hồi sức cấp cứu cũng cao hơn ở nhóm vắt sữa trước sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu này có hạn chế là cỡ mẫu nhỏ và đối tượng chỉ là các mẹ bị tiểu đường, chưa thể áp dụng kết luận nói trên cho các bà mẹ nói chung.  

Hai nghiên cứu khác do GS Soltani thực hiện năm 2008 và GS Forster (Australia) thực hiện năm 2009 cho thấy trẻ sinh ra từ các bà mẹ vắt sữa trước sinh có nguy cơ phải vào khoa hồi sức cấp cứu cao hơn. Những nghiên cứu này cũng còn hạn chế về cỡ mẫu cũng như thiết kế. 

Năm 2011, đại học La Trobe (Australia) bắt đầu tiến hành thử nghiệm quy mô lớn về vắt sữa non trước sinh ở thai phụ bị tiểu đường để xác định hiệu quả và tính an toàn của phương pháp này cho mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Nghiên cứu dự kiến hoàn thành trong năm nay và hứa hẹn cung cấp những bằng chứng giá trị về lợi ích hay mối nguy hiểm tiềm ẩn của phương pháp vắt sữa non trước sinh.

Lợi ích của nuôi con bằng sữa non

Từ quý 2 của thai kỳ, cơ thể mẹ đã bắt đầu sản xuất sữa non. Đây là loại sữa đặc có màu vàng, rất giàu kháng thể. Sữa non đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh:
  • Ngăn ngừa sự bám dính vi khuẩn.
  • Cải thiện sự phát triển của vi khuẩn bình thường và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại trong ruột. 
  • Chứa một số yếu tố tăng trưởng (ví dụ yếu tố tăng trưởng biểu bì) giúp tăng sinh vi mao trong ruột non, tạo điều kiện tối ưu cho hấp thu các chất dinh dưỡng.
  • Gia tăng nhu động ruột, giúp bé sơ sinh dễ dàng tống phân su ra ngoài, giảm nguy cơ tái hấp thu bilirubin và nhờ đó giảm vàng da.
  • Có tỷ lệ pha trộn khoáng chất, vitamin, protein và chất béo phù hợp với trẻ sơ sinh.
Sữa non dự trữ từ trước sinh giúp giảm lượng sữa công thức cần dùng cho trẻ sơ sinh, bổ sung dinh dưỡng và tăng cường bảo vệ miễn dịch cho bé, đồng thời làm tăng tỷ lệ cho con bú sữa mẹ.


Hướng dẫn vắt sữa non trước sinh của một số bệnh viện và chuyên gia về sữa mẹ Australia, New Zealand

Chỉ định
  • Mẹ bị tiểu đường typ 1 hay tiểu đường thai kỳ: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và trì hoãn bổ sung protein sữa bò vào chế độ ăn của trẻ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường typ 1 (phụ thuộc insulin). Tuy biết rằng tiếp xúc sớm với protein sữa bò làm khởi phát đáp ứng miễn dịch gây tổn thương tuyến tụy, trẻ sinh ra từ các bà mẹ tiểu đường vẫn thường xuyên được bổ sung sớm bằng sữa công thức do đường máu không ổn định. 
  • Một số bệnh lý khiến trẻ khó bú mẹ, ít nhất là trong giai đoạn đầu sau khi sinh (sứt môi hở hàm ếch, các bệnh lý thần kinh, tim mạch, hội chứng Down…được chẩn đoán trước sinh): Những trẻ này thường bú kém nên mẹ phải vắt sữa cho con; dự trữ sữa non trước sinh bổ sung nguồn cung cấp sữa nếu cần và giúp mẹ tập dượt vắt sữa trước khi bé chào đời.
  • Trẻ chậm phát triển trong bào thai.
  • Mẹ bị thiểu sản tuyến vú: Phụ nữ có hai vú cách nhau quá xa (≥ 3,5 cm) thường ít khả năng sản xuất đủ sữa cho con.
  • Mẹ từng phẫu thuật vú: Trước đây núm vú thường bị cắt bỏ hoàn toàn trong phẫu thuật thu nhỏ vú. Nay núm vú được giữ lại và dây thần kinh quanh quầng vú cũng ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn lo lắng về khả năng sản xuất đủ sữa cho con.
  • Mẹ bị cường androgen (đa nang buồng trứng): Các nang ở buồng trứng sản sinh quá nhiều testosteron trong vòng 2-3 tuần sau khi sinh, cản trở việc tạo sữa trưởng thành. Khi hàm lượng tetosteron giảm, các phụ nữ này có thể sản xuất đủ sữa cho con.  
  • Mẹ có tiền sử dị ứng protein sữa bò: Trẻ sinh ra từ những bà mẹ này nếu được nuôi sớm bằng sữa công thức sẽ có nguy cơ dị ứng sữa bò cao.  
  • Mẹ có tiều sử ít sữa trong lần nuôi con trước.
Chống chỉ định
  • Có tiền sử đe dọa đẻ non hoặc đẻ non thực sự
  • Hiện đang bị dọa đẻ non và dùng thuốc ngăn ngừa đẻ non
  • Hở eo cổ tử cung
  • Cổ tử cung được khâu để ngăn ngừa sinh non
  • Đa thai (sinh đôi, sinh ba…)
  • Từng bị co thắt tử cung khi vắt sữa.
Quy trình vắt sữa và bảo quản sữa trước sinh
  • Tuần 34: Gặp chuyên gia tư vấn về cho con bú, nữ hộ sinh hay bác sĩ và học cách vắt sữa bằng tay, chuẩn bị các bơm tiêm vô trùng 1ml, 3 ml.
  • Từ tuần 36: Vắt trong vài phút mỗi bên2-3 lần mỗi ngày, tốt nhất là sau khi tắm vì lúc này bầu vú ấm áp và tay bạn sạch sẽ.
  • NGỪNG vắt sữa nếu xuất hiện đau do co thắt tử cung, hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này.
  • Dùng bơm tiêm 1 ml hay 3 ml để hút các giọt sữa non.
  • Dùng bơm tiêm mới mỗi ngày và bảo quản sữa trong ngăn đá.
  • Sữa non bảo quản đông lạnh có thể giữ trong vòng 3 tháng. Sau đó có thể bảo quản trong tủ lạnh trong 8 giờ hoặc ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ. Tốt nhất là sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi rã đông. 
Kỹ thuật vắt sữa 
  • Rửa tay, chườm ấm hai vú, mát xa nhẹ bầu vú, vuốt về phía núm vú để kích thích phản xạ xuống sữa.
  • Ngồi thẳng, ngả người nhẹ về phía trước. Đặt bàn tay dưới vú, các ngón tay nằm ngay dưới quầng vú, ngón cái nằm trên quầng vú, tạo thành hình chữ C.

  • Ép nhẹ các mu ngón tay và mu ngón cái (không dùng đầu búp ngón tay) rồi bóp và giữ vài giây, sau đó thả tay ra. Chú ý chỉ nên ấn ngược về phía lồng ngực, không bóp về phía núm vú. Các ngón tay phải ở xa núm vú, không day bóp núm vú.

  • Cố gắng bắt chước nhịp bú của trẻ, lặp lại các động tác "bóp, thả". Khi các giọt sữa non chảy ra dễ dàng thì thu sữa vào bơm tiêm.


  • Nếu sữa chảy nhiều có thể vắt sữa ra một chiếc thìa hay cốc vô trùng rồi hút vào bơm tiêm.

  • Khi sữa ngừng chảy, xoay đổi vị trí các ngón tay và ngón cái xung quanh quầng vú và lại bắt đầu vắt sữa.
  • Chuyển sang vú bên kia khi sữa chảy chậm lại
  • Vắt cả hai bên mỗi bên ít nhất 2 lần trong mỗi buổi vắt sữa.
  • Sữa non có thể được vắt 2-3 lần mỗi ngày và đựng trong cùng 1 bơm tiêm.  Trong khi chờ đợi phải bảo quản bơm tiêm trong tủ lạnh.
  • Vào cuối ngày, cho bơm tiêm vào túi có khóa kéo rồi bỏ vào ngăn đá. Nhớ dán nhãn tên bạn và ngày lấy sữa.



 BS Trần Thu Thủy